Tài sản số đã có danh, nhưng chưa có phận?

Tài sản số hiện vẫn đang chờ một nghị quyết thí điểm thị trường, giữa những luồng ý kiến trái chiều về quy định quản lý loại tài sản này tại Việt Nam.

Cần khung thí điểm tài sản số

Tại công điện số 104 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7.

Yêu cầu của Thủ tướng đến từ bối cảnh Việt Nam đã chính thức công nhận tài sản số, tiền số, tiền mã hóa thuộc phạm vi Luật Công nghiệp Công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6.

Luật quy định tài sản số là tài sản chịu sự quản lý tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử. Tài sản số nói chung có thể được dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư.

Luật ra đời hướng tới việc quản lý tạo lập, phát hành, lưu trữ, lưu ký, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu tài sản số, đi cùng với đó là công nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với hoạt động có liên quan đến tài sản số.

Trong đó, Quyết định số 1131/QĐ-TTg cũng phê duyệt nhóm công nghệ blockchain gồm: tài sản số, tiền số, tiền mã hóa, hạ tầng mạng blockchain là trụ cột cho tương lai phát triển khoa học công nghệ.

Tuy nhiên có một thực tế là pháp lý về quản lý tài sản này khi các bên tham gia giao dịch, chuyển quyền sở hữu, cũng như nghĩa vụ thuế khi có hoạt động liên quan tới tài sản số... hiện chưa có văn bản hướng dẫn.

Do đó, sự ra đời của Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa là hết sức cấp bách, và hiện vẫn đang được Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng.

Số liệu từ công ty phân tích Chainalysis cho thấy, dòng vốn từ thị trường tài sản số vào Việt Nam giai đoạn 2023-2024 đạt trên 105 tỷ USD với lợi nhuận tạo ra gần 1,2 tỷ USD.

Còn theo số liệu từ cổng thanh toán Triple-A, Việt Nam có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản số, xếp thứ 7 trên toàn cầu. Bình quân tỷ lệ sở hữu tài sản tại Việt Nam đạt khoảng 17%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6,5% của toàn thế giới.

Chủ tịch SSI từng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số. Ảnh: VH

Chủ tịch SSI từng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số. Ảnh: VH

Ý kiến trái chiều về quản lý tài sản số

Ngay khi Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa còn được thai nghén, đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều đến từ nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ.

Nhóm sáu công ty công nghệ Việt Nam gồm Athena Studio, Appota, Ninety Eight, Web3 Việt Nam, Oraichain Labs, Sky Mavis và Endeavor kiến nghị, sửa nội dung "chỉ cho phép thực hiện các giao dịch tài sản mã hóa trên cơ sở tập trung thông qua các đơn vị được cấp phép".

Theo nhóm các công ty này, việc quản lý trên cơ sở tập trung có nguy cơ kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo và đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó phát triển.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, cần đề cao tính thận trọng khi phát triển thị trường tài sản số.

Nhìn ra thế giới, hiện đang có hai phương thức là giao dịch tập trung và phi tập trung. Phương thức giao dịch tập trung (CEX) được vận hành và quản lý bởi một tổ chức trung gian. Người dùng gửi tài sản của mình vào ví do sàn kiểm soát và thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống khớp lệnh nội bộ.

Còn phương thức giao dịch phi tập trung (DEX) cho phép người dùng giao dịch trực tiếp với nhau qua hợp đồng thông minh mà không cần trung gian. Tài sản được lưu trữ trong ví cá nhân và người dùng hoàn toàn kiểm soát khóa riêng của mình.

Thực tế cho thấy, mỗi mô hình đều có ưu nhược điểm riêng khi triển khai tại các quốc gia. Trước đó, Đài Loan từng thất bại với mô hình sàn giao dịch tập trung khi cho phép một số sàn giao dịch hoạt động theo mô hình tập trung với kỳ vọng dễ kiểm soát hơn.

Thất bại của Đài Loan đến từ việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, hệ thống giám sát chuyên sâu, nên đã tạo ra các rủi ro, giảm khả năng bảo vệ nhà đầu tư và hệ quả là niềm tin thị trường suy giảm.

Trái lại, nhiều quốc gia đã thành công với mô hình phi tập trung. "Nhưng điều đó không hẳn là đúng khi áp dụng vào các quốc gia trong đó có Việt Nam", ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI nêu ý kiến.

Ông Hưng giải thích, ở Việt Nam, mô hình tập trung vẫn có thể thành công bởi vì lượng khách hàng thật rất lớn, tính tuân thủ pháp luật của người dân cao. Bởi lượng khách hàng lớn nên buộc phải tìm một cách để giao dịch.

Hiện SSI và TCBS đang là hai trong số nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây khung pháp lý thị trường tài sản số, cũng như mong muốn lập sàn giao dịch tài sản số tại Việt Nam.

TCBS từng tích hợp bảng giá tiền số vào nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến. Ảnh: TH

TCBS từng tích hợp bảng giá tiền số vào nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến. Ảnh: TH

Lo ngại tình trạng đầu cơ, biến tướng

Một nội dung khác cũng được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm, đó là tính minh bạch của việc quản lý, vận hành thị trường tài sản số.

Theo bà Đoàn Mai Hạnh, Giám đốc cao cấp kinh doanh và tự doanh thị trường tài chính của TCBS, việc thí điểm cần tạo ra khuôn khổ đồng bộ, nơi các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và sàn giao dịch đều có cơ chế minh bạch để truy xuất dữ liệu.

Bà cảnh báo rằng nếu thiếu kiểm soát, hoạt động thí điểm dễ biến thành mảnh đất cho hoạt động đầu cơ và thao túng. "Không thể để nhà đầu tư nhỏ lẻ bước vào thử nghiệm như một trò chơi may rủi. Sandbox cần thiết kế cơ chế sàng lọc người tham gia, ưu tiên nhà đầu tư chuyên nghiệp như cách đang áp dụng với chứng khoán phái sinh", bà nói.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá, thị trường tài sản số tại Việt Nam đang hình thành, nhưng thiếu chuẩn hóa. Việc phát hành, giao dịch, xác thực và lưu ký tài sản vẫn chưa có quy định đồng bộ, dẫn đến rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Ông đề xuất cần phải có các tiêu chuẩn bắt buộc cho mô hình thử nghiệm. "Không có cấu trúc rõ ràng, việc thí điểm sẽ trở thành cái cớ cho hoạt động ngoài vùng kiểm soát", ông Trung cảnh báo.

Ông cũng nhấn mạnh rằng thí điểm không chỉ là để cho doanh nghiệp thử nghiệm, mà còn là cơ hội để cơ quan quản lý thử nghiệm chính sách, đồng thời đo lường phản ứng thị trường một cách có kiểm soát.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tai-san-so-da-co-danh-nhung-chua-co-phan-d41077.html