'Tai, mắt' bảo vệ cao nguyên xanh
Pleiku là đô thị trung tâm, nơi có các cơ quan trọng yếu của tỉnh Gia Lai và các đơn vị quốc phòng. Chính vì vậy, ngày đêm đang có nhiều đơn vị chung tay bảo vệ vùng trời, thông tin liên lạc để địa bàn không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn cảnh.
Cuối tháng 8, những cơn mưa vẫn rả rích ngày đêm. Nhưng ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, những “mắt thần” trên đỉnh Hàm Rồng vẫn hoạt động 24/24 giờ. Ở đó, Đài quan sát 19D32 vươn tầm nhìn, không để bất cứ phương tiện bay nào không được phép tiến vào vùng trời do đơn vị quản lý. Đứng trên đài quan sát, chỉ huy kíp trực, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Tố Danh-Tiểu đội trưởng Tiểu đội trực Đài 19D32-cho biết: “Chúng tôi luôn cử các ca trực đảm bảo quan sát 24/24 giờ. Nếu phát hiện vật thể lạ bay vào vùng trời sẽ tiến hành báo động, điện báo về trực ban đơn vị. Sau đó, trực ban báo cáo chỉ huy và báo động sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị trực trên trận địa”.
Trên đỉnh Hàm Rồng, nhiều năm nay, Đài quan sát 19D32 trở thành “mắt thần” canh giữ bầu trời Pleiku bất kể ngày đêm. Vào mùa khô không có nước ngọt sinh hoạt, Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 3) phải dùng xe thùng chở nước lên. Rồi lương thực, thực phẩm cũng được tiếp tế theo cách này. Vất vả, khó khăn là thế nhưng từ những người lính canh trời vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không.
Rời kíp trực tại Đài quan sát 19D32, chúng tôi xuôi về xã Trà Đa (TP. Pleiku), nơi đóng quân của Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Pháo phòng không 234). Đây là đơn vị phòng không trực chiến đấu bảo vệ trụ sở các cơ quan, đơn vị trọng yếu của tỉnh và sẵn sàng cơ động để bảo vệ các mục tiêu khi có tình huống xảy ra.
Trung tá Trần Năm Hưởng-Chính trị viên Tiểu đoàn-cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều loại vũ khí, phương tiện tác chiến đường không hiện đại, thông minh, làm thay đổi phương thức tác chiến truyền thống. Đặc biệt, những phương tiện bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thể “qua mặt” các hệ thống phòng không, đột nhập vào vùng trời bất cứ lúc nào.
“Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi luôn tổ chức việc canh trực tại trận địa, thường xuyên báo động sẵn sàng chiến đấu để cán bộ, chiến sĩ nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, đơn vị tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp để cán bộ, chiến sĩ luôn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”-Trung tá Hưởng chia sẻ.
Đại đội 36 (Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3) có nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình điện tử trong khu vực được giao, cơ động triển khai tác chiến điện tử. Cùng với đó, đơn vị còn sẵn sàng tấn công hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy, hệ thống dẫn đường vũ khí của địch trên hướng tác chiến của Quân đoàn và tổ chức ngụy trang, nghi binh điện tử, phòng-chống tác chiến điện tử và các vũ khí công nghệ cao của địch để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Mỗi ngày, đơn vị đều chia ra các ca trực, đảm bảo công tác thu, trinh sát điện tử trên địa bàn Tây Nguyên 24/24 giờ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh-Chính ủy Quân đoàn 3-thông tin: Để bảo vệ địa bàn chiến lược, các đơn vị luôn duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, các đơn vị thông tin liên lạc, phòng không, trinh sát, tác chiến điện tử phải luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm không để các cơ quan, đơn vị, mục tiêu trọng yếu cần bảo vệ bị bất ngờ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Không chỉ vùng trời, không gian mạng mà hệ thống thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan trọng yếu luôn được đảm bảo trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đại tá Nguyễn Đạt Phiên-Chính ủy Lữ đoàn Thông tin 132 (Binh chủng Thông tin liên lạc) cho hay: “Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc khu vực miền Trung-Tây Nguyên và quần đảo Trường Sa. Chính vì thế, chúng tôi luôn xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc cho các địa phương, đơn vị thông suốt, an toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tai-mat-bao-ve-cao-nguyen-xanh-post247621.html