Tái nhiễm chủng Omicron gia tăng nguy cơ mắc Covid kéo dài
Trong bối cảnh biến thể BA.5 của chủng Omicron đang lây lan rộng và việc tái nhiễm đang trở nên phổ biến hơn, mọi người không nên đánh giá thấp việc mắc Covid-19 kéo dài, theo CNA.
Biến thể BA.5 đang lan rộng và chiếm đa số các ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới, bao gồm cả ở New Zealand và Australia. Trong bối cảnh này, tình trạng tái nhiễm Covid-19 ngày càng trở nên phổ biến và ngày càng có thêm nhiều người mắc Covid-19 kéo dài.
Hai khía cạnh đáng quan tâm nhất của việc mắc bệnh kéo dài là tỷ lệ lâu khỏi cao (lên đến 30% trong số những người bị nhiễm bệnh) và mối liên hệ giữa việc tái nhiễm và nguy cơ cao dẫn đến các triệu chứng và bệnh tình nguy hiểm.
Bất chấp những nguy cơ này, thế giới đang ngày càng tỏ ra thoải mái đối với đại dịch, nhiều người thậm chí không còn thực hiện những biện pháp phòng ngừa cá nhân cơ bản như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và lựa chọn cẩn thận xem có nên tham dự các sự kiện đông người hay không. Hậu quả của điều này là sự gia tăng cả số ca hàng ngày và gánh nặng tiềm ẩn của mắc Covid-19 kéo dài.
Biến thể đầu tiên của Omicron, BA.1, xuất hiện vào cuối năm 2021, đã có sự khác biệt đáng kể về mặt lâm sàng và di truyền so với các biến thể trước đó. BA.1 đã thay thế biến thể Delta và cho tới đầu năm 2022, được thay thế bằng BA.2.
Mức độ biến đổi về di truyền của BA.2 so với BA.1 thậm chí còn lớn hơn nhiều so với phiên bản gốc của SARS-CoV-2 và biến thể Delta. Và hiện tại BA.5, một biến thể con của BA.2, hiện đang nhanh chóng vượt qua các biến thể khác.
Các biến thể của Omicron, và cụ thể là BA.5, đang cho thấy một số tính năng đáng lo ngại. BA.5 có thể tránh né được hàng rào miễn dịch mà con người đã có trước đó nhờ vào việc tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19. BA.5 có khả năng lây nhiễm tế bào mạnh mẽ và có phần tương tự với Delta hơn các biến thể Omicron trước đó.
Mắc Covid-19 kéo dài có hệ lụy gì?
Trên thực tế, SARS-CoV-2 không phải là loại virus duy nhất có thể gây nên các triệu chứng cấp tính và tổn thương cơ quan. Tình trạng tàn tật mãn tính không rõ nguyên nhân đã xảy ra ở một số ít bệnh nhân sau khi mắc Ebola, sốt xuất huyết, bại liệt, hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) hay nhiễm virus Tây sông Nile.
Điều khác biệt là quy mô vô cùng lớn của đại dịch này và số người bị ảnh hưởng bởi Covid kéo dài. Một trong những vấn đề quan trọng về Covid-19 kéo dài là chúng ta không nên đánh giá thấp nó. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy Covid-19 kéo dài tập hợp nhiều hội chứng và làm suy nhược cơ thể rõ rệt; ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống của cơ thể; nó có thể biến mất ở cơ quan này nhưng nó vẫn tồn tại ở các cơ quan khác; các bệnh lý của tình trạng này vẫn chưa được nghiên cứu rõ, tuy nhiên,rủi ro của nó phần nào được giảm bớt khi tiêm chủng.
Có lẽ quan trọng nhất, sự tái nhiễm hiện có thể trở thành một đặc điểm của đại dịch lần này trong ít nhất 12 đến 36 tháng tới, làm tăng nguy cơ mắc Covid kéo dài với mỗi lần tái nhiệm.
Một số nghiên cứu lớn ở Đan Mạch, Anh và Mỹ cho thấy 20% đến 30% những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã có ít nhất một triệu chứng cấp tính, thậm chí kéo dài đến 12 tháng sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng khác bao gồm mất khứu giác và vị giác, mệt mỏi, khó thở, chân tay bủn rủn, khó tập trung, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ và kiệt sức về tinh thần hoặc thể chất.
Ở Anh, phụ nữ và người lớn tuổi có tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng dai dẳng cao hơn các nhóm còn lại. Ở Mỹ, những người trẻ tuổi từng mắc Covid-19 thậm chí còn có nguy cơ cao hơn những người trên 65 tuổi thông thường về rối loạn nhịp tim và đau cơ xương. Tuy nhiên, những người lớn tuổi từng mắc bệnh lại có nguy cơ mắc một số bệnh nhất định cao hơn như suy thận, rối loạn đông máu, bệnh mạch máu não (đột quỵ), bệnh tiểu đường loại 2, rối loạn cơ và một loạt các bệnh lý thần kinh và tâm lý.
Một nghiên cứu của Mỹ trên năm triệu người cho thấy nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài sẽ gia tăng cùng với số lần tái nhiễm. Tuy nhiên, việc tiêm chủng liên tục sẽ làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài cũng như tình trạng bệnh nặng, nhập viện, thở máy hoặc tử vong.
Tăng mức độ bao phủ của vaccine và sử dụng khẩu trang thường xuyên
Nhật Bản đã áp dụng việc đeo khẩu trang như một biện pháp sức khỏe cộng đồng quan trọng. Tại nước này, việc sử dụng khẩu trang là bắt buộc đối với một số người, chẳng hạn như cảnh sát. Ở một số thị trấn, người dân không được phép đi phương tiện công cộng hoặc không được phép vào nhà hát mà không đeo khẩu trang.
Nhật Bản từng có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong tất cả các nước châu Á trong đại dịch cúm và đang hướng tới việc giữ mức tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khối OECD đối với đại dịch Covid-19.
Trong đại dịch cúm năm 1918-1919, Mỹ cũng đã nỗ lực đáng kể thực hiện các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng nhằm giảm tổng tỷ lệ tử vong. San Francisco, St Louis, Milwaukee và Kansas City đã có những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất, làm giảm tỷ lệ lây truyền từ 30% đến 50%.
Hiện tại, vaccine gần như là một biện pháp bảo vệ mạnh mẽ giúp con người thoát khỏi tình trạng nguy hiểm của các đại dịch cũ. Nếu tiếp tục tăng tỷ lệ tiêm chủng, áp dụng phổ biến việc sử dụng khẩu trang thường xuyên và giữ khoảng cách, con người sẽ được bảo vệ an toàn hơn và khỏe mạnh hơn – đồng thời giảm được gánh nặng của mắc Covid kéo dài.