Tại sao anh ta không thể thành công

Theo giáo sư Theo Hyungseok Kim những người chỉ coi vị trí đang đứng là một bước đệm để tiến lên một vị trí khác thì sẽ khó thực hiện được mục tiêu của mình.

 Những người đứng ở bên này và thèm muốn bên kia sông sẽ khó thành công. Nguồn: growthbusiness.

Những người đứng ở bên này và thèm muốn bên kia sông sẽ khó thành công. Nguồn: growthbusiness.

Có những người bề ngoài trông rất thành công và nổi tiếng trên mạng xã hội, nhưng lại luôn hối hận vì cho rằng mình đã thất bại và thú nhận rằng càng ở những năm cuối đời, họ càng nỗ lực so với thời còn tráng niên. Đó là những người mặc dù có danh tiếng lẫy lừng, nhưng lại không được đánh giá cao về mặt lịch sử.

Ông A, một người bạn của tôi, là người được biết đến rộng rãi hơn cả tôi. Ông ấy là một người rất có năng lực. Ông tin rằng mình là một học giả có năng lực quản lý hành chính vượt trội.

Chủ tịch của một trường đại học đã hỏi tôi nghĩ thế nào về việc mời ông ấy làm hiệu trưởng. Mặc dù đánh giá ông ấy là một người tốt và phù hợp, nhưng khi nghĩ tới lợi ích của trường đại học và vị chủ tịch, tôi hơi ngần ngại một điểm khi tiến cử ông ấy.

Trước đây khi trường tôi mời ông A, ông từng nói chỉ khi được giao vị trí trưởng khoa thì ông mới về làm giáo sư của trường. Hiệu trưởng trường đại học của chúng tôi đã thỏa thuận rằng, “Vì khoa vẫn đang có một trưởng khoa đương nhiệm, nên trước hết ông hãy cứ về trường làm việc, đến khi điều kiện cho phép, trường sẽ xem xét đề nghị này”. Khi đó, hiệu trưởng trường tôi cũng muốn mời nhưng cho rằng ông ấy có vẻ ưu tiên cho bản thân nhiều hơn nên đã bảo lưu quyết định này.

Cuối cùng, ông A đã đồng ý với lời mời của vị chủ tịch ở trên dù đó không phải là một trường đại học danh tiếng và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ hiệu trưởng bốn năm ở đây.

Kết quả làm việc của ông rất tốt, các giáo sư cũng đánh giá cao ông. Tuy nhiên, sau khi nhiệm kỳ đầu tiên kết thúc, vị chủ tịch đã phản đối việc ông A tiếp tục nhiệm kỳ mới. Cuối cùng, tuy muốn phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa nhưng ông A đã phải rời khỏi vị trí này.

Tôi đã có dịp gặp lại chủ tịch của trường đại học nói trên. Vị chủ tịch nói, “Tôi muốn làm việc cùng hiệu trưởng A thêm vài năm nhưng không thể được” và điều này khá đúng với những gì tôi dự đoán. “Hiệu trưởng A là một người có năng lực và là người tốt, nhưng mục tiêu của ông ấy không phải là ở đây, ông ấy chỉ coi vị trí hiệu trưởng trường đại học này như một bước đệm để trở thành hiệu trưởng của một trường đại học tốt hơn”.

Tôi cũng nghĩ quyết định của chủ tịch là đúng đắn. Ông A đã đánh giá quá cao khả năng của bản thân. Mục đích cuối cùng của ông ấy là ở bên kia sông và chỉ đang lấy công trình bên này sông làm bàn đạp tiến lên.

Những người đứng ở bên này và thèm muốn bên kia sông

Sống càng lâu, ta sẽ nhận ra dường như có rất nhiều người như vậy. Năm ngoái, tôi đã gặp hiệu trưởng của một trường trung học địa phương. Sau khi trò chuyện, tôi được biết vị hiệu trưởng chỉ miễn cưỡng giữ chức hiệu trưởng ở đây, mục đích của ông ấy là trở thành hiệu trưởng của một trường ở một thành phố lớn, dù ông ấy có phải chuyển vị trí giữa nhiệm kỳ.

Nói hơi quá nhưng điều này chẳng khác nào việc các em học sinh cấp ba ở đây phải lớn lên như những đứa trẻ không nhận được tình yêu thương của mẹ.

Có lần, trong cuộc gặp riêng với bạn của tôi, một vị đang là hiệu trưởng của một trường đại học, được kính trọng trong giới giáo dục cho biết mục tiêu của ông ấy không phải là trở thành hiệu trưởng của trường đại học hiện tại mà chỉ lấy vị trí này làm bàn đạp để ra tranh cử tổng thống. Ông lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi và người bạn của mình không tin vào việc đó.

Một thời gian sau, ông rời bỏ ngành giáo dục và tham gia chính trường. Nếu mọi việc suôn sẻ, có thể ông ấy đã trở thành tổng thống. Nhưng tôi và bạn tôi cảm thấy điều đó không đáng được kính trọng. Cuối cùng, ông ấy cũng không thực hiện được mục tiêu của mình.

Khi giao tiếp với nhiều người khác nhau trong xã hội, ta sẽ nhận ra có không ít những người mang giá trị quan như vậy.

Tôi tin rằng có thể những người có tham vọng như vậy sẽ đạt được thành công. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ theo hướng khác, có thể thấy rằng cuộc đời của một người cũng giống quá trình cây tre lớn lên. Mỗi đốt tre đều phải phát triển khỏe mạnh, chắc chắn. Nếu bất kỳ đốt tre nào yếu đi, đốt tiếp theo sẽ bị bệnh và gãy hỏng.

Và nếu mọi người vì mục đích của mình mà cẩu thả với những gì đang làm thì những người phải chịu thiệt hại sẽ ra sao? Và nếu tất cả đều sống như vậy thì xã hội đó sẽ thế nào?

Hyungseok Kim / Thái Hà Books - NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-anh-ta-khong-the-thanh-cong-post1449670.html