Tai nạn lao động - Nỗi đau còn đó

Chỉ vì một phút lơ là, chủ quan của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) mà nhiều người ra đi mãi mãi hoặc mang thương tật đến suốt cuộc đời. Tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ để lại nỗi đau cho người ở lại mà còn là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Chị Nguyễn Phan Hiền Phương Thảo kể về câu chuyện buồn cách đây hơn 1 năm

Chị Nguyễn Phan Hiền Phương Thảo kể về câu chuyện buồn cách đây hơn 1 năm

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi theo đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm, tặng quà cho các gia đình có người thân bị TNLĐ. Điểm đến đầu tiên là gia đình chị Nguyễn Phan Hiền Phương Thảo (ấp 4, xã Bình Quới, huyện Châu Thành). Nhắc về vụ tai nạn cách đây hơn 1 năm, chị Thảo vẫn còn nguyên cảm giác, chị kể: “Lần đó bị TNLĐ, tôi không nghĩ mình còn sống đến ngày hôm nay. Vào một ngày của tháng 3 năm trước, khoảng 19 giờ, tôi tan ca, trên đường về thì bị một chiếc xe ba gác tông trực diện. Tôi được người dân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Long An cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán gãy xương tay, chân, chấn thương sọ não phải phẫu thuật gấp. Nhờ sự tận tâm của bác sĩ, tôi được cứu sống nhưng thương tật đến 69%, phải kiên trì tập vật lý trị liệu mới có thể tự chăm sóc bản thân”.

Trong quá trình làm việc, chị Thảo được công ty tạo điều kiện tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội. Do đó, khi bị TNLĐ, chị được bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí điều trị. Phần còn lại, gia đình phải vay mượn thêm gần 40 triệu đồng.

"Từ khi tôi bị TNLĐ, tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào tiền lương công nhân ít ỏi của chồng. Bản thân tôi thì được nhận trợ cấp TNLĐ trên 1 triệu đồng/tháng. Số tiền này giúp gia đình phần nào vơi bớt gánh nặng” - chị Thảo chia sẻ.

Đoàn công tác Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyên (mẹ anh Trần Văn Kiệt, mất do tai nạn lao động)

Đoàn công tác Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyên (mẹ anh Trần Văn Kiệt, mất do tai nạn lao động)

Về ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, đoàn đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyên. Khi đoàn công tác ghé thăm và thắp hương cho con trai Trần Văn Kiệt, bà Xuyên nghẹn ngào: “Kiệt là con trai lớn trong nhà, ngoan ngoãn, hiếu thảo, làm bao nhiêu tiền đều đưa cho mẹ lo cho 2 đứa em. Buổi sáng trước khi đi làm, con trai còn hôn mẹ và nói lãnh lương tháng này sẽ mua cho mẹ vài bộ đồ mới, vậy mà... chiều lại nghe cháu mất vì TNLĐ”.

Chia sẻ với gia đình bà, hàng xóm, người thân, chính quyền địa phương thường xuyên lui tới trò chuyện, động viên bà tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn lo cho gia đình. Bà Xuyên nghẹn ngào nói: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Kiệt phải nghỉ học sớm, đi làm phụ cha mẹ lo cho 2 em. Vậy mà con bị tai nạn, ra đi khi còn quá trẻ”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của các vụ TNLĐ chủ yếu do NLĐ, NSDLĐ chủ quan, lơ là, không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, không chấp hành đúng Luật An toàn vệ sinh lao động,... Do đó, để hạn chế các vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra, NLĐ và NSDLĐ cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy tắc, quy định trong quá trình làm việc, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ và hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.

Căn cứ Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động, để được hưởng chế độ TNLĐ, NLĐ bị tai nạn giao thông đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tai-nan-lao-dong-noi-dau-con-do-a156890.html