Tại sao các chỉ số của Hà Nội lại thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác?

'Chỉ số gì đánh giá về cán bộ, công chức không những làm việc bằng tri thức mà còn làm việc bằng trái tim?', là câu hỏi mọi người cần suy ngẫm.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Câu hỏi trên được một đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội mới đây. Theo đại biểu này, thời gian qua, tinh thần phục vụ người dân, DN, về Chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) của Hà Nội được “cải thiện đôi chút”; nhưng có chỉ số vẫn tụt hạng như Chỉ số CPI (chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng mức độ biến động giá cả chung theo thời gian của các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày) giảm 8 bậc, chỉ số về thời gian giảm 32 bậc.

“Tôi băn khoăn là không thể nào trình độ cán bộ Thủ đô các cấp lại thấp hơn các tỉnh, thành khác; nhưng tại sao các chỉ số của chúng ta lại thấp hơn rất nhiều? Hà Nội có chương trình gì, chỉ số gì đánh giá về cán bộ, công chức không những làm việc bằng tri thức mà còn làm việc bằng trái tim?”, đại biểu này đặt vấn đề.

Nêu dẫn chứng cụ thể hơn về vấn đề này, một đại biểu khác cho biết, trong quá trình tham gia một số đoàn thanh tra công vụ, có 2 dự án tại một huyện ở Hà Nội; phải mất tới… 884 ngày để trả lời 1 văn bản của Bộ. Khi kiểm tra ra, vấn đề không nằm ở UBND TP hay nằm ở Sở mà nằm ở các trưởng, phó phòng, chuyên viên. Đại biểu này dẫn chứng tiếp một kết luận của một cuộc thanh tra công vụ, có ý kiến cho rằng TP phải chỉ đạo thay thế một số chuyên viên, một số trưởng, phó phòng hiện nay không làm việc và đùn đẩy, né tránh. Đại biểu này cảnh báo tình trạng người tham mưu, người tổ chức thực hiện nếu “lách luật, uốn éo văn bản thì càng phức tạp cho DN và các cá nhân, tổ chức”.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Các quận, huyện, địa phương cần kiểm soát công việc của mình theo trách nhiệm người đứng đầu vì có tình trạng quy trình công việc rất đầy đủ nhưng không ai thực hiện và không ai xử lý. Ngoài ra, cần quan tâm đến đội ngũ trưởng, phó phòng và cán bộ tham mưu.

Trả lời những ý kiến nêu trên, đại diện UBND TP tại phiên chất vấn một lần nữa khẳng định đây là nội dung rất quan trọng, mang tính trọng yếu, vừa là khâu đột phá, vừa là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Vì vậy, phải đẩy mạnh rà soát lại toàn bộ thẩm quyền, chức năng của từng sở, ngành; ban hành quy chế, quy trình, đặc biệt là quy trình liên thông. Cùng với đó, đẩy mạnh minh bạch thông qua chuyển đổi số, là giải pháp được đánh giá thông minh nhất, được người dân đánh giá cao. “Toàn bộ cái gì có thể ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng để xây dựng chính quyền số, nhằm công khai, minh bạch, đồng thời giúp cho cán bộ trong triển khai nhiệm vụ”, đại diện UBND TP khẳng định. Còn có những giải pháp về thủ tục hành chính, phân cấp, ủy quyền; đào tạo cán bộ về vị trí việc làm, kỹ năng làm việc; luân chuyển cán bộ… Với những giải pháp như trên, kỳ vọng hiệu quả sẽ đến với từng cán bộ thẩm quyền, để mọi cán bộ sẽ không chỉ làm việc bằng tri thức, mà bằng cả trái tim, như người dân mong muốn.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tai-sao-cac-chi-so-cua-ha-noi-lai-thap-hon-nhieu-so-voi-cac-tinh-thanh-khac-post517846.html