Tại sao Bill Gates vẫn được cấp dưới tin yêu dù từng là một vị sếp khó tính và hay chỉ trích nhân viên?
Bài viết là chia sẻ của Rainer Zitelmann – doanh nhân, nhà đầu tư và tác giả của 23 cuốn sách.
Nhiều người thường có cái nhìn thiếu thực tế về việc một lãnh đạo tốt phải là người như thế nào? Họ đi theo lối mòn rằng một người “thủ lĩnh” đích thực phải là người thường tán dương người khác thay cho việc nhăm nhăm chỉ trích, là người không bao giờ la mắng cấp dưới, ưa thích sự thỏa hiệp hơn là những bất đồng, mâu thuẫn.
Những người lãnh đạo thuộc mô-típ trên không hẳn là không tồn tại. Nhưng với hơn 10 năm nghiên cứu và phỏng vấn rất nhiều các nhân vật được coi là thành công kiệt xuất, được cả thế giới biết đến, từ những nhà sáng lập, những lãnh đạo cấp cao cho đến những vận động viên, những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật, tôi đã đi đến kết luận rằng phần lớn những nhân vật nổi tiếng mà tôi có cơ hội làm việc cùng đều sở hữu một điểm chung: họ sẵn sàng chấp nhận những hiềm khích trong công ty của mình để có thể hướng đến sự thay đổi và tiến bộ hơn.
Bill Gates, nhà đồng sáng lập của Microsoft, ngoài việc là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới, ông còn được biết đến với tư cách là một người có tấm lòng bác ái. Nhưng cách đây hàng chục năm, một Bill Gates trẻ trung hơn rất nhiều lại bị gắn với các mác “kẻ bắt nạt” chốn văn phòng.
Theo James Wallace và Jim Erikson, 2 tác giả của cuốn sách “Hard Drive: Bill Gates and the Making of the Microsoft Empire,” xuất bản năm 1993, Gates là “kẻ vô cùng đáng ghét” khi chuyên gửi đi hàng loạt các email mang nội dung chỉ trích và nhạo báng nhân viên của mình vào lúc nửa đêm.
Có nhiều hơn một “anh chàng lập trình viên không may mắn nhận được email vào lúc 2 giờ sáng với nội dung bắt đầu bởi dòng chữ “Đây là dòng code ngu xuẩn nhất từng được viết ra”, theo nội dung cuốn sách. Các cựu nhân viên của Microsoft từng miêu tả nơi làm việc của mình luôn bao trùm một bầu không khí căng thẳng vì Gates là người đặt ra những yêu cầu rất cao và họ luôn phải làm việc với cường độ lớn.
Một “giai thoại” khác cũng đã được tiết lộ từ Joel Spolsky, nhà sáng lập của Stack Exchange, đồng thời là cựu quản lý phát triển sản phẩm Excel của Microsoft. Theo đó, vào năm 2006, trong bài viết trên trang blog cá nhân, Spolsky đã chia sẻ về quá trình đánh giá các thông số sản phẩm mà qua đó, anh có cơ hội làm việc trực tiếp với Bill Gates. Ngoài một số lãnh đạo khác, trong phòng họp còn có sự hiện diện của một nhân vật rất quan trọng, mà công việc của cô ấy là đếm chính xác những lần Bill Gates chửi thề.
“Nếu như số lần chửi thề của Gates ở mức thấp, thì sản phẩm đó được coi là thành công”, Spolsky nhớ lại. Khi cuộc họp diễn ra, những câu hỏi mà Gates hướng anh đến sẽ có độ khó dần tăng lên, và đòi hỏi anh phải trả lời chi tiết hơn.
Yêu cho roi cho vọt
Tất nhiên, những “giai thoại” về những lần nổi nóng của Bill Gates chỉ là một mặt của sự thật. Gates là người biết rõ nhất bằng cách nào ông có thể truyền cảm hứng cũng như khích lệ nhân viên của mình trong quá trình thực hiện những mục tiêu chung, nhưng bên cạnh đó cũng tạo cho họ không gian để phát triển một cách sáng tạo.
Sau cùng, Spolsky đã rút ra bài học từ các đồng nghiệp của mình rằng: “Bill không thực sự muốn đánh giá những thông số sản phẩm, mà ông ấy muốn chắc chắn rằng bạn hoàn toàn hiểu sản phẩm của mình. Chiến thuật của ông ấy là hỏi bạn những câu hỏi với độ khó tăng dần cho đến khi nào câu trả lời của bạn là không biết. Đến lúc đó, ông ấy mới có cớ để nổi khủng vì sự chuẩn bị không cẩn thận của bạn”.
Trên thực tế, những nhân viên của Gates luôn kỳ vọng mình được thử sức và họ cũng mong muốn mình có thể làm khó Gates. “Có rất nhiều người không thích công việc của họ vì họ không nhận về một đánh giá công việc nào”, Scott MacGregor, người được Gates thuê về từ Xerox, chia sẻ với Wallace và Erikson.
Đó hoàn toàn không phải là một vấn đề với Microsoft. “Bạn sẽ luôn biết được Bill nghĩ gì về công việc mà bạn đang làm. Mục tiêu, cũng như là động lực của rất nhiều các nhà lập trình viên, đó là làm cho Bill yêu mến sản phẩm của họ”.
Hơn thế nữa, Gates không sợ phải thay đổi quyết định của mình nếu như ai đó có những lập luận không thể chối cãi. Đó là một phẩm chất mà Steve Wood, một trong những lập trình viên đầu tiên của Microsoft, rất khâm phục ở Gates.
“Lúc đầu, anh ấy có thể tỏ ra rất cương quyết khi tranh cãi về một mặt vấn đề nào đó. Nhưng một, hai ngày sau, anh ấy lại thừa nhận rằng mình đã sai”, Wood chia sẻ với Wallace và Erikson. “Có nhiều người sở hữu những phẩm chất doanh nhân đáng quý, nhưng những người sẵn sàng gạt bỏ đi cái tôi của mình thì không có nhiều. Đó là một điều hiếm có”.
Một Bill Gates trưởng thành và thông thái hơn
Vị tỷ phú này cũng rút ra được bài học rằng có những giới hạn mà ông phải để ý đến. Ví dụ như sức chịu đựng của các nhân viên.
“Khi là một cậu thiếu niên, nếu như cảm thấy bố mẹ tôi đối xử với tôi không công bằng, tôi có thể sẽ phản ứng rất gay gắt với họ”, Gates thừa nhận trong bức thư thường niên gửi đến các nhân viên ông viết cùng với người vợ của mình - bà Melinda. “Ở Microsoft, tôi là người khá khắt khe với những người tôi làm việc cùng. Việc đó đã giúp chúng tôi thành công, nhưng tôi chắc chắn rằng một vài hành động đã đi quá giới hạn”.
Tới thời điểm hiện tại, tinh thần tiên phong cũng như môi trường làm việc đầy cảm hứng đã giúp Microsoft thu hút được rất nhiều người trẻ tài năng và tham vọng đến với công ty. “Phong cách làm việc cứng rắn của Gates đã giúp Microsoft duy trì được lợi thế của mình - đó chính là tinh thần bền bỉ, kiên quyết”, Wallace và Erikson chia sẻ trong cuốn sách. “Đó là điều khiến cho những nhân viên làm việc cùng với ông ấy luôn có thể nhìn thấu mọi việc”.
Sự xoay chuyển trong tài lãnh đạo của Gates chính là bài học cho bất kỳ ai đang nắm trong tay trọng trách lãnh đạo một tập thể rằng bạn sẽ được tôn trọng chỉ khi nào bạn sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mâu thuẫn với những người khác nếu cần thiết, nhưng thay vào đó, các mục tiêu đã đặt ra đều được hoàn thành.
Điều đó không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải tỏ ra giận dữ và khó tính, nhưng điều đó lại có nghĩa rằng bạn ưu tiên việc thực hiện những mục tiêu cũng như kỳ vọng đã đặt ra từ đầu. Nếu như điều đó có thể được thực hiện bằng một cách “nhẹ nhàng” hơn , đó là một tín hiệu rất tốt. Nhưng tất cả các nhà lãnh đạo thành công đều biết, và cũng như Gates đã làm, rằng sẽ có những thời điểm mà bạn cần lên tiếng chỉ trích một cách không khoan nhượng.