Tài nguyên giáo dục mở: Cần sự tham gia của nhiều trường đại học
Tuy một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) có những chủ động nhất định trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, nhưng nói chung, sự tham gia còn khá khiêm tốn và ở phạm vi hẹp. Ông Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội – nhận định như vậy khi chia sẻ về vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
Ảnh minh họa/ INT
Đáp ứng nhu cầu tự học
- Ông nhận định thế nào về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) trong giáo dục nói chung, giáo dục ĐH nói riêng trong giai đoạn hiện nay?
- Trong nền kinh tế tri thức nếu không học tập, rèn luyện kỹ năng làm việc thường xuyên, chúng ta sẽ tự dừng lại và khả năng thất nghiệp sẽ luôn hiện hữu. Chưa bao giờ nhu cầu rút ngắn thời gian trên ghế nhà trường để tham gia làm việc lại mạnh mẽ như hiện nay. Việc học tập của người dân cũng vô cùng thuận tiện. Đặc biệt trong đào tạo ĐH khi áp dụng học chế tín chỉ (giảng viên trở thành người định hướng), nhu cầu tự học của sinh viên càng được nâng cao. Để đáp ứng nhu cầu này chắc chắn phải có môi trường học tập, đó chính là TNGDM.
Như vậy rõ ràng TNGDM có vai trò vô cùng quan trọng cho quá trình tự học tập của người dân vì nó được tự do tiếp cận và sử dụng. TNGDM cũng cần định hướng và có chuẩn mực để có thể đánh giá người học sau quá trình học tập. Phần lớn TNGDM sẽ do các cơ sở giáo dục ĐH tạo nên bởi ở đó hội tụ đủ các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế của nước nhà.
Hơn nữa, TNGDM là một yếu tố thúc đẩy cộng đồng học tập nhằm thực hiện và phát triển xã hội học tập một cách mạnh mẽ.
- Làm thế nào để các trường tham gia chủ động và tích cực vào hoạt động này?
- Một số cơ sở giáo dục ĐH có những chủ động nhất định trong việc xây dựng TNGDM nhưng còn khá khiêm tốn và ở một phạm vi hẹp. Chẳng hạn, Trường ĐH Mở Hà Nội đã tích cực tham gia cùng với nhóm OU5 (nhóm 5 trường đại học mở của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia), UNITWIN (nhóm các trường ĐH mở các nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Mông Cổ, Malaysia) để phát triển các khóa học mở trực tuyến đại trà và một số khóa học phục vụ cho người dân phát triển kỹ năng CNTT cơ bản, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc... Chúng tôi thực hiện việc này như là một trách nhiệm xã hội hoàn toàn bằng nguồn lực của nhà trường.
Tuy nhiên, để các trường tích cực và chủ động tham gia cần có chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp của Bộ GD&ĐT thông qua các chương trình, dự án và kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, cần xem việc này như là nhiệm vụ phục vụ cộng đồng của một cơ sở giáo dục ĐH bên cạnh hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu. Từ đó, Bộ cần đưa việc này vào các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, thi đua, khen thưởng và các trường cũng sử dụng để đánh giá kết quả lao động của giảng viên bên cạnh giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Chúng ta đang phát triển hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc.vn), trên đó có các thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, nếu được phát triển thêm một bước là biến những thông tin dữ liệu này thành các tài liệu học tập, các khóa học cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho người dân thì có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều. Để thực hiện điều này, một số nước trên thế giới hiện đang phát triển hệ thống MOOC (khóa học trực tuyến mở) - cần sự chung tay của rất nhiều nguồn lực dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ mới kỳ vọng có hiệu quả.
Cần bộ tiêu chuẩn đánh giá
- TNGDM đến từ các nguồn phong phú, trong đó có chia sẻ của các cá nhân. Vậy làm thế nào để bảo đảm nguồn học liệu tin cậy, chất lượng để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường cũng như cộng đồng?
- Xét ở phạm vi của TNGDM, chắc chắn cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí và thước đo nhằm khẳng định về chất lượng chuyên môn, sư phạm, khả năng truy cập dễ dàng, tính tương tác cao và hấp dẫn... Bất kỳ một tài liệu nào muốn đưa vào kho TNGDM đều phải qua các thẩm định theo bộ tiêu chuẩn trên. Nhưng quan trọng là bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đều có thể sản xuất nội dung nhưng nên giao cho các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm thẩm định và phải gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH với sự thẩm định này.
- Trường ĐH Mở Hà Nội là một trong 2 đơn vị được Bộ GD&ĐT giao xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá các TNGDM của Việt Nam. Kế hoạch triển khai của nhà trường như thế nào?
- Trường ĐH Mở Hà Nội có hơn 25 năm nghiên cứu và phát triển hệ thống đào tạo mở, trong đó nguồn tài nguyên học liệu theo hướng mở phát triển khá mạnh trong nhà trường và cung cấp cho mọi người tham gia học tập.
Để thực hiện điều này, chúng tôi đã có những chủ động trong việc phát triển đội ngũ chuyên gia xây dựng và phát triển học liệu, hoàn thiện các quy trình sản xuất học liệu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Và tất nhiên, đi kèm với đó là tiêu chuẩn nội bộ cả về kỹ thuật, chuyên môn và tính sư phạm để đánh giá chất lượng của một tài nguyên học liệu được xây dựng.
Dù đã có những chủ động nhất định nhưng để áp dụng ở phạm vi rộng hơn, chắc chắn cần đến nhiều bên tham gia cùng hoàn thiện mới bảo đảm tính khả thi, hiệu lực. Điều này cũng cần đến sự kết nối và điều hành từ phía Bộ mới có thể thực hiện dễ dàng.
Hơn nữa, nhà trường đang thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo từ xa và bộ tiêu chuẩn đánh giá hệ thống trung tâm ngoại ngữ, tin học. Nhận thêm nhiệm vụ này cũng là trọng trách nặng nề nhưng với trách nhiệm và quyết tâm của mình, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện theo những chỉ đạo, điều hành cụ thể của Bộ mà trực tiếp là Vụ Giáo dục thường xuyên và Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT.
- Xin cảm ơn ông!