Tai nạn giao thông mãi báo động, vì sao? (*): Xe máy dễ bị tổn thương, thiếu bảo vệ
Việc thiết kế hạ tầng giao thông không hợp lý đang tạo ra một môi trường khiến người đi xe máy buộc phải hành động theo cách 'tự vệ'
Khi nhắc đến tai nạn giao thông (TNGT), chúng ta thường đổ lỗi cho ý thức của người đi xe máy - một phương tiện chiếm đa số trong giao thông Việt Nam. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, TNGT không chỉ xuất phát từ ý thức cá nhân mà còn từ chính môi trường và hạ tầng giao thông, những yếu tố định hình hành vi và thói quen của người tham gia giao thông.
Tìm cách thích nghi
Thực tế cho thấy phần lớn TNGT xảy ra giữa xe máy và ô tô hoặc các loại xe lớn như xe tải, xe buýt, container. Điểm chung của các vụ tai nạn này là sự va quệt trên cùng một làn đường, nơi không có bất kỳ sự phân tách nào bảo đảm an toàn cho từng loại phương tiện. Điều này dẫn đến tình trạng xe máy - loại phương tiện dễ tổn thương nhất - luôn bị đặt vào nguy cơ cao, trong khi ô tô và các loại xe lớn chiếm ưu thế cả về kích thước lẫn tốc độ. Việc thiết kế hạ tầng giao thông không hợp lý đang tạo ra một môi trường khiến người đi xe máy buộc phải hành động theo cách "tự vệ", như chạy sát lề đường hoặc luồn lách giữa các dòng xe lớn. Những hành vi này không phải do ý thức kém, mà xuất phát từ hệ thống giao thông không bảo vệ họ.
Trong quy hoạch giao thông hiện tại, ô tô thường được ưu tiên về làn đường và không gian di chuyển. Nhưng trên thực tế, xe máy mới là phương tiện chủ đạo ở Việt Nam, chiếm phần lớn trong tổng số phương tiện tham gia giao thông. Điều nghịch lý là nhóm phương tiện dễ tổn thương nhất lại không được ưu tiên bảo vệ. Hầu hết các tuyến đường ở Việt Nam, đặc biệt là tỉnh lộ và quốc lộ, đều thiếu dải phân cách cứng giữa làn xe máy và làn ô tô. Xe máy và ô tô cùng di chuyển trên một làn, dẫn đến nguy cơ va chạm khi ô tô lấn làn, vượt xe hoặc tăng tốc đột ngột. Trong khi đó, dải phân cách - một biện pháp cơ bản để bảo đảm an toàn - lại được sử dụng rất hạn chế.
Khi đặt người đi xe máy vào một môi trường không an toàn, họ sẽ buộc phải tìm cách thích nghi. Môi trường giao thông không chỉ ảnh hưởng đến hành vi cá nhân mà còn hình thành thói quen lâu dài. Khi ngày ngày phải luồn lách để tránh nguy hiểm, người đi xe máy sẽ dần xem việc vi phạm như một cách "sống sót" trên đường. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ TNGT, tạo nên một vòng luẩn quẩn giữa hạ tầng yếu kém và hành vi không an toàn.
Phân luồng giao thông là giải pháp cốt lõi để giảm thiểu tai nạn, đặc biệt giữa các phương tiện có đặc điểm và tốc độ khác nhau.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường được thiết kế không đồng bộ, làn xe máy hẹp, không có đèn chiếu sáng ban đêm hoặc không được bảo trì thường xuyên. Điều này làm gia tăng nguy cơ TNGT.
Cần được bảo vệ
TNGT không thể chỉ giải quyết bằng biện pháp mở rộng đường hay xử phạt nặng, mà phải xuất phát từ việc nhìn nhận đúng bản chất vấn đề: Sự bất hợp lý trong tổ chức giao thông và sự thiếu bảo vệ đối với xe máy. Một hệ thống giao thông an toàn cần đặt trọng tâm vào bảo vệ người dễ tổn thương nhất, không phải ưu tiên phương tiện lớn. Việc phân luồng và sử dụng dải phân cách cứng là nguyên tắc then chốt, không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn mà còn tạo nên một hệ thống giao thông bền vững, công bằng và an toàn hơn cho mọi đối tượng tham gia.
Hành vi và ý thức của con người, dù có tốt đến đâu, cũng luôn chịu sự chi phối bởi môi trường mà chúng diễn ra. Một môi trường thuận lợi sẽ tạo điều kiện để hành vi và ý thức được phát huy, được tôn trọng và thực thi hiệu quả. Nhưng nếu môi trường không hỗ trợ thì ngay cả những ý thức tốt đẹp nhất cũng chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết, khó có thể được thực hiện trong thực tiễn.
Điều này được thấy rõ ràng trong lĩnh vực giao thông. Nếu hệ thống giao thông không bảo đảm sự an toàn, không phân luồng rõ ràng hoặc thiếu các biện pháp bảo vệ người dễ tổn thương như người đi xe máy thì dù ý thức tuân thủ luật giao thông của mỗi cá nhân có cao đến đâu, họ vẫn bị buộc phải hành động theo cách phù hợp với môi trường, kể cả vi phạm luật.
Do đó, trước khi phán xét về hành vi hay ý thức của người tham gia giao thông, cần nhìn nhận một cách khách quan hơn về môi trường giao thông hiện tại. Nếu môi trường không hỗ trợ, thậm chí gây cản trở thì việc yêu cầu mọi người tuân thủ luật giao thông chỉ là một đòi hỏi bất hợp lý. Chỉ khi chúng ta cải thiện được môi trường giao thông - từ hạ tầng, quy hoạch đến cách tổ chức luồng di chuyển - thì ý thức và hành vi tuân thủ luật giao thông mới thực sự có cơ hội được phát huy.
Nói cách khác, một môi trường giao thông an toàn và hợp lý chính là nền tảng để xây dựng ý thức và hành vi tốt. Nếu không thay đổi môi trường, mọi lời kêu gọi cải thiện ý thức chỉ là lý thuyết suông, không thể đi vào thực tế.
Nỗi đau còn mãi
Mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra đều là một bi kịch, là nỗi đau khôn nguôi.
Những con số thống kê về TNGT luôn khiến chúng ta giật mình. Hằng ngày, hằng giờ, trên các tuyến đường, những vụ va chạm vẫn xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Hậu quả của TNGT không chỉ dừng lại ở những cái chết thương tâm mà còn gây ra những thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bị nạn.
Thảo Trần
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-11
Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.