Tài liệu tham khảo trong trường học: Loay hoay lựa chọn

Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, việc lựa chọn sách tham khảo để bổ sung vào thư viện hằng năm trở nên khó khăn hơn với cán bộ phụ trách.

Trường THPT Trần Phú tổ chức Ngày hội đọc sách. Ảnh: NTCC

Trường THPT Trần Phú tổ chức Ngày hội đọc sách. Ảnh: NTCC

Mặt khác, các trường cũng lúng túng khi lựa chọn tài liệu liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn…

Trao quyền thẩm định cho giáo viên

Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết: Các sách tham khảo phục vụ dạy và học được đưa vào thư viện nhà trường đều do giáo viên tổ chuyên môn lựa chọn và đề xuất để nhân viên thư viện tổng hợp. Nhà trường chỉ thanh toán theo gói sách từng bộ môn trên cơ sở thẩm định của tổ chuyên môn.

Đây cũng là cách nhiều trường học khác lựa chọn sách tham khảo bổ sung cho thư viện trường. Cô Tăng Thị Trúc Linh - nhân viên thư viện Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho hay: “Sách tham khảo phục vụ công tác dạy học của Chương trình GDPT 2018 ít đầu sách và khó thẩm định, lựa chọn. Vì vậy, nhà trường thay đổi quy trình lựa chọn sách tham khảo. Theo đó, thầy cô các tổ chuyên môn sẽ tự chọn, thẩm định và gửi danh mục đề xuất về thư viện trường. Trên cơ sở này, nhân viên thư viện làm tờ trình gửi ban giám hiệu và tiến hành mua sắm”.

Tại Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), đề xuất sách tham khảo là công việc thường niên của tổ chuyên môn. Chia sẻ của cô Lê Thị Kim Bông - Tổ trưởng chuyên môn tổ Hóa: Đối với Chương trình GDPT 2018, nguồn sách tham khảo còn hạn chế nên tổ nghiên cứu sách giáo khoa, sách giáo viên của cả ba bộ sách để chọn lọc đưa vào dạy học. Giáo viên trong tổ cũng xây dựng một số chuyên đề nâng cao chất lượng.

Các giáo viên tổ Hóa, Trường THPT Bình Sơn hiện đọc, phân tích một số sách tham khảo phục vụ kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 do nhóm tác giả là thầy cô thuộc các trường sư phạm TPHCM, Hà Nội, Huế biên soạn. Theo cô Lê Thị Kim Bông, giáo viên đã chủ động tìm mua sách tham khảo để nghiên cứu, phục vụ tự học nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

“Đây đồng thời là quá trình thẩm định để lựa chọn đầu sách phù hợp cho học sinh và giá tiền, sau đó đề xuất thư viện mua sắm. Vì có nhiều sách phù hợp giáo viên nghiên cứu nhưng không cần cho học sinh thì mình tự mua, bởi thực tế kinh phí mua sắm của nhà trường còn hạn chế”, cô Kim Bông nói.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Trà Nam đọc sách ở thư viện di động đặt tại sân trường. Ảnh: TG

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Trà Nam đọc sách ở thư viện di động đặt tại sân trường. Ảnh: TG

“Cân não” lựa chọn sách, tài liệu tham khảo

Thầy Nguyễn Đình Hòa - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) chia sẻ: “Với sách tham khảo môn Ngữ văn, cần dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn 2018 cũng như bám sát các thể loại được đưa vào chương trình. Trong đó, ưu tiên các tác phẩm thể hiện rõ đặc trưng thể loại, có nội dung gần gũi với học sinh”. Tổ Ngữ văn của nhà trường đang trong quá trình lên danh sách đề xuất sách tham khảo cho bộ môn theo đề nghị của thư viện.

Trong khi đó, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn dùng sách tham khảo của Chương trình GDPT 2006 để phục vụ dạy học. “Qua rà soát lại: Tủ sách pháp luật, tham khảo các lĩnh vực khoa học xã hội, môn Ngữ văn, Lịch sử… vẫn có thể sử dụng với chương trình, sách giáo khoa mới. Nhà trường muốn khi triển khai Chương trình GDPT 2018 khép kín đến lớp 12 mới bắt đầu bổ sung danh mục sách tham khảo mới vào tủ sách thư viện”, thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Theo nhận xét của cô Trần Thị Kim Vân, hiện số đầu sách tham khảo phục vụ Chương trình GDPT 2018 còn ít nên thư viện bổ sung chưa được nhiều. Đây là khó khăn cho giáo viên khi lựa chọn, thẩm định.

Còn cô Tăng Thị Trúc Linh thì nêu thực trạng, qua 2 năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, thư viện Trường THPT Trần Phú chỉ bổ sung mới sách tham khảo bộ môn Tiếng Anh. Sách tham khảo Tin học rất khan hiếm.

“Nếu chọn mua sách theo hình thức trực tuyến thì khó trong thủ tục thanh toán do không đủ chứng từ. Nhưng chọn nguồn sách tham khảo Tin học từ nhà sách ở thành phố thì không đáp ứng được yêu cầu của học sinh”, cô Linh thông tin và trao đổi thêm: Với nguồn tài liệu, sách tham khảo liên quan đến giới tính, chuyển giới, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn… rất khó để thẩm định, lựa chọn.

Nếu chọn các cuốn sách “khó”, có tính phản biện hoặc góc nhìn đa chiều về chuyển giới, đồng tính luyến ái thì dễ nảy sinh tranh cãi vì nhiều quan điểm trái chiều. Nếu chọn sách an toàn lại không đuổi kịp nhu cầu, mong muốn tìm hiểu đa dạng của học sinh. Nhân viên thư viện gần như chỉ chọn đưa vào các tài liệu tham khảo chính thống của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) chuyển về.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều giáo viên, cán bộ thư viện trường học khi lựa chọn các loại sách tham khảo. Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam cho biết, cả huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) không có nhà sách.

Vì vậy, mỗi lần có dịp đi công tác ở vùng đồng bằng, giáo viên thường tranh thủ ghé nhà sách lớn để tìm mua. “Quỹ thời gian eo hẹp nên việc thẩm định, chọn lọc sách khó có thể kỹ càng. Vì vậy, số đầu sách tham khảo bổ sung vào thư viện theo chương trình, sách giáo khoa mới chủ yếu chỉ dừng lại ở sách giáo viên”, thầy Chín thông tin.

Thầy Bùi Minh Quảng - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, hằng năm, sở hướng dẫn các trường việc mua sắm, bổ sung nguồn sách tham khảo phục vụ dạy học, phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, ưu tiên bổ sung loại sách nào tùy thuộc tình hình thực tế của nhà trường, dựa trên việc cân đối đề xuất từ các tổ bộ môn.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tai-lieu-tham-khao-trong-truong-hoc-loay-hoay-lua-chon-post685924.html