Tái sản xuất phục hồi kinh tế English Edition
Bên cạnh được tỉnh Long An tạo điều kiện thuận lợi, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tổ chức các phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa tái sản xuất, kinh doanh (SXKD), vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
1. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tỉnh đang khôi phục các hoạt động KT-XH thích ứng an toàn, linh hoạt theo đúng tinh thần chỉ đạo từ Trung ương. DN vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa tái SXKD. Là DN FDI, Công ty (Cty) TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (gọi tắt là Cty Ching Luh, hoạt động trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức) với số lượng công nhân tại thời điểm bình thường (không có dịch) lên đến hơn 21.000 lao động nhưng phải tạm dừng hoạt động (từ ngày 13-7) để cùng địa phương chống dịch. Điều này, tác động, ảnh hưởng rất lớn đến Cty, gây thiệt hại về kinh tế, công nhân, lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sâu, tạo gánh nặng an sinh rất lớn cho Cty cũng như chính quyền địa phương.
Theo đại diện Cty Ching Luh - Phạm Ngọc Huynh, đơn vị tuân thủ đúng chủ trương của chính quyền và tạm dừng hoạt động sản xuất để phòng, chống dịch bệnh. Vì số lượng công nhân quá lớn, dây chuyền sản xuất khó bảo đảm nên chúng tôi không thể thực hiện phương án “3 tại chỗ” như kế hoạch. Điều này khiến cho Cty bị thiệt hại rất nặng, mỗi ngày lỗ gần 1 triệu USD. Mặc dù không sản xuất nhưng Cty cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện, trả lương cho công nhân theo đúng quy định. Cty phải chi trả khoảng 270 tỉ đồng/tháng tiền lương cho người lao động để chia sẻ khó khăn với mọi người trong lúc dịch bệnh.
Từ ngày 27/9, Cty trở lại hoạt động sản xuất với số lượng công nhân khoảng 1/3 so với bình thường. Hiện nay, toàn bộ công nhân đã quay lại nhà xưởng làm việc. Cty chủ động phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi SXKD, kiểm soát dịch bệnh theo đúng quy định của Nhà nước, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tránh lây nhiễm chéo, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động SXKD của Cty.
Một tín hiệu đáng mừng sau khoảng 2 tháng trở lại hoạt động, tình hình SXKD khá tích cực, thị trường mở cửa, đơn hàng của Cty tăng cao hơn trước đây. Hiện Cty cơ bản phục hồi 100% hoạt động sản xuất. Cty cũng thông tin, đăng ký tuyển dụng thêm khoảng 3.000-4.000 lao động để phục vụ việc sản xuất hiện nay và trong thời gian tới.
2. Hoạt động 14 năm qua trong Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa), Cty Cổ phần Dược phẩm Việt (Đông dược Việt) chủ động phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa tập trung tái SXKD, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, để duy trì sản xuất và chống dịch, Cty thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Hiện nay, toàn bộ hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường. Cty tuyên truyền cho công nhân tuân thủ nghiêm các quy định "5K", không được chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bước đầu được kiểm soát. Tại nhà máy, Cty yêu cầu tất cả công nhân tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đối với hoạt động sản xuất, Cty bắt đầu chuyển đổi, chủ động thích ứng theo thị trường. Theo Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dược phẩm Việt - Phạm Quốc Vinh, dịch bệnh phức tạp dẫn đến nguồn cung nguyên liệu có thời điểm bị thiếu hụt, cước phí vận chuyển tăng dẫn đến đẩy cao chi phí giá thành sản phẩm. Thị trường khó khăn, đầu ra của sản phẩm bị ảnh hưởng (chỉ bằng 70% so với thông thường).
Hiện nay, tình hình dịch được kiểm soát, Cty chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt. Những công văn, văn bản chỉ đạo của tỉnh, Cty nắm bắt đầy đủ, căn cứ vào đó triển khai, thực hiện. Khôi phục hoạt động, Cty tổ chức nhiều chương trình chăm sóc khách hàng, khảo sát thị trường, tìm đơn hàng để chủ động sản xuất. Tình hình từ khi khôi phục hoạt động, việc sản xuất của Cty có tín hiệu tích cực hơn, số lượng đơn hàng cũng tăng so với trước.
Ông Phạm Quốc Vinh chia sẻ: Sau dịch bệnh, Cty cũng phải nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, ưu tiên tự động hóa để hạn chế phụ thuộc vào nhân sự. Để phù hợp, tránh những rủi ro, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Cty đầu tư thêm một số thiết bị tự động hóa phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, để bảo đảm phát triển sản xuất, năm 2022, Cty phối hợp đơn vị thanh niên xung phong (tỉnh Lâm Đồng) mở khu nuôi trồng dược liệu với mục tiêu vừa bảo đảm nguồn nguyên liệu kết hợp du lịch sinh thái.
Đồng thời, Cty tiếp tục phát huy vai trò của mình đối với cộng đồng, tham gia cùng địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện để hỗ trợ, chia sẻ với những gia đình, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
3. Tương tự, Cty TNHH Thiện Chí Sài Gòn (Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc) cũng chủ động các phương án tái SXKD khi mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Cty chuyên về sản xuất két sắt, xuất khẩu chiếm khoảng 80%, chủ yếu thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Đông Nam Á. Hiện nay, hoạt động sản xuất dần hồi phục, thị trường mở cửa trở lại, Cty cũng chủ động được đơn hàng, nguồn lao động để tái sản xuất.
Theo đại diện Cty - Đặng Đình Hiệp, thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cty được địa phương tạo điều kiện, thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất. Hiện nay, cơ bản hoạt động sản xuất được phục hồi, lượng đơn hàng bảo đảm, công nhân quay lại làm việc gần như 100%. Tuy tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng Cty không chủ quan, lơ là phòng, chống dịch, Cty yêu cầu tất cả công nhân phải tuân thủ nghiêm quy định và phối hợp ngành chức năng, địa phương trong công tác phòng dịch.
Theo đánh giá, việc hoạt động sẽ khó khăn khi tái sản xuất, Cty cố gắng kết nối với các đối tác, tìm kiếm thị trường, tranh thủ hợp đồng để sớm ổn định sản xuất. Dịch bệnh xảy ra không ai mong muốn và tác động tiêu cực đến Cty. Để hạn chế những rủi ro trong thời gian tới, Cty chuẩn bị sẵn phương án tái thiết, đầu tư thêm các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chuyển đổi quá trình, ưu tiên công nghệ trong hoạt động./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tai-san-xuat-phuc-hoi-kinh-te-a126458.html