Tai nạn giao thông: Nỗi đau dai dẳng

'Tai nạn giao thông (TNGT) luôn để lại hậu quả nặng nề về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và kinh tế đối với nhiều gia đình, trở thành gánh nặng cho xã hội. Chung tay ngăn chặn nỗi đau TNGT vì vậy là trách nhiệm của cả cộng đồng'-ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai-nhấn mạnh.

Nỗi đau người ở lại

Căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Huệ-bà Nguyễn Thị Hoa nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa. Ở phòng khách, vợ chồng ông dành phần lớn diện tích làm nơi thờ tự 3 người con, trong đó có 2 người con trai mất vì TNGT. Ngồi trước di ảnh các con để tiếp chuyện khách mà nước mắt ông Huệ cứ tràn ra, len theo những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ. Rất lâu sau, ông mới trút ra những lời khó nhọc: “Nếu như có một điều ước, tôi ước mình được chết thay con!”. Ở một góc căn nhà, bà Hoa ôm chặt đứa cháu mới hơn 2 tuổi đã sớm chịu cảnh mồ côi cha. Cả hai bà cháu cùng nức nở…

Vợ chồng ông Huệ sinh được 4 người con, 1 gái, 3 trai. Lên 4 tuổi, cô con gái của ông bà lâm bạo bệnh rồi mất. Đến năm 2012, người con trai cả Nguyễn Minh Hiếu (SN 1982) đã vĩnh viễn ra đi sau một vụ TNGT, để lại vợ trẻ, con thơ và cha mẹ già. 6 năm sau, TNGT lại tiếp tục cướp đi người con trai út của ông bà. “Đó là ngày 25 tháng Chạp năm 2018. Trên đường trở về nhà sau khi đi đào giếng thuê, vì mệt mỏi và buồn ngủ, nó (tức anh Nguyễn Minh Hoàng, SN 1995) đã tông vào chiếc container đậu bên đường và tử vong. Nếu không vì 3 đứa cháu còn ngây dại đã mồ côi cha, vợ chồng tôi không thiết sống nữa”-bà Hoa nói trong nước mắt. Tuổi già cô quạnh, ông bà còn vất vả mưu sinh lo cho 3 đứa cháu mồ côi cha. Đã vậy, người con duy nhất còn lại của ông bà-anh Nguyễn Minh Huy (SN 1990) mới đây cũng bị TNGT. Giữ được tính mạng nhưng cơ thể anh mang di chứng nặng nề khi chân tay đều bị gãy, sức khỏe suy giảm.

Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Ban An toàn Giao thông tỉnh thăm, động viên, trao quà hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Huệ (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa). Ảnh: L.H

Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Ban An toàn Giao thông tỉnh thăm, động viên, trao quà hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Huệ (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa). Ảnh: L.H

Cũng chồng chất nỗi đau do TNGT để lại là trường hợp của 4 mẹ con chị Amyel (SN 1985, trú tại làng Tleo, xã Kdang, huyện Đak Đoa). Hơn nửa năm trôi qua kể từ khi chồng chị-anh Đôch (SN 1990) mất vì TNGT, bố mẹ chồng chị đã phải về ở cùng để phụ giúp chăm đàn cháu nội. “Tối hôm ấy, trên đường đi nhậu về, anh Đôch không may bị tai nạn xe máy và tử vong. Lúc ấy, tôi mang thai cái Đen, gần đến ngày sinh”-chị Amyel nghẹn ngào. Cha mất hơn 3 tuần thì bé Đen chào đời. Đến thăm mẹ con chị Amyel, nhìn cảnh 4 mẹ con “đánh vật” với nhau, ai cũng phải ngậm ngùi. Không biết chuỗi ngày tiếp theo, chị Amyel sẽ xoay xở thế nào với chuyện cơm áo, nuôi nấng các con?

Bảo vệ mình trước nguy cơ TNGT

Bà Bùi Thị Mỹ Dung-Chủ tịch UBND xã Tân Bình-cho biết: “Đồng cảm với hoàn cảnh của vợ chồng ông Huệ, địa phương đã bình xét đưa gia đình vào diện hộ nghèo, để con anh Hiếu, anh Hoàng được hưởng chế độ ưu đãi trong học tập. Chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ để ông bà giảm bớt khó khăn. Bản thân ông Huệ 10 năm liền được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và hoạt động rất tích cực”. Xuất phát từ chính hoàn cảnh của mình, với vai trò là trưởng thôn, ông Huệ thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền bà con trong thôn phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, tránh nguy cơ xảy ra TNGT đáng tiếc để không ai lặp lại nỗi đau như gia đình mình.

Còn bà Chranh-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kdang thì chia sẻ: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng như chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã quan tâm, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay chia sẻ bằng vật chất, tinh thần đối với mẹ con chị Amyel. Sự san sẻ ấy phần nào giúp gia đình chị có thêm động lực để vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. “Tuy nhiên, có những sự thiệt thòi, mất mát không thể nào bù đắp được. Đó là cảnh vợ mất chồng, con thơ mất cha và tương lai chênh vênh khi gia đình mất đi một trụ cột”-bà Chranh nói.

Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh: 10 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 290 vụ TNGT, làm chết 185 người, bị thương 282 người. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT giảm 26 vụ, giảm 20 người chết và giảm 61 người bị thương. Trong số các vụ TNGT xảy ra có 128 vụ liên quan đến người dân tộc thiểu số, làm chết 83 người, bị thương 112 người. Tính từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã liên tiếp kéo giảm được TNGT qua từng năm. Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị tỉnh trong việc đẩy lùi thảm họa TNGT. Mặc dù vậy, so với mặt bằng chung của cả nước, Gia Lai vẫn nằm trong số các tỉnh có TNGT xảy ra ở mức cao. Theo ông Lê Văn Hạnh: “Hàng năm, TNGT vẫn cướp đi hàng trăm sinh mạng, gây tổn hại sức khỏe, kinh tế và trở thành nỗi đau cho người thân, gánh nặng cho xã hội. Điều này cho thấy sự cần thiết phải vào cuộc mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân trong việc chung tay đẩy lùi thảm họa TNGT”.

Thời gian qua, nhằm chia sẻ nỗi đau, tạo động lực giúp các gia đình nạn nhân TNGT sớm vượt qua mất mát, ổn định cuộc sống, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã thường xuyên tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân trong các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội, những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng cũng luôn dành sự quan tâm, động viên, hỗ trợ bằng cả vật chất và tinh thần đối với các gia đình nạn nhân TNGT.

“Tai nạn giao thông luôn để lại nỗi đau không gì bù đắp được nhưng chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông Đường bộ. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ mình trước nguy cơ TNGT, để TNGT không gieo rắc nỗi đau lên mỗi người, mỗi gia đình”-Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh nhắn nhủ.

LÊ HÒA

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12378/201911/tai-nan-giao-thong-noi-dau-dai-dang-5657538/