Tai nạn sinh hoạt rình rập trẻ dịp Tết
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều ca trẻ nhập viện do đuối nước, bỏng, ngộ độc, sặc dầu thắp hương, chấn thương do pháo nổ, hóc dị vật và tai nạn khác.
Chỉ trong khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 20 bệnh nhi bị bỏng, đuối nước, ngộ độc, tai nạn giao thông…
Một trong những trường hợp đáng chú ý là bé trai 12 tuổi (ở Hà Nội), bị bỏng nặng độ II và III ở nhiều vùng cơ thể, bao gồm đầu, cổ, vai, ngực và cẳng bàn tay phải. Trẻ bị bỏng khi tự tắm bằng vòi hoa sen tại nhà.
Tương tự, bé trai 8 tuổi (ở Nam Định) bị tai nạn giao thông khi đi bộ trên đường. Sau va chạm với xe máy, trẻ bị đau đầu, kích thích vật vã, sưng nề vùng hàm mặt và nhiều vết thương trên cơ thể. Bé được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi bác sỹ chẩn đoán trẻ bị chấn thương sọ não.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận 2 bệnh nhi (18 tháng tuổi ở Yên Bái và 16 tháng tuổi ở Thái Nguyên) bị ngộ độc do uống nhầm dầu thắp đèn. Các chai dầu không có nhãn và để trong tầm tay của trẻ, dẫn đến những tai nạn nguy hiểm.
Cũng do thiếu sự giám sát của người lớn, 3 bệnh nhi (2 bé ở Hà Nội và 1 bé ở Mộc Châu, Sơn La) bị ngã xuống ao, hồ và bị đuối nước. Các trẻ này đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Đáng tiếc là, sau khi bị đuối nước, các trẻ không được sơ cứu đúng cách mà lại bị bế dốc ngược.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vào những ngày cận Tết, khoa Cấp cứu và Chống độc luôn tiếp nhận rất nhiều ca tai nạn thương tích ở trẻ.
Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân, đặc biệt là khi về quê, môi trường sống mới với nhiều nguy cơ như ao hồ, cây cối… Trong khi đó, người lớn bận rộn với công việc, thiếu sự giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tai nạn đáng tiếc.
Ngoài các tai nạn sinh hoạt, thời gian gần đây, các bệnh viện cũng liên tục tiếp nhận nhiều ca tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế.
Ngày 26/1/2025, tại Đồng Nai, một nam sinh cấp 2 bị chấn thương mắt nặng và dập nát hai bàn tay do pháo nổ.
Còn theo thông tin tư Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, trong ba tháng cuối năm 2024, đã tiếp nhận 21 ca tai nạn do pháo nổ, trong đó hơn 50% số nạn nhân là trẻ em. Ngay trước Tết, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận các ca chấn thương nghiêm trọng từ pháo nổ tự chế.
Điển hình là trường hợp nam thiếu niên 16 tuổi (ở Hà Nam) bị chấn thương nặng do pháo tự chế, mất các ngón tay và nhiều chấn thương khác. Các bác sỹ cảnh báo, tổn thương do pháo nổ thường phức tạp và để lại di chứng nặng nề, nhất là khi ở nhiều vị trí như bàn tay, mặt và toàn thân.
Tai nạn hóc dị vật là một trong những tai nạn phổ biến ở trẻ nhỏ vào dịp Tết. Vào những ngày này, nhiều gia đình có bánh mứt, trái cây, các loại hạt bí, hạt dưa, đậu phộng... là những món ăn dễ gây hóc dị vật. Để phòng tránh, cha mẹ cần luôn giám sát trẻ, để các món ăn và vật dụng nguy hiểm xa tầm tay trẻ.
Ngoài ra, những ngày cận Tết, gia đình thường bận rộn dọn dẹp nhà cửa, hóa chất có thể bị để bừa bãi khiến trẻ dễ lấy và nghịch. Các loại hóa chất như dung dịch lau rửa, dầu hỏa, xăng... có thể gây ngộ độc khi trẻ uống nhầm. Do đó, cần đựng hóa chất trong các chai có nhãn rõ ràng và cất ở nơi xa tầm tay trẻ.
Pháo nổ tự chế luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Người dân cần tuyệt đối không sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế.
Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là nguyên nhân gây thương tích nặng nề cho trẻ em. Các bậc phụ huynh cần dạy trẻ về mối nguy hiểm từ pháo và tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với các vật dụng này.
Theo bác sỹ Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, vào dịp Tết, lượng bệnh nhi nhập viện tăng gấp 2-3 lần, chủ yếu do các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và tai nạn thương tích.
Các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen cần được chú ý vì triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhưng lại có thể diễn tiến rất nhanh và nguy hiểm.
Bác sỹ Lâm Bội Hy cho biết, trong dịp Tết, trẻ thường ăn uống không kiểm soát, ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt và thực phẩm khó tiêu hóa, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm.
Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, các bác sỹ khuyến cáo bậc phụ huynh cần giám sát trẻ trong mọi hoạt động: Trẻ hiếu động và tò mò, vì vậy cần có người lớn theo sát để tránh các tai nạn bất ngờ như té ngã, hóc dị vật, bỏng.
Bảo vệ an toàn trong nhà: Đảm bảo ổ cắm điện, thiết bị gia dụng và các vật dụng nguy hiểm khác được bảo vệ kín đáo. Không để trẻ tiếp xúc với hóa chất độc hại như thuốc, xăng dầu.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Cho trẻ ăn uống khoa học, hạn chế bánh kẹo và thực phẩm chế biến sẵn. Giữ môi trường sống sạch sẽ và an toàn: Đảm bảo khu vực bếp, nhà vệ sinh, và khu vui chơi không có nguy cơ gây tai nạn.
Trong trường hợp trẻ gặp tai nạn, các bậc phụ huynh cần sơ cứu kịp thời và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở hoặc không có phản ứng, hãy thực hiện hồi sức cấp cứu (ép tim, thổi ngạt) và gọi cấp cứu ngay.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tai-nan-sinh-hoat-rinh-rap-tre-dip-tet-d243182.html