Tai nạn giao thông tăng cao, vì sao?

Kết thúc năm 2019, Khánh Hòa đứng cuối cùng trong 63 tỉnh, thành phố về chỉ số tai nạn giao thông. Đâu là nguyên nhân? Và trong năm 2020, các cấp, ngành toàn tỉnh sẽ phải làm gì để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông?

Kết thúc năm 2019, Khánh Hòa đứng cuối cùng trong 63 tỉnh, thành phố về chỉ số tai nạn giao thông (TNGT). Đâu là nguyên nhân? Và trong năm 2020, các cấp, ngành toàn tỉnh sẽ phải làm gì để kiềm chế, kéo giảm TNGT?

Tăng cao nhất nước

Nhiều năm liên tiếp, Khánh Hòa luôn nằm trong top những địa phương ít xảy ra TNGT. Tuy nhiên, năm 2019 lại hoàn toàn khác. Từ tháng 1 đến tháng 8, TNGT tăng cao liên tiếp, đến tháng 9 tình hình mới được cải thiện (cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương giảm so với tháng trước), nhưng vẫn tăng cao so với cùng kỳ. Những tháng cuối năm, tình hình ngày càng tệ khi TNGT tiếp tục tăng cao.

Hạ tầng giao thông quá tải là nguyên nhân gián tếi p dẫn đến tai nạn giao thông (ảnh chụp trên đường Trần Phú, TP. Nha Trang).

Trong 8 huyện, thị xã, thành phố, có 3 địa phương là: TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa để xảy ra TNGT tăng cao hơn 20% cả 3 tiêu chí. Trước tình hình đó, ngày 29-11-2019, đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn trương chấn chỉnh tình trạng này. Đồng thời, người đứng đầu các địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm vì đã để xảy ra TNGT tăng cao. Mới đây, trong hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cả nước, trong số các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chỉ có duy nhất 1 địa phương có lãnh đạo tham dự. Ông Lê Hữu Hoàng không hài lòng với tình trạng này và yêu cầu chấn chỉnh việc “lười” đi họp của lãnh đạo cấp huyện.

Nói về nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng cao, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến TNGT tăng là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người dân về trật tự ATGT chưa cao, cơ sở hạ tầng giao thông hiện chưa theo kịp với sự phát triển của phương tiện. Có 80% số vụ TNGT liên quan đến xe máy, qua điều tra nguyên nhân, cơ quan chức năng kết luận có hơn 80% số vụ tai nạn là lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong khi đó, các đô thị lớn như Nha Trang đã quá tải, hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của phương tiện. “Toàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu xe mô tô thì TP. Nha Trang chiếm 50%; 60.00 xe ô tô thì Nha Trang có hơn 40.000 xe, thêm vào đó Nha Trang mỗi ngày cần 5.000 xe cỡ lớn để phục vụ du lịch. TNGT tại Nha Trang chủ yếu trong nội thị, rõ ràng hạ tầng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu phát triển là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những vụ tai nạn”, ông Dần nói.

Đã uống rượu, bia không lái xe

Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 162 vụ TNGT, làm 168 người chết, 64 người bị thương. So với năm 2018, số vụ TNGT tăng 21 vụ (tăng 14,9%), tăng 25 người chết (tăng 17,5%) và tăng 30 người bị thương (tăng 88,2%). Trong năm, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã lập biên bản hơn 46.600 phương tiện, phạt vi phạm hành chính hơn 42.900 trường hợp với số tiền hơn 45,5 tỷ đồng.

Để kéo giảm TNGT trong năm 2020, với mục tiêu giảm từ 5 đến 10% so với năm 2019, Ban ATGT tỉnh đã đề ra các nhóm giải pháp để các cấp, ngành thực hiện. Theo đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về chấp hành pháp luật ATGT là chủ yếu nhưng xử lý các vi phạm là quan trọng. Đồng thời, đầu tư hoàn thiện nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.

Ông Nguyễn Văn Dần cho rằng: “Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chung tay và quyết liệt thì mới kéo giảm TNGT. Ủy ban ATGT Quốc gia xác định năm 2020 có chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, chỉ ra có 60% số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia. Tại Khánh Hòa, tuy chưa thống kê về vấn đề này nhưng trong năm 2020, ban sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch để làm mạnh việc này”.

Trong năm 2020, Sở Giao thông vận tải sẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng giao thông trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho công tác đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Đối với địa bàn trọng điểm là Nha Trang, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh đầu tư một số dự án, trục đông tây như: đường Võ Nguyên Giáp, đường Phong Châu, Tỉnh lộ 3; trục bắc nam: đường Vành đai 2 kết nối nút giao thông Ngọc Hội, đường số 4, đường D30 kết nối đường 23-10 với đường Võ Nguyên Giáp…; bố trí quỹ đất xây dựng các bãi đỗ xe, bãi đỗ xe tạm.

THÀNH NAM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202001/tai-nan-giao-thong-tang-cao-vi-sao-8144217/