'Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước'

Theo PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hiện tại hoàn toàn thiếu các quy định nhằm nhìn nhận tài nguyên nước là một loại tài sản công.

Ngày 21/10, phát biểu tham luận tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã nêu một số bất cập trong việc quản lý tài nguyên nước hiện nay và những vấn đề đặt ra cho việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

Theo đó, vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiện nay còn chồng chéo, trùng lặp, có khi bỏ trống; lực lượng thực thi còn yếu, phân tán.

Đặc biệt còn thiếu cơ chế, chính sách và còn nhiều bất cập để thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; thiếu nội dung quy định về tham gia quản lý các lưu vực sông quốc tế, nguồn nước liên quốc gia.

Do đó, ông Huỳnh đề xuất sửa đổi, bổ sung điều 5 Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để bổ sung và cụ thể hóa để thực hiện một số chính sách lớn liên quan đến tài nguyên nước.

PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT. (Ảnh: Hữu Thắng)

PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT. (Ảnh: Hữu Thắng)

Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh nhấn mạnh cần nhìn nhận tài nguyên nước là một loại tài sản công. Theo đó, theo Hiến pháp 2013 quy định tại điều 53, tài nguyên nước là tài nguyên quan trọng thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý, cần phải được sử dụng, quản lý một cách bền vững, chia sẻ công bằng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp Việt Nam và cam kết quốc tế.

Tuy nhiên tại dự thảo Luật hiện tại hoàn toàn thiếu các quy định về nội dung này. Việc xác định nội dung để bổ sung các quy định là cần thiết.

Do đó chuyên gia này đề xuất bổ sung mới vào Chương 1 “Quy định chung” các quy định về sở hữu, chuyển nhượng… tài sản là sản phẩm từ nước, từ tài nguyên nước; quyền tiếp cận nguồn nước như quyền cơ bản của quyền con người.

“Phải xác định tài nguyên nước đặc biệt quan trọng, thiết yếu, phải là cốt lõi trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, phát triển các ngành, lĩnh vực có khai thác và sử dụng nước; việc khai thác, sử dụng nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, hài hòa các lợi ích và giá trị của nước, đáp ứng nhu cầu trước mắt, lâu dài”, ông Huỳnh đánh giá.

Từ việc nhìn nhận tài nguyên nước là một loại tài sản, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho rằng cần quan tâm đúng mức đến kinh tế, tài chính nước.

Theo đó, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) còn thiếu, chưa đầy đủ các quy định cụ thể về vấn đề này.

Do đó, cần bổ sung các quy định để hoàn thiện các quy định về việc xem nước là hàng hóa thiết yếu cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, được chia sẻ công bằng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế.

Việt Nam có nguy cơ cao mất an ninh nguồn nước

Về vấn đề an ninh nguồn nước quốc gia, PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh đánh giá nước ta có nguy cơ cao mất an ninh nguồn nước do hơn 63% tài nguyên nước Việt Nam hình thành từ nước ngoài chảy vào. Trong khi đó, tài nguyên nước biến động rất mạnh theo không gian, thời gian trong năm và từ năm này sang năm khác, dưới tác động của biến đổi khí hậu thì ngày càng diễn biến bất thường và với nhiều cực đoan (cả quá thừa và quá thiếu);

Đặc biệt, tài nguyên nước đang bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt do việc quản lý, bảo vệ, phát triển, phục hồi các nguồn nước còn yếu kém; việc khai thác, sử dụng chưa hợp lý, còn thất thoát, lãng phí, chưa hiệu quả, tiết kiệm, chưa đa mục tiêu…

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm;

Bổ sung mới quy định về phân vùng chức năng nguồn nước, nội dung giám sát, trách nhiệm giám sát và kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng tự động liên tục hoặc định kỳ nhằm kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước để bảo vệ số lượng, chất lượng của nguồn nước và bảo vệ các dòng sông, giảm nguy cơ mất an ninh nguồn nước; quy định rõ về bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt; về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & môi trường, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước nghiêm trọng, mất an ninh nguồn nước.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Tuy nhiên, PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh đề xuất cần có quy định cụ thể các nội hàm của “an ninh nguồn nước”, bao gồm nguyên tắc, phương thức xác định, thực hiện ứng phó, chỉ số an ninh nước...

Thêm nữa là vấn đề quản lý nhà nước trong phòng ngừa mất an ninh, khi xảy ra trường hợp mất an ninh nguồn nước; các biện pháp phải thực hiện trong trường hợp mất an ninh nguồn nước.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh, quy định về duy trì “dòng chảy tối thiểu” sau công trình hồ đập là bất cập, đã lỗi thời, nó đang hủy hoại các dòng sông, làm suy kiệt các hệ sinh thái thủy sinh và hệ sinh thái ven sông. Hơn nữa, quy định về “dòng chảy tối thiểu” gây bất lợi cho việc đấu tranh để duy trì dòng chảy hợp lý trên các nguồn nước liên quốc gia.

Do đó, cần bãi bỏ khái niệm “dòng chảy tối thiểu” trong Luật tài nguyên nước; bổ sung bằng khái niệm “dòng chảy môi trường” và xác định nội dung của khái niệm "dòng chảy môi trường" tại Luật Tài nguyên nước.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-nguyen-nuoc-phai-la-cot-loi-trong-hoach-dinh-chien-luoc-phat-trien-a575897.html