Tại sao các cường quốc lại thay đổi cỡ đạn bộ binh tiêu chuẩn?
Cỡ đạn bộ binh tiêu chuẩn của quân đội các quốc gia có vai trò rất quan trọng khi nó liên quan tới hàng loạt trang bị, vũ khí cá nhân, thậm chí là sinh mạng của người lính. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và yêu cầu tác chiến trên chiến trường đã khiến quân đội nhiều quốc gia tiến hành chuyển đổi sang cỡ đạn hiệu quả hơn.
Liên Xô với cuộc cách mạng đạn súng AK
Dù đạt được rất nhiều thành tựu với các biến thể của súng AK-47 và cỡ đạn tiêu chuẩn 7,62x39mm, nhưng trong thập kỷ 1960, Liên Xô vẫn tiến hành một cuộc cách mạng về cỡ đạn để cho ra đời dòng súng AK-74 sử dụng đạn 5,45x39mm nhẹ hơn, đạn đạo ổn định và độ giật ít hơn.
Liên Xô có lý do để thực hiện cuộc cách mạng thay đổi cơ bản trang bị của người lính trên chiến trường. Súng AK-47 dù có thế mạnh ở khả năng xuyên phá trong phạm vi 100m, nhưng lại có đạn đạo kém ổn định ở tầm xa 400-800m. Chính từ những kinh nghiệm thực tiễn chiến trường, giới chức quân sự Liên Xô đã quyết định phát triển thế hệ súng AK mới, sử dụng cỡ đạn nhỏ hơn, tầm bắn hiệu quả cao trong phạm vi 400m và quan trọng hơn là tăng cơ số đạn mang theo của mỗi người lính.
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Nga, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử phát triển súng bộ binh, Vladimir Onokoy, cỡ đạn 7,62mm thực tế phù hợp với các dòng súng trường nòng dài, thiết kế truyền thống với cách lên đạn bằng tay. Tư duy này không còn phù hợp với các loại súng trường tự động có tốc độ bắn cao vì độ giật lớn và trọng lượng đạn nặng. Căn cứ vào phản hồi từ chiến sĩ và sĩ quan, Quân đội Liên Xô đã tính tới phương án phát triển loại đạn cỡ nhỏ, nhưng có sơ tốc đầu nòng cao được coi là phương án khả thi nhất.
“Từ thời quân đội Sa hoàng, nhà thiết kế súng nổi tiếng của Nga, Vladimir Fedorov đã đưa ra ý tưởng về súng trường tự động sử dụng đạn nhỏ có tốc độ bắn cao. Nhiều chuyên gia tin rằng, mẫu Fedorov Avtomat là dòng súng trường tự động đầu tiên trên thế giới”, chuyên gia Vladimir Onokoy đánh giá.
Trong quá trình nghiên cứu, kỹ sư Vladimir Fedorov đã tìm ra cỡ đạn tối ưu giữa trọng lượng và đạn đạo nằm ở khoảng 6,5mm. Tính toán của kỹ sư vũ khí Nga đã đi trước thời đại tới 50 năm. Tuy nhiên, khi quân đội Sa hoàng Nga tham gia Thế chiến 1, các thiết kế của ông Vladimir Fedorov đã không được sử dụng.
“Các nghiên cứu về cỡ đạn nhỏ một lần nữa được Liên Xô tính toán trong những năm 1960. Lấy cảm hứng từ dòng đạn tiêu chuẩn của Mỹ và NATO là 5,56x45mm, các chuyên gia vũ khí Liên Xô đã tính toán một cỡ đạn gần tương đương, nhưng ít giật, nhẹ hơn, đạn đạo ổn định để phù hợp tác chiến ở tầm trung và xa. Sử dụng nguyên lý ổn định khí động con quay ngược, cỡ đạn mới cũng có khả năng xuyên giáp tốt hơn so với cỡ đạn 7,62x39mm ở tầm xa”, ông Vladimir Onokoy đánh giá về cỡ đạn 5,45x39mm.
Quá trình nghiên cứu và phát triển cỡ đạn và súng trường AK mới hoàn thiện vào năm 1974 với nguyên mẫu súng A-3. Sau này, khi được đưa vào trang bị cho quân đội Liên Xô, súng tiêu chuẩn mới được lấy tên là AK-74.
Khi so sánh giữa súng AK-47 và AK-74, cả chuyên gia và quân nhân Liên Xô đều chung nhận định rằng, súng AKM (biến thể nâng cấp của AK-47) với đạn 7,62x39mm là một loại vũ khí bộ binh mạnh mẽ, nhưng có độ giật và tản mát cao. Ở phạm vi tác xạ 200-250m, súng AKM tỏ ra kém chính xác. Điều này được khắc phục trên mẫu súng AK-74 với tầm bắn chính xác cao lên tới 400m. Ngoài ra, cỡ đạn nhỏ cũng giúp giảm đáng kể trọng lượng vũ khí; giúp người lính có thể mang theo 4 hộp tiếp đạn bổ sung, thay vì 3 như với mẫu AKM. Cỡ đạn 5,45x39mm vẫn được quân đội Nga duy trì tới thời điểm hiện tại và sẽ không sớm thay đổi khi Nga còn niêm cất hàng chục triệu khẩu súng sử dụng cỡ đạn này.
Quân đội Mỹ với đang “thay máu” bằng cỡ đạn bộ binh mới
Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang theo đuổi phát triển cỡ đạn súng trường mới tối ưu giữa khả năng xuyên phá, tầm bắn và trọng lượng. Các nguyên mẫu đạn bộ binh mới phổ biến ở cỡ 6,5-6,8mm.
Quân đội Mỹ cũng đang thử nghiệm và hoàn thiện cỡ đạn 6,8x51mm mới sau những than phiền của quân đội các quốc gia NATO về đạn 5,56x45mm có uy lực và tầm bắn hiệu dụng kém. Trong các cuộc chiến gần đây của Mỹ và liên quân tại Iraq và Afghanistan, nhiều binh sĩ liên quân đã than phiền về uy lực của đạn cỡ 5,56mm trước phiến quân sử dụng súng AK với đạn 7,62x39mm. Ở tầm bắn 400m, độ chính xác của cả 2 cỡ đạn không chênh lệch nhiều, nhưng uy lực sát thương của đạn 7,62mm lại cao hơn nhiều lần.
Cỡ đạn 5,56x45mm được phát triển dưới thời Chiến tranh Lạnh với tư duy phát triển tương tự như Liên Xô. Tuy nhiên, trong các cuộc xung đột gần đây, cỡ đạn tiêu chuẩn này tỏ ra thiếu hiệu quả và sát thương với sự xuất hiện phổ biến của các loại giáp bảo vệ cá nhân và sự phức tạp trong sản xuất đạn dược, khi nó dùng thuốc phóng không khói có chi phí cao.
Một yếu tố khác chính là hậu cần, cỡ đạn 5,56x45mm chỉ phù hợp với các loại súng trường tấn công và carbine với tầm bắn hiệu quả ở 400-800m, trong khi đó các loại trung liên và súng trường bắn tỉa phổ dụng lại phải sử dụng cỡ đạn lớn hơn là 7,62x 51mm chuẩn NATO.
Với cỡ đạn 6,8mm mới, quân đội Mỹ có thể chuẩn hóa được cỡ đạn sử dụng chung của người lính trên vũ khí cá nhân từ súng trường, súng máy đến súng bắn tỉa. Do có cỡ đạn lớn hơn, đạn 6,8mm có khả năng xuyên giáp tương đương đạn 7,62x51mm, nhưng lại nhẹ hơn, quỹ đạo của đạn ổn định hơn với tầm bắn hiệu dụng lên tới hơn 800m. Cỡ đạn mới đang được quân đội Mỹ trang bị thử nghiệm cho một số đơn vị đặc biệt cùng với các mẫu súng trường, súng máy, súng bắn tỉa thế hệ mới do hãng Sig Sauer chế tạo.
Với tiến độ hiện tại, tới cuối thập kỷ 2020, quân đội Mỹ về cơ bản sẽ chuyển sang cỡ đạn tiêu chuẩn mới và có thể kéo theo sự thay đổi và thiết lập cỡ đạn mới của cả khối quân sự NATO.