Tại sao 470 con cá voi cùng mắc cạn ở Australia?
Chuyên gia về sinh vật biển nghi ngờ tập tính xã hội đặc trưng của loài đã dẫn đến vụ mắc cạn cá voi hoa tiêu lớn nhất tại Australia.
Giới chức Australia nói khoảng 108 con trong số 470 con cá voi hoa tiêu vây dài đã được giải cứu khỏi bãi cạn tại cảng Macquaire, bờ biển phía tây đảo Tasmania. Cục Công viên và Đời sống Hoang dã xác nhận không có cá thể nào còn sót tại cảng sống sót.
Bầy cá voi được phát hiện mắc cạn tại khu vực vào đầu tuần này. Nỗ lực giải cứu giờ đây chuyển thành bài toán xử lý gần 350 xác cá voi còn kẹt trên bãi cạn. Cục Công viên và Đời sống hoang dã Australia ước tính việc xử lý tác động môi trường sẽ kéo dài vài ngày.
Theo Bloomberg, hiện tượng mắc cạn bầy đàn khá phổ biến ở loài cá voi hoa tiêu. Cả 5 vụ sinh vật biển mắc cạn ở Tasmania có quy mô lớn nhất đều liên quan đến loài này.
David Hocking, chuyên gia sinh vật biển thuộc lớp thú tại Đại học Monash (Melbourne), lưu ý cá voi hoa tiêu có tập tính xã hội đặc trưng là sự gắn kết gia đình rất khăng khít. Chúng di chuyển thành bầy lớn, có khi lên đến 1.000 con.
"Nếu một con trong bầy gặp nạn, nó sẽ phát ra tín hiệu cầu cứu. Thay vì bỏ chạy, bản năng của loài khiến những con còn lại tìm đến vì chúng cảm thấy càng đông càng an toàn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa nếu chỉ một vài con gặp nạn thì những con khác cũng được gọi đến khu vực nguy hiểm", ông nói.
Cá voi hoa tiêu vây dài có họ hàng gần hơn với cá heo và dựa vào khả năng định vị bằng tiếng vang để tìm đường.
Sự kiện tại cảng Macquaire tuần qua cũng là vụ cá voi mắc cạn có số lượng lớn nhất từ trước đến nay ở Australia.
Năm 1996, người dân thị trấn Dunsborough, Tây Australia, từng phát hiện đến 320 con cá voi gặp nạn tương tự. Vụ cá voi mắc cạn có số lượng lớn thứ 3 trong lịch sử Australia xảy ra vào năm 1935, với 294 con cá voi hoa tiêu được tìm thấy ở bờ biển tây bắc đảo Tasmania.