Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đạt khoảng 4,7 tỷ USD, xếp thứ 636 người giàu nhất thế giới
Tính đến ngày 9/10/2023, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 4,7 tỷ USD, xếp thứ 636 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes.
Theo cập nhật mới nhất của Forbes, tính đến sáng ngày 9/10, khối tài sản ròng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu trị giá khoảng 4,7 triệu USD, xếp thứ 636 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Hầu hết tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được tính dựa trên số cổ phiếu Vingroup (VIC) mà ông đang nắm giữ.
Hiện, ông Vượng đang sở hữu trực tiếp 691,27 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 17,87% vốn điều lệ Vingroup sau khi hoàn tất chuyển nhượng gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC (tương ứng 1,31% vốn điều lệ Vingroup) thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM).
Kết phiên giao dịch ngày 9/10, cổ phiếu VIC đang có giá 45,2 nghìn đồng/cp (giảm 0,75 điểm). VIC từng đạt đỉnh 75,6 nghìn đồng/cp trong phiên 16/8, tuy nhiên đến nay, giá cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã điều chỉnh giảm gần 40%.
Ngoài cổ phiếu VIC thì ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu phần lớn cổ phần tại VinFast. Tuy vậy, giá trị tài sản của ông Vượng hiện tại theo thống kê của Forbes không bao gồm giá trị tài sản được định giá theo thị giá cổ phiếu Vinfast đang giao dịch trên thị trường.
Vào hồi tháng 4 năm nay, tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố tặng 1 tỷ USD từ nguồn tài sản cá nhân cho VinFast, nhằm bổ sung nguồn lực tài chính cho hãng xe này. Theo báo cáo tài chính mới được Vinfast công bố, đến nay ông Vượng đã giải ngân được 7.000 tỷ đồng.
Vào ngày 15/8, Vinfast chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn Nasdaq (Mỹ) thông qua một công ty SPAC, với mã giao dịch là VFS. Những ngày sau đó, cổ phiếu VFS có giai đoạn tăng phi mã, kéo giá trị vốn hóa của Vinfast có lúc lên đến 85 tỷ USD vượt qua cả Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng khác. Hiện tại, VFS đang có giá giao dịch là 8,03 USD/cp, giá trị vốn hóa ước tính khoảng 18,74 tỷ USD.
Trong quý III vừa rồi, Vinfast đã bàn giao 10.027 ô tô điện, tăng trưởng 5% so với quý trước, tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9 Vinfast đã bàn giao tổng 21.342 xe.
Bên cạnh ô tô điện, Vinfast cũng ghi nhận doanh số xe máy điện tăng mạnh với 28.220 xe đã bàn giao, tăng 177% so với quý II/2023 và tăng 113% so với quý III/2022.
Kết thúc quý III/2023 doanh thu của Vinfast đạt 342,7 triệu USD (8.254 tỷ đồng), tăng 4% so với quý trước và tăng 159% so với quý III/2022. Tổng doanh thu của Vinfast chủ yếu đến từ việc bán xe điện với 7.698 tỷ đồng.
Trong quý III, Vinfast ghi nhận lỗ gộp 102,4 triệu USD (2.468 tỷ đồng) và biên lợi nhuận gộp ở mức -30%, cải thiện so với quý II/2023.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám Đốc toàn cầu của Vinfast cho biết, đây là quý đầu tiên VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq và tuân thủ các chuẩn mực báo cáo, công bố thông tin công khai cho công ty đại chúng tại Mỹ. “Chúng tôi có rất nhiều kế hoạch và hoài bão lớn để xây dựng một tương lai xanh cho nhân loại,” bà Thủy nói.
Theo CEO Vinfast, các thành công đạt được trong 2 quý vừa rồi chỉ là bước đầu. Ban lãnh đạo đã đưa ra kế hoạch hành động khả thi cho từng bước tiến để Vinfast có thể bứt tốc nhanh nhất và đạt được cấp độ của một công ty toàn cầu.
Trong thời gian qua, Vinfast tiếp tục mở rộng dải sản phẩm khi chính thức ra mắt mẫu SUV điện hạng B (VF 6) tại thị trường Việt Nam vào ngày 29/9/2023. Đây là mẫu xe chiến lược tiếp theo trong dải sản phẩm ô tô điện của Vinfast có giá bán hợp lý, hướng tới đối tượng gia đình trẻ.
Cùng với việc ra mắt mẫu xe mới, Vinfast dự kiến chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng hệ thống kênh phân phối thông qua hợp tác với các đại lý và nhà phân phối trên toàn cầu. Mô hình mới sẽ mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, thúc đẩy tốc độ hiện diện tại các thị trường mục tiêu trong khi tối ưu chi phí đầu tư. Để hỗ trợ các đại lý phát triển nhanh các cửa hàng trong giai đoạn đầu, Vinfast có thể sẽ chuyển nhượng một số các cửa hàng của mình cho các đại lý. Vinfast cũng đảm bảo tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chính sách hậu mãi tốt nhất thị trường của mình.