Tại sao các hãng công nghệ có 'tham vọng' chế tạo ô tô?

Xiaomi, Huawei, Sony, Apple, Baidu là những cái tên nổi bật trong một danh sách dài các công ty công nghệ chuẩn bị bước chân vào thị trường sản xuất ô tô.

 Ảnh: Sohu

Ảnh: Sohu

Thị trường sản xuất ô tô điện dường như nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nguồn tin của Reuters tiết lộ, thương hiệu smartphone Xiaomi đang đàm phán để sản xuất xe điện mang thương hiệu riêng tại nhà máy của Great Wall Motor, Trung Quốc. Hồi tháng 1, Baidu thông báo chuẩn bị sản xuất xe điện bằng nhà máy của Geely. Tại triển lãm CES 2020, Sony gây ngạc nhiên khi bất ngờ ra mắt ô tô điện. Apple và Huawei cũng có tham vọng tương tự với thị trường xe hơi.

Theo CEO của Xiaopeng Motor - He Xiaopeng: "Trong năm nay, có lẽ một số công ty công nghệ có thể trở thành thế lực mới trong lĩnh vực sản xuất ô tô với các mẫu xe khác nhau."

Có thể nói, sự xuất hiện của Tesla đã xóa nhòa ranh giới giữa công ty công nghệ và công ty ô tô. Thậm chí, một cuộc thảo luận bùng nổ trên Twitter, tranh cãi Tesla là một công ty công nghệ hay một công ty ô tô. Lý do là ngoài kinh doanh xe, Tesla còn có mảng năng lượng mặt trời, pin gia dụng, trạm sạc và nhiều mảng kinh doanh khác. Bất chấp giá cổ phiếu biến động mạnh, một sự thật không thể chối cãi là giá cổ phiếu Tesla đã tăng gấp 7 lần kể từ năm 2020.

Sự gia nhập của các công ty công nghệ để chế tạo ô tô được cho là chủ đề nóng trong tương lai.

1. Không phải cứ có tiền là sản xuất được ô tô

Tỷ phú James Dyson và chiếc xe điện do chính ông cùng đội thiết kế của mình chế tạo có giá phi thực tế. Ảnh: Autocar

Người đứng đầu Tesla nghĩ rằng không quá đắt để sản xuất một chiếc xe hơi. Nhưng theo các nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô của Morgan Stanley, nếu Tesla muốn đạt mục tiêu doanh số hàng năm là 10 triệu xe, hãng sẽ phải chi ít nhất 180 tỉ USD. Morgan Stanley cũng dự đoán rằng đến năm 2030, Tesla sẽ "đốt" khoảng 66 tỉ USD.

Những con số khổng lồ này đủ để dập tắt tham vọng của các công ty có ngân sách hạn hẹp và những người sáng lập không vững tinh thần.

Gần đây nhất, James Dyson - nhà sáng lập Dyson - đã vấp phải sự phản đối từ lãnh đạo cấp cao của công ty khi mới đưa ra ý tưởng chế tạo ô tô. Vì "chế tạo ô tô là ước mơ từ lâu" nên ông đã bước vào thế giới ô tô mà không do dự. Tuy nhiên, sau khi chi 630 triệu USD để sản xuất cho mình một "đồ chơi cỡ lớn" có tên là "N526", Dyson đã từ bỏ.

Dyson gửi thư cho nhân viên hồi tháng 10/2019, thông báo kết thúc dự án. Bởi để có lãi, mỗi xe phải được bán với giá từ 190.000 USD, quá đắt so với các đối thủ trên thị trường. Dyson phải dừng lại để bảo toàn việc kinh doanh. Có vẻ quyết định của ông hoàn toàn đúng đắn. Năm 2020, khối tài sản của Dyson tăng thêm 3,6 tỉ bảng Anh. Lần đầu tiên, ông lọt vào top những người giàu có của Anh.

2. Đổi mới hay chất lượng?

Quá trình sản xuất ô tô đòi hỏi các quy trình và kế hoạch chi tiết. Có một hệ thống hoàn thiện để phát hiện và sửa chữa các khiếm khuyết, chẳng hạn như triết lý chất lượng QDR của Toyota. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ do Thung lũng Silicon làm đại diện, giá trị của sự đổi mới thường được đề cao hơn.

Bất chấp phàn nàn về chất lượng, Tesla vẫn là công ty sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới.

Nhà phân tích công nghiệp Edward Niedermere đã đưa ra một ví dụ điển hình về sự phát triển của nấm mốc bên trong nóc xe Tesla Model S, đặc biệt là ở Na Uy. Những khoảng trống trên nóc xe Model S có thể mắt thường không nhìn thấy, nhưng ở một số vùng khí hậu, nó lại tạo điều kiện cho nấm mốc xâm nhập.

Trong danh sách xếp hạng nghiên cứu độ tin cậy của ô tô năm 2021 do JDPower phát hành, Tesla đứng thứ tư từ cuối lên. Năm 2020, trong nghiên cứu về chất lượng ô tô mới tại Mỹ, Tesla có 250 lần hỏng hóc trên 100 xe.

Từ việc không thể thắt dây an toàn đến việc không thể căn chỉnh các đường nối của thân xe, nhiều lời phàn nàn về chất lượng của Tesla xuất hiện trên các diễn đàn. Thế nhưng, Tesla là vẫn thương hiệu có doanh số xe điện cao nhất thế giới năm 2020.

3. Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra

Theo xu hướng mới, ô tô không chỉ là phương tiện di chuyển thông thường mà còn là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo và internet di động.

Khi so sánh ô tô với điện thoại, Tesla được mệnh danh là "Apple của ngành ô tô". Các lực lượng sản xuất ô tô mới ở Trung Quốc cũng đang phấn đấu trở thành Samsung, Huawei và Xiaomi trong ngành ô tô.

Tuy nhiên, so với sản phẩm điện thoại di động, ô tô vẫn phức tạp hơn nhiều. Toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan đến linh kiện, vật liệu phong phú hơn và có mối quan hệ mật thiết đến cuộc sống. Nó cần phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đây là những thách thức cho những người mới tham gia.

Samsung có thể trở thành thế lực sản xuất ô tô đáng gờm nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998.

Samsung cũng đã từng sản xuất ô tô. Năm 1994, Lee Kun-hee - Chủ tịch của Samsung Electronics Group - thành lập Samsung Motors và mở rộng hoạt động sang lãnh thổ của Hyundai Motor Group - một tập đoàn khổng lồ khác ở Hàn Quốc. Samsung và Nissan - những người không biết chế tạo ô tô - đã chung tay góp sức. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 bất ngờ "đè bẹp" toàn bộ nỗ lực.

Do "hút sạch" một lượng lớn doanh thu và lợi nhuận của Samsung Electronics, Samsung Motors đã phải dừng hoạt động vào năm 1998 để ngăn chặn kịp thời các khoản lỗ.

Dù chưa có tiền lệ thành công, các ông lớn công nghệ vẫn đang lao vào thị trường ô tô. Lý do chính là khi kỷ nguyên công nghệ di động đang gặp phải một nút thắt cổ chai, những chiếc xe thông minh có thể trở thành cổng giao thông cho kỷ nguyên tiếp theo.

Năm 2020, tổng lượng xuất xưởng điện thoại thông minh toàn cầu đạt 1.332,5 tỉ chiếc, có xu hướng giảm trong ba năm liên tiếp. Trong số năm nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới năm 2020, chỉ có hai nhà sản xuất điện thoại di động là Apple và Xiaomi có doanh số tăng lên, lần lượt tăng 3,3% và 15,7%.

Ngược lại, xe điện thông minh cho thấy tiềm năng lớn. Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, số lượng sản xuất và bán hàng đạt 1,3 triệu xe vào năm 2020, tăng gần 8%; dự kiến mức tăng sẽ vượt 30% vào năm 2021.

Ngoài ra, năm 2020 được coi là năm đầu tiên của xe điện thông minh. Li Xiang - nhà sáng lập Li Xiang One - dự đoán doanh số xe điện thông minh của Trung Quốc sẽ vượt 8 triệu chiếc vào năm 2025. Trước thị trường sắp đạt quy mô nghìn tỉ USD này, nói không hấp dẫn là sai.

4. Lợi thế của các hãng công nghệ

Ngoài nhiên liệu sạch, công nghệ trên xe bao gồm tự hành, trợ lý ảo và kết nối đa phương tiện cũng sẽ là các yếu tố không thể thiếu. Vì thế các công ty công nghệ sẽ có lợi thế to lớn nếu bước vào thị trường tiềm năng này.

Ngưỡng chế tạo ô tô ngày càng thấp, và sự thông minh và điện khí hóa đồng nghĩa với việc ô tô có cấu trúc cơ khí đơn giản hơn. Do đó, những gã khổng lồ công nghệ có thể phù hợp hơn để trở thành nhà sản xuất xe hơi. Phần mềm xác định tương lai của xe hơi và cung cấp khả năng thành công cho những người mới gia nhập.

Giám đốc điều hành Volkswagen từng nói: "Trong cuộc cạnh tranh ô tô tương lai, phần mềm trong xe sẽ chiếm 90% sự đổi mới ô tô trong tương lai". Lei Jun - nhà sáng lập của Xiaomi - phát biểu: "Công nghệ thông minh là một phần quan trọng của phương tiện giao thông và ô tô cũng là thiết bị thông minh quan trọng nhất trong cuộc sống của con người trong tương lai".

Công ty tìm kiếm khổng lồ Baidu có kế hoạch sản xuất xe điện với sự trợ giúp từ Geely, nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc.

Các hãng công nghệ hợp tác với các OEM truyền thống để có được những gì họ cần và tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ, Baidu đã đi đầu trong ngành về lái xe tự hành. Nếu chỉ bán công nghệ, sự khác biệt về dữ liệu có thể phát sinh. Sau khi chọn OEM của Geely, quyền chủ động nằm trong tay họ.

Dù ở Trung Quốc hay nước ngoài, các chính sách đều đang khuyến khích sự phát triển của thị trường xe điện thông minh. Ngoài ra, những chiếc xe mới do Tesla, Weilai và Xiaopeng làm đại diện đã đạt được kết quả bán hàng tốt, có quy mô nhất định và cũng để lại tiếng vang trên thị trường.

Với các chính sách dành cho xe điện và xu hướng sử dụng xe điện trong tương lai, không chỉ các hãng xe truyền thống hay các hãng công nghệ, sẽ còn nhiều công ty, tập đoàn lớn có thể tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Theo Tạp chí Kinh doanh Ô tô Trung Quốc

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tai-sao-cac-hang-cong-nghe-co-tham-vong-che-tao-o-to-post144252.html