Tài liệu giáo dục địa phương bồi dưỡng tình yêu quê hương cho học sinh Hà Tĩnh
Trở thành bộ môn chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2021-2022, đến nay, tài liệu giáo dục địa phương Hà Tĩnh đã trở thành môn học hấp dẫn được giáo viên, học sinh ở các trường học trên địa bàn đón nhận.
Sau quá trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt, lần đầu tiên tài liệu giáo dục địa phương trở thành một môn học chính thức đối với học sinh lớp 10 ở các trường THPT Hà Tĩnh vào học kỳ 2 năm học 2022 – 2023.
Nội dung của tài liệu giáo dục địa phương lớp 10 gồm các chuyên đề độc lập, gần gũi với đời sống như: cộng đồng các dân tộc Hà Tĩnh; giáo dục khoa bảng; nghệ thuật nói lối; tín ngưỡng dân gian và tôn giáo Hà Tĩnh; chăm sóc người có công với cách mạng ở Hà Tĩnh… Đây là kênh giáo dục truyền thống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức học sinh.
“Ngay từ đầu năm học, trường đã chủ động xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy để đảm bảo đầy đủ 35 tiết trong năm. Chúng tôi cũng đã bố trí giáo viên phụ trách giảng dạy các chuyên đề phù hợp với bộ môn phụ trách nên việc triển khai tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình chính khóa rất thuận lợi”, thầy Trần Đức Tài – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) thông tin.
Tương tự như lớp 10, năm nay, lần đầu tiên học sinh lớp 6, 7 ở các trường THCS trên toàn tỉnh tiếp cận với bộ môn tài liệu giáo dục địa phương. Dù chưa có sách giáo khoa chính thức nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình học tập, các trường đã chủ động in ra bản cứng. Cùng với đó, nội dung bài học cũng được thể hiện qua các hình ảnh kết hợp với các đoạn video ngắn, tạo sức hấp dẫn, dễ hiểu cho các em trong quá trình tiếp thu kiến thức.
Tại Trường THCS Hương Điền – Nam Hương (Thạch Hà), thời khóa biểu giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương được trường bố trí linh hoạt và tăng cường vào các tiết học buổi chiều. Môn học này cũng được giao cho các giáo viên ở tổ bộ môn khoa học xã hội phụ trách.
Cô Nguyễn Thị Oanh – giáo viên Trường THCS Hương Điền – Nam Hương cho biết: “Hoạt động giáo dục địa phương trước đây đã được lồng ghép nội dung vào một số môn học như: Văn, Sử, Địa… nên giáo viên đã không còn bỡ ngỡ trong giảng dạy. Tuy nhiên, việc đưa tài liệu giáo dục địa phương trở thành một môn học độc lập cũng đặt ra yêu cầu giáo viên phải có kiến thức chuyên sâu hơn, cập nhật kịp thời tình hình văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương...”.
Theo nhận xét của các giáo viên, tài liệu giáo dục địa phương Hà Tĩnh đã tích hợp được nhiều kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, cập nhật tình hình chính trị xã hội của địa phương. Với hệ thống kiến thức mở, nội dung chương trình đã góp phần hình thành phẩm chất, năng lực người học.
Em Nguyễn Khánh Vy (học sinh lớp 7D, Trường THCS Hương Điền - Nam Hương) chia sẻ: “Tài liệu Giáo dục địa phương giúp em có thêm nhiều hiểu biết về những danh lam thắng cảnh, lễ hội, các phong tục tập quán của người Hà Tĩnh… Cũng qua môn học này, chúng em càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh hùng của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Ở bậc tiểu học, tài liệu giáo dục địa phương cũng được xây dựng với thời lượng 35 tiết. Nội dung các chủ đề nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi như: cảnh quan quê hương, môi trường, một số món ăn đặc sản, các trò chơi dân gian, phong tục đón tết, hát ru, các câu chuyện về danh nhân văn hóa, các hoạt động tương thân tương ái, giúp bạn nghèo…
Việc trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... trong tài liệu giáo dục địa phương đã giúp bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó, tạo điều kiện cho các em tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức học sinh.
Ngoài ra, môn học này còn đưa vào các hoạt động hướng nghiệp kiến thức về thị trường lao động, ngành nghề, các ngành kinh tế mũi nhọn, tiềm năng phát triển…. Điều đó giúp học sinh sớm có ý thức hòa nhập với môi trường đang sống, có trách nhiệm trong tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa quê hương, địa phương, có kiến thức, kỹ năng nền tảng trong quá trình lập thân, lập nghiệp sau này.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tài liệu giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy trong 2 năm học trở lại đây. Tài liệu là một trong những căn cứ cần thiết để giáo viên và học sinh được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức quan trọng về sự phát triển lịch sử, văn hóa, văn học, đặc điểm tự nhiên, xã hội và thực tế cuộc sống của địa phương gắn với văn hóa, chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng dân cư của tỉnh. Hiện tài liệu giáo dục địa phương của Hà Tĩnh được đưa vào giảng dạy đối với lớp 1,2,3 và các lớp 6,7,10.