Tai nạn giao thông - nỗi đau còn đó

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là vấn đề 'nóng' được xã hội quan tâm. Hậu quả của TNGT không chỉ để lại những nỗi đau khôn nguôi cho người thân mà còn gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình và xã hội.

Lãnh đạo sở Giao thông Vận tải thăm hỏi, tặng quà gia đình bà Vũ Thị Toán (xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, có con dâu bị tử vong do TNGT)

Lãnh đạo sở Giao thông Vận tải thăm hỏi, tặng quà gia đình bà Vũ Thị Toán (xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, có con dâu bị tử vong do TNGT)

Thất thần ngồi nhìn di ảnh chồng, chị Trần Thị Lý (xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn) không khỏi đau đớn, xót xa. Liên tục lau đi những giọt nước mắt, chị nghẹn ngào kể: Vào tháng 5/2024, khi hai vợ chồng chị đi làm đồng bằng xe máy, không may bị xe ô tô tông trúng. Chị bị thương nặng, dập lá lách, gãy xương đùi, xương sườn; còng chồng chị tử vong ngay hôm xảy ra tai nạn. Hiện sức khỏe chị vẫn còn rất yếu, chưa thể đi lại được; chi phí điều trị bệnh rất cao, lên đến vài trăm triệu đồng, trong khi còn phải nuôi 3 con đang tuổi ăn học. Vừa đau đớn về tinh thần, vừa đau đớn thể xác, chị còn lo lắng về đời sống, kinh tế của gia đình, lo lắng cho các con; rồi sau này lấy tiền đâu để tiếp tục chữa bệnh, rồi ai chăm sóc, nuôi dạy con cái?

Cùng chung nỗi đau mất người thân như chị Lý, bà Vũ Thị Toán (70 tuổi) ở xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn không giấu nổi những giọt nước mắt trên gương mặt tiều tụy vì nỗi đau mất đi người con dâu thảo hiền. Bà kể: “Con dâu và con trai tôi đều làm công nhân ở các công ty trên địa bàn huyện. Hai vợ chồng sinh được 2 cháu trai, cháu lớn 5 tuổi, cháu bé 3 tuổi. Hôm đó, con dâu tôi trên đường đến công ty làm việc thì không may va chạm với xe ô tô đầu kéo, khiến cháu tử vong. Tin dữ đến quá bất ngờ, khiến cả gia đình tôi như chết lặng. Giờ đây, mỗi ngày trôi qua đều là một nỗi đau xót. Những câu hỏi ngây thơ của các cháu: “Bà ơi, sao mẹ cháu chưa về?” hay những lúc các cháu đòi bố mua sữa mà bố nói: “chờ bố lĩnh lương đã” khiến lòng tôi quặn thắt.

Lãnh đạo Công an thành phố Ninh Bình tặng quà, thăm hỏi gia đình bà Phạm Thị Quý (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) có chồng bị tử vong do TNGT.

Lãnh đạo Công an thành phố Ninh Bình tặng quà, thăm hỏi gia đình bà Phạm Thị Quý (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) có chồng bị tử vong do TNGT.

Mỗi năm, hàng nghìn gia đình trên cả nước, trong đó có nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh phải gánh chịu nỗi đau khôn tả vì tai nạn giao thông. Những vụ tai nạn không chỉ gây ra thương tích, tàn phế, thiệt hại về kinh tế, mà còn cướp đi sinh mạng của biết bao người, để lại những vết thương lòng sâu sắc cho người thân. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, 10 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 154 vụ TNGT, khiến 88 người tử vong, 99 người bị thương. Theo các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT, bên cạnh do mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ thì nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông chạy quá tốc độ, lấn phần đường, làn đường, qua đường không quan sát, vi phạm các quy định về biển báo, đèn báo, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông… là những lỗi vi phạm phổ biến, cũng là những nguyên nhân chính gây nên TNGT.

Để chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người thân bị TNGT và cảnh báo cho toàn xã hội về những hậu quả của TNGT, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị tử vong, bị thương trong các vụ TNGT; đặc biệt tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” hàng năm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Năm 2024, hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức thăm hỏi, tặng quà 20 hộ gia đình có người thân bị TNGT trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 48 triệu đồng (trong đó Ủy ban ATGT Quốc gia hỗ trợ 40 triệu đồng) để góp phần động viên các gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông. Với vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về giao thông dưới nhiều hình thức, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông; rà soát, khắc phục các “điểm đen” về TNGT… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT còn xảy ra phổ biến. Chỉ riêng trong tháng 10, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý gần 5.400 trường hợp vi phạm trật tự ATGT.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh.

Để giảm TNGT bền vững, giảm thiểu nỗi đau do TNGT gây ra, thiết nghĩ thời gian tới, cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, lực lượng chức năng cần đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh việc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, cần đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông. Việc xây dựng các chương trình tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là thanh, thiếu niên và người dân vùng nông thôn là vô cùng cần thiết. Quan trọng hơn cả, ý thức của mỗi người tham gia giao thông đóng vai trò quyết định. Mỗi người dân cần không ngừng nâng cao hiểu biết về luật giao thông, tự giác chấp hành các quy định và hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông. Việc đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi lái xe, không sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện và nhường đường cho người đi bộ… là những hành động thiết thực mà mỗi người có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên toàn cầu.

Với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông”, năm 2024 là năm thứ 13, Việt Nam cùng thế giới tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ và tự nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống an toàn.

Đồng thời, đây cũng là dịp để nhắc nhở mỗi chúng ta về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật về trật tự ATGT như: “Đã uống rượu, bia không lái xe”; “Hãy tuân thủ tốc độ - Nhanh một giây, chậm cả đời”; “Đội mũ cho con - Trọn tình cha mẹ”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Thắt dây an toàn khi đi ô tô”; “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện”...

Hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông" năm 2024, tối 17/11, tại chùa Bái Đính, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT tại Việt Nam.

Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tai-nan-giao-thong-noi-dau-con-do-663276.htm