Tai nạn khi đi bộ - đừng chủ quan

Việc đi bộ tham gia giao thông tưởng chừng đơn giản, nhưng trước diễn biến phức tạp của trật tự an toàn giao thông (TTATGT), thì việc đi bộ hiện cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tai nạn khi đi bộ - đừng chủ qua

Đi bộ đúng quy định là bảo vệ cho bản thân mình và cho người khác.

Đi bộ đúng quy định là bảo vệ cho bản thân mình và cho người khác.

Người đi bộ gây tai nạn

Người dân thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình) vẫn chưa thể quên vụ tai nạn giao thông (TNGT) vừa xảy ra trên địa bàn làm 1 người tử vong. Lúc 18 giờ ngày 15/2, tại khu phố Bắc Sơn, xe mô tô do Lê Quang Tùng (SN 2001, ngụ Lương Sơn) điều khiển hướng Sông Bình đi Lương Sơn đã va chạm với ông YVT (SN 1941, ngụ Lương Sơn) đang đi bộ qua đường từ trái qua phải. Hậu quả làm ông T tử vong. Trước đó 2 ngày, vụ tai nạn khác cũng xảy ra tại thị trấn Chợ Lầu, khi xe mô tô do Nguyễn Trung Tín (SN 2001, ngụ Hồng Thái) điều khiển đã va chạm vào ông NNL (SN 1977, ngụ Chợ Lầu) đang đi phía trước cùng chiều qua đường, làm ông L tử vong. Hay vụ tai nạn xảy ra tại xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc, khi Nguyễn Văn Kiều (SN 1976, ngụ Hải Dương) điều khiển xe đầu kéo đã va chạm với người đi bộ là NVQ (SN 1990, ngụ Hàm Thắng) đang băng qua đường. Hậu quả cũng làm Q tử vong. Cả 3 vụ tai nạn nguyên nhân ban đầu được xác định là do người đi bộ thiếu chú ý quan sát.

Ngoài ra đi bộ không đảm bảo an toàn cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn cho mình và cho người khác trong thời gian gần đây. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A qua thị trấn Tân Nghĩa (Hàm Tân), khi xe mô tô do NNT (SN 1991, ngụ Bình Định) lưu thông hướng TP. Hồ Chí Minh về Bình Định đã tông Huỳnh Văn Nghĩa (SN 1989, ngụ Tân Minh) đang đi bộ qua đường. Sau đó xe mô tô mất lái tiếp tục va chạm với xe tải chạy ngược chiều. Hậu quả làm T tử vong. Đó là 4 vụ tai nạn mà nguyên nhân ban đầu đều do người đi bộ gây ra, nổi lên trong tháng 2/2021. Sự gia tăng TNGT do người đi bộ là thực trạng cần cảnh báo để mọi người chú ý cảnh giác.

Đi bộ không còn an toàn

Có thể nói đi bộ là hình thức tham gia giao thông đầu tiên của loài người khi có từ thời sơ khai. Ngày nay nhiều người vẫn tưởng đi bộ là đơn giản, là đảm bảo an toàn, nhưng trước việc phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, cũng như gia tăng phương tiện như hiện nay, thì đi bộ cũng trở thành mối nguy hiểm đối với bản thân và cho người khác, nếu như chúng ta không tuân thủ nguyên tắc, đi đúng quy định.

Qua phân tích các vụ TNGT liên quan đến người đi bộ thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, thì nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không nhường đường cho người đi bộ, bên cạnh đó nổi lên là người đi bộ chưa chấp hành đúng nguyên tắc khi tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát để đảm bảo an toàn trước khi đi qua đường. Thời điểm xảy ra tai nạn thường vào ban đêm hoặc lúc chập choạng tối. Hậu quả và di chứng mà TNGT xảy ra với người đi bộ là hết sức nặng nề, bởi phương tiện tác động trực tiếp đến thân thể nạn nhân.

Coi chừng phạm luật

Luật pháp cũng quy định rõ ràng đối với người đi bộ khi tham gia giao thông. Theo đó, tại Điều 32, Luậtgiao thông đường bộ quy định, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dẫn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Cùng với đó, tại khoản 4, Điều 11, Luậtgiao thông đường bộ thì tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ qua đường. Riêng ở những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, thì người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, nếu thấy người đi bộ đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ qua đường bảo đảm an toàn.

Từ những quy định cụ thể trên, mong rằng người điều khiển phương tiện cũng như người đi bộ cùng nâng cao ý thức và chú ý cảnh giác khi tham gia giao thông để bảo vệ an toàn cho bản thân, mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Phúc Sinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/tai-nan-khi-di-bo-dung-chu-quan-136111.html