Tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được thu hồi tăng gần 4.500 tỷ đồng

Năm 2023 đã thu hồi trên 20.000 tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022.

Chiều 30-1, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác tư pháp 2023 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 2024.

Về kết quả công tác, năm 2023, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Cũng trong năm qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 Nghị quyết.

Chất lượng công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được nâng cao. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng VBQPPL và 237 dự án, dự thảo VBQPPL.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại bổi họp báo

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại bổi họp báo

Bên cạnh đó, kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.

Bộ, các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án số 06, đặc biệt lần đầu tiên tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp thông qua việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với trên 63 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,5 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 cơ sở dữ liệu.

Việc đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả ấn tượng. Năm 2023, các Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản đã tiếp nhận và giải quyết hơn 1 triệu phiếu yêu cầu về đăng ký, cung cấp thông tin. Trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt trên 83%. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bồi thường nhà nước được tăng cường.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Bộ quan tâm. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành 53 cuộc thanh tra, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm tra sau thanh tra.

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp, trong quý I/2024, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nâng cao chất lượng tham mưu lập Đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế...

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tai-san-bi-chiem-doat-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-duoc-thu-hoi-tang-gan-4500-ty-dong-post566016.antd