Một lô lớn dầu của Nga đang bị mắc kẹt ngoài khơi Ấn Độ, tổng cộng 6 tàu chở dầu với khối lượng hàng hóa gần 5 triệu tấn đã nằm im lìm trong suốt nhiều tuần qua.
Có thể New Delhi đã chặn việc tiếp nhận hàng hóa do bị phương Tây mở cuộc điều tra về việc tuân thủ lệnh trừng phạt dầu mỏ chống Nga, nhưng hiện tại họ chỉ "nhún vai", từ chối bình luận, hãng tin Bloomberg cho biết
Được biết, gần đây Washington bắt đầu gây áp lực lên chính quyền Panama và Liberia, những quốc gia mà hầu hết các tàu chở dầu đều mang cờ của họ, đồng thời yêu cầu 30 nhà khai thác cung cấp thông tin về hoạt động liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt không hài lòng với việc vận chuyển dầu từ vùng Viễn Đông của Nga, vốn chưa bao giờ giao dịch dưới mức giới hạn trần giá, vẫn diễn ra tích cực.
"Trước tình hình trên, gần 5 triệu thùng dầu Sokol của Nga dự kiến sẽ đến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ trong 4 tuần qua. Nhưng chúng không đến được vì tàu chở dầu phải neo đậu cách bờ vài hải lý”, tờ Bloomberg nói rõ.
Đối với một số tàu, thời hạn liên quan tới dỡ hàng và gửi trả về đã qua. Đối với 2 trong số 6 tàu chở dầu mang tên Nellis và Sakhalin, thời hạn quy định của họ vẫn đang được đáp ứng.
Tuy nhiên thực tế hai tàu chở dầu nói trên không có triển vọng vào cảng và dỡ hàng, giống như những tàu chở dầu còn lại đã cập bến. Đối với các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg, tình hình hiện tại đã khá rõ ràng.
Theo các chuyên gia, Ấn Độ chỉ đơn giản là đang gây áp lực lên Nga theo cách này, cố gắng đàm phán không chỉ về việc giảm giá dầu vốn đã rẻ, mà còn để đạt được thứ gì đó hơn thế nữa.
New Delhi có thể đang muốn địa vị của một đối tác và “bạn bè thân thiết hơn”, để mua nguyên liệu thô với giá gần như "không có lợi nhuận". Ví dụ, ở mức giá mà khách hàng đồng minh Belarus nhận được.
Diễn biến này có vẻ hợp lý đối với các nhà phân tích, vì trần giá và lệnh cấm vận đã có hiệu lực trong vài tháng và những điều khoản này chưa bao giờ khiến chính quyền Ấn Độ hoặc khách hàng từ nước này lo lắng.
Nhưng giờ đây áp lực từ phương Tây chợt khiến Ấn Độ giật mình, điều này bị đánh giá là ngụy biện. Tất nhiên New Delhi muốn nhập khẩu dầu càng rẻ càng tốt, điều này mang lại thêm động lực cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.
Vì vậy, vấn đề không phải là trừng phạt hay mong muốn làm bạn với phương Tây mà chỉ vì lợi ích của riêng mình; những hạn chế của Mỹ và châu Âu trong trường hợp này chỉ là một công cụ để Ấn Độ gây áp lực lên Nga, hãng tin Bloomberg tin tưởng.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa cần phải nhắc tới, đó là khúc mắc giữa Moskva và New Delhi liên quan đến thanh toán các lô hàng trước đó chưa được giải quyết triệt để.
Ấn Độ chỉ đồng ý thanh toán khoản tiền mua dầu thô bằng đồng nội tệ rupee chứ nhất định không dùng đồng nhân dân tệ, trong khi đô la Mỹ đã bị cả hai bên loại trừ.
Hàng chục tỷ USD của Nga hiện vẫn đang mắc kẹt tại các ngân hàng Ấn Độ, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những chuyến hàng trong tương lai.