Tài sản trí tuệ không được bảo hộ quyền sở hữu sẽ rất khó thực hiện chuyển giao

Tài sản trí tuệ không được bảo hộ quyền sở hữu sẽ rất khó thực hiện chuyển giao công nghệ trên diện rộng và thu được lợi nhuận từ việc li-xăng công nghệ.

Ngày 21/8, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo "Xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học".

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến xác lập, thực thi, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong trường đại học, đồng thời tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, người học trong việc đảm bảo tôn trọng quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

 Toàn cảnh hội thảo "Xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học".

Toàn cảnh hội thảo "Xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học".

Dự hội thảo, về phía khách mời, có Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm – nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Thạc sĩ Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Nguyên - Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Về phía lãnh đạo Trường Đại học Mở Hà Nội, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng nhà trường và 2 Phó Hiệu trưởng là: Tiến sĩ Dương Thăng Long, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương.

Cùng dự hội thảo còn có các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đại diện cho nhiều cơ sở giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định, trong thời gian qua, kết quả công bố, đặc biệt là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Trường Đại học Mở Hà Nội có sự chuyển biến rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ là vấn đề cần được bàn thảo vì có sự liên quan trực tiếp tới số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ. Tài sản trí tuệ không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì rất khó thực hiện chuyển giao công nghệ trên diện rộng và thu được lợi nhuận từ việc li-xăng công nghệ (là việc doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ từ tổ chức khác, như trường đại học, viện nghiên cứu, một công ty hoặc cá nhân khác -PV).

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung phát biểu khai mạc hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, các vấn đề liên quan đến đảm bảo và thực thi quyền sở hữu trí tuệ như việc khai thác, chia sẻ, sử dụng tài liệu giảng dạy, tài liệu học tập giữa các cơ sở giáo dục đại học; hoặc chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách nhà nước,… cũng là những vấn đề cần được làm sáng tỏ.

“Hội thảo có ý nghĩa đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Mở Hà Nội nói riêng; không chỉ giúp lan tỏa kiến thức, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và bản quyền; nâng cao ý thức tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan mà còn chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm cần thiết về cách thức tiến hành xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến, tác phẩm. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học để làm thế nào vừa đảm bảo khai thác hiệu quả của các đề tài sau khi được nghiệm thu, vừa đảm bảo các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Hội thảo cũng là diễn đàn cho các trường đại học có thêm góc nhìn để nghiên cứu ban hành giải pháp, cơ chế, chính sách tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ phù hợp, nhằm tăng cường số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận bảo hộ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà khoa học, nhà sáng chế và khai thác hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Thông tin tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Tâm - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, thời gian qua, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS. Tuy nhiên, số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ còn ở mức khá khiêm tốn.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Tâm phát biểu đề dẫn hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Tâm phát biểu đề dẫn hội thảo.

Việc xác lập quyền sở hữu của các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa thực hiện đăng ký bảo hộ. Bên cạnh đó, các nguyên nhân dẫn tới việc e dè thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, làm hạn chế về số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học có thể kể đến như: quy trình đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tương đối phức tạp, thời gian xét duyệt cấp văn bằng kéo dài; một bộ phận cán bộ, giảng viên chưa có đủ thông tin, chưa nắm rõ quy trình đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Tâm, trong các cơ sở giáo dục đại học, không chỉ có các kết quả được hình thành từ hoạt động nghiên cứu khoa học cần được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mà hoạt động đào tạo cũng hình thành, phát sinh đa dạng các loại tài sản trí tuệ, đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc xác lập quyền cũng như đảm bảo, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Ví dụ như, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu giảng dạy (như sách, giáo trình, bài giảng, học liệu điện tử, tài nguyên giáo dục mở) trong các cơ sở giáo dục đại học sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo quyền của các tác giả trong quá trình khai thác, sử dụng; hoặc trong quá trình chia sẻ, khai thác tài liệu giảng dạy giữa các cơ sở giáo dục đại học, việc lựa chọn sử dụng các nguồn tài liệu thuộc sở hữu từ các chủ thể khác để phục vụ các chương trình đào tạo như thế nào để đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ là những vấn đề cần được hiểu một cách thấu đáo. Đồng thời cần làm rõ vấn đề mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 liên quan đến quyền sở hữu, quyền tác giả đối với các công bố, tài liệu giảng dạy, nội dung, sản phẩm nghiên cứu khoa học do AI tạo ra sẽ được xác lập như thế nào?

Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc xác lập, bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu khoa học, giáo trình, học liệu, đề án, đề tài, luận văn, luận án, bài báo khoa học; hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tự chủ và các nguồn tài trợ khác...

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm - nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tập trung chia sẻ về việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, Tiến sĩ Lâm tập trung các nội dung về quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và nguyên tắc xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng theo Tiến sĩ Lâm, các nhà khoa học, giảng viên khi có công trình nghiên cứu thì cần quan tâm đầu tiên đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm nghiên cứu, tránh để xảy ra tranh chấp, rủi ro.

 Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm chia sẻ trong hội thảo

Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm chia sẻ trong hội thảo

“Lợi ích của việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng, xã hội. Cụ thể, sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ thành quả sáng tạo, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư, cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm chia sẻ.

Quy trình thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tiến hành các bước như: nhận đơn, thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung, cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ - công bố. Trong đó, Tiến sĩ Lâm cho rằng, khâu thẩm định nội dung cần dành khá nhiều thời gian.

Cùng chia sẻ trong hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Nguyên - giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc quản trị và khai thác tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa quan trọng.

Việc khai thác tài sản trí tuệ trong trường đại học đến từ thương mại hóa, chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, thế chấp, góp vốn. Tuy nhiên, kết quả khai thác tài sản trí tuệ vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và tiềm lực.

Một trong những nguyên nhân là do nhận thức của cán bộ, người học về quyền sở hữu trí tuệ chưa cao, chưa kể đến thiếu kỹ năng quản trị tài sản trí tuệ để khai thác hiệu quả, thương mại hóa chúng thành công.

Việc giảng dạy sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học còn chưa được chú trọng xứng đáng, ví dụ như việc giảng dạy chưa có hệ thống, nội dung và mức độ chưa được chuẩn hóa,... Không nhiều trường đại học đưa môn học sở hữu trí tuệ vào giảng dạy, hoặc có cũng mới chỉ dừng lại ở mức như một chuyên đề hay môn học tự chọn.

Ngoài ra, nhiều cơ sở cũng chưa có bộ phận chuyên trách quản trị và khai thác tài sản trí tuệ, số lượng đơn đăng ký còn ít, việc khai thác thông tin sở hữu trí tuệ còn yếu, không tạo được niềm tin cho các nhà khoa học cũng như không bảo đảm được quyền lợi cho chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ, tạo ra sự chán nản, hạn chế đổi mới sáng tạo, say mê trong nghiên cứu.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Nguyên chia sẻ trong hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Nguyên chia sẻ trong hội thảo.

Do đó, thầy Nguyên đề xuất một số giải pháp nhằm tạo hiệu quả cao trong quản trị và khai thác tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học, như: Sự quyết tâm của lãnh đạo và người có chuyên môn tâm huyết tại đơn vị; liên kết trong xây dựng văn bản quản lý tài sản trí tuệ; liên kết trong đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; liên kết trong tạo ra sản phẩm khoa học - công nghệ gắn với thế mạnh của địa phương.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, khó khăn trong quá trình chuyển giao công nghệ hiện nay là khác biệt về mục tiêu giữa nghiên cứu và thương mại; nhà khoa học và doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm thương mại hóa; thiếu vốn; khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả,...

 Thạc sĩ Nguyễn Văn Trúc phát biểu tại hội thảo.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trúc phát biểu tại hội thảo.

Để khắc phục những khó khăn, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Trúc, nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp (chính sách ưu đãi tài chính, thuế); nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ; xây dựng trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hoàn thiện khung pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực về kỹ năng kinh doanh, thương mại hóa. Đặc biệt, nhà trường cần tăng ngân sách đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến, thảo luận sôi nổi về những vấn đề đặt ra liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong trường đại học. Từ đó, gợi mở cho các trường cách làm, cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ hiện nay.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tai-san-tri-tue-khong-duoc-bao-ho-quyen-so-huu-se-rat-kho-thuc-hien-chuyen-giao-post245023.gd