Tai nạn thương tích ở trẻ em qua những con số đau lòng

Tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em ở Đắk Nông đang có xu hướng tăng lên về cả số lượng và dạng.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy.

Mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15 -19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5 -14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%.

Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày.

Tại Đắk Nông, mặc dù đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống TNTT, thế nhưng nhìn vào những số liệu thống kê trong 3 năm gần nhất, tình trạng TNTT trẻ em vẫn là nỗi đau, nỗi ám ảnh đối với gia đình và xã hội.

Theo số liệu từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ TNTT, làm 23 trẻ tử vong. Trong đó có 18 vụ tai nạn đuối nước làm 21 trẻ tử vong và 2 trẻ tử vong do tai nạn giao thông. Trẻ em tử vong do đuối nước chiếm 91,3% số trẻ em tử vong do TNTT.

Trong năm 2023, tổng số trẻ em bị TNTT là 140, trong đó 96 trẻ em bị thương và 44 trẻ tử vong. Toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn đuối nước làm 34 trẻ em tử vong; 5 vụ tai nạn giao thông làm 5 trẻ tử vong; 2 vụ với 2 trẻ em tử vong do chó dại cắn. Trẻ em tử vong do đuối nước chiếm 77,27%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ trẻ em bị TNTT làm 33 trẻ bị thương, 23 trẻ tử vong. Trong số này, có 19 vụ tai nạn đuối nước làm 22 trẻ tử vong; 1 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông.

So với cùng kỳ năm 2023, trong 6 tháng đầu năm nay, số trẻ em tử vong do TNTT tăng 3 trẻ (23/20 em), riêng tai nạn đuối nước số trẻ em tử vong tăng 4 trẻ (22/18 em). Đuối nước tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, chiếm 95,65% số trẻ em tử vong.

Theo Sở LĐTB-XH, số vụ TNTT trẻ em có xu hướng gia tăng vào thời gian hè hoặc dịp lễ, tết, khi trẻ có thời gian nghỉ kéo dài, đi du lịch, về quê hoặc không được gia đình kiểm soát chặt chẽ. Các tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, bạo lực hoặc do tiếp xúc với các vật nổ như pháo và bao gồm cả trường hợp thương tích do hành động tự tử gây ra.

Các trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh để giảm thiểu tai nạn đuối nước

Các trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh để giảm thiểu tai nạn đuối nước

TNTT ở trẻ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với sức khỏe, tính mạng, tâm lý của trẻ và là nỗi đau, nỗi ám ảnh đối với gia đình và xã hội. Có những vụ TNTT cùng một lúc đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ, trở thành “vết thương” lớn trong toàn xã hội.

Để phòng, chống và giảm thiểu TNTT, các cấp, các ngành đã vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng chống TNTT và phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống TNTT, đuối nước ở trẻ em, học sinh; tuyên truyền vận động người dân, gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em. Đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và giông lốc; chủ động đưa trẻ đến các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, tiếp tục kiện toàn, chuẩn hóa nhân lực làm công tác trẻ em, nhất là nhân lực bảo vệ trẻ em cấp cơ sở; phát huy vai trò, cách làm sáng tạo của các tổ chức, đoàn thể trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Công an tỉnh Đắk Nông tuyên truyền phòng chống TNTT ở trẻ cho học sinh huyện Krông Nô (Ảnh: Công an tỉnh Đắk Nông)

Công an tỉnh Đắk Nông tuyên truyền phòng chống TNTT ở trẻ cho học sinh huyện Krông Nô (Ảnh: Công an tỉnh Đắk Nông)

Trước tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, trẻ em bị tử vong do TNTT, đuối nước có xu hướng gia tăng, đáng lo ngại, mới đây, ngày 13/5, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình thực hiện Chỉ thị số 28, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tỉnh ủy Đắk Nông đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ; bảo đảm 100% trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, trợ giúp kịp thời. Đặc biệt, chính quyền các cấp, sở, ngành và toàn xã hội chung tay hành động để kéo giảm tỷ lệ trẻ tử vong do TNTT sẽ xuống còn 15/100.000 trẻ vào năm 2030.

Tai nạn, thương tích xảy ra ở trẻ em có thể trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời trẻ cũng như để lại nỗi xót xa, day dứt đeo đẳng. Bên cạnh sự tham gia, đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong xã hội thì phòng, chống TNTT ở trẻ phải xuất phát từ chính mỗi phụ huynh, gia đình. Trang bị kỹ năng, tạo môi trường an toàn, lành mạnh là việc làm hàng ngày của mỗi gia đình chính là giải pháp nhằm giảm thiểu những tai nạn không đáng có cho trẻ em.

Đặng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tai-nan-thuong-tich-o-tre-em-qua-nhung-con-so-dau-long-218229.html