Tại sao các quốc gia phụ thuộc lớn vào than không đồng ý loại bỏ loại nhiên liệu 'bẩn' này?

Tương lai của than đá đóng một vai trò lớn tại COP26. Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị toàn cầu về khí hậu hậu này, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch COP 26 Alok Sharma đã kêu gọi các quốc gia loại bỏ nhiên liệu than. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tại COP 26 cho thấy điều đó khó khăn như thế nào. Trung tâm nghiên chiến lược lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) mới đây đã có bài viết phân tích về việc một số quốc gia phụ thuộc lớn vào tiêu thụ than không cam kết loại bỏ nhiên liệu này trong COP 26 vừa qua.

 Chủ tịch COP26 Alok Sharma tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch COP26 Alok Sharma tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow (Ảnh: Reuters)

Nhu cầu giảm phát thải carbon để đáp ứng các mục tiêu khí hậu là rõ ràng. Báo cáo “Net Zero by 2050” gần đây của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) chỉ ra rằng, than đá cần phải được loại bỏ dần ở các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2030 và ở các nền kinh tế thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) vào năm 2040 để giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Theo công bố của tạp chí Nature vào năm 2015 cho thấy, 80% trữ lượng than toàn cầu cần để lại trong lòng đất từ năm 2010 - 2050 để giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C. Nếu không có một giai đoạn loại bỏ than nhanh chóng, các mục tiêu của Thỏa thuận Paris sẽ khó đạt được.

Trong tuần đầu tiên diễn ra COP 26, Vương quốc Anh tuyên bố rằng, đã có 46 quốc gia và một số tổ chức đã cam kết loại bỏ dần điện than. Danh sách này bao gồm các nước OECD như Đức, Ba Lan, Hàn Quốc, Pháp và các nền kinh tế mới nổi như Indonesia và Việt Nam. Ngoài ra, Nam Phi cũng đã ký một thỏa thuận đối tác trị giá 8,5 tỷ USD với Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) để đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá. Một nhóm các quốc gia khác gồm Mỹ, một số thành viên EU và các ngân hàng đã cam kết sẽ dừng cung cấp tài chính cho những dự án cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch không giảm phát thải CO2 vào năm 2022.

Bất chấp những kết quả này, Vương quốc Anh đang gặp khó khăn trong việc vận động các nhà sản xuất hoặc tiêu thụ than lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Úc ký cam kết loại bỏ nhiên liệu than. Các nền kinh tế này nói chung sản xuất và tiêu tiêu thụ khoảng 2/3 sản lượng than toàn cầu. Mặc dù nền kinh tế của mỗi quốc gia khá khác nhau, nhưng vai trò của than đá đối với mỗi quốc gia tạo ra những điểm tương đồng cần hiểu rõ trước khi có thể đạt được cách tiếp cận toàn cầu về than.

Trung Quốc

Các yêu cầu về đảm bảo an ninh năng lượng và kinh tế xã hội của Trung Quốc dường như vượt trội hơn các cam kết về khí hậu. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Tại quốc gia này ghi nhận than đá chiếm khoảng 57% nguồn cung năng lượng sơ cấp và hơn 60% nguồn cung cấp điện quốc gia. Khai thác và sử dụng than trong các nhà máy điện do các công ty nhà nước điều hành, từ lâu đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách của chính quyền địa phương thông qua hỗ trợ việc làm và nguồn thu cho ngân sách. Ví dụ, các ngành liên quan đến công nghiệp than ở tỉnh Sơn Tây đóng góp đến 29% GDP và 46% doanh thu từ thuế của địa phương này trong năm 2018. Đối với toàn Trung Quốc, ngành công nghiệp than tạo việc làm trực tiếp cho 3,21 triệu người.

Bất chấp những nỗ lực từ chính quyền trung ương nhằm giảm sự phụ thuộc vào ngành than để tăng trưởng kinh tế, tình trạng thiếu điện gần đây tại Trung Quốc đã dẫn đến sự trỗi dậy của ngành than. Sau khi trải qua những đợt thiếu điện trên diện rộng, dẫn đến tình trạng cắt điện liên tục đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường sản xuất than và sản xuất điện than, cũng như nhiều ngân hàng cấp tín dụng lớn hơn cho các doanh nghiệp khai thác than và sản xuất điện than. Chính phủ Trung Quốc nới lỏng kiểm soát định giá điện than (vốn là nhân tố chính dẫn đến cuộc khủng hoảng điện năng) để đáp ứng quá trình phục hồi nhu cầu toàn cầu đối với ngành sản xuất của Trung Quốc. Việc kiểm soát chặt chẽ đối với giá điện than đã không khuyến khích các nhà máy phát điện gia tăng sản lượng do giá than nhiệt trên thị trường tăng mạnh.

Ngay cả trước khi xảy ra tình trạng thiếu điện trầm trọng như hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng thêm khoảng 88 GW công suất điện than, đưa tổng công suất điện than lên 1.080 GW, gấp 5 lần công suất lắp đặt điện than tại Mỹ. Liệu sự hồi sinh của than là tạm thời hay là một dấu hiệu tách khỏi quỹ đạo giảm phát thải carbon của Trung Quốc đang là câu hỏi có những tác động sâu sắc đến khí hậu Trái Đất.

Ấn Độ

Than là trụ cột chính trong hệ thống năng lượng của Ấn Độ, nơi nhiên liệu này chiếm hơn 50% tiêu thụ năng lượng chính và 70% sản lượng điện. Gần đây, Ấn Độ tiếp tục đầu tư vào than. Các số liệu cho thấy, đã có hơn 50% nhà máy điện than mới được xây dựng trong thập kỷ vừa qua và tuổi thọ trung bình của tất cả các nhà máy điện than ở Ấn Độ chỉ là 13 năm (so với hơn 40 năm ở các nước OECD). Hầu hết các nhà máy điện này được tài trợ bởi các ngân hàng nhà nước, những đơn vị đã cho vay hàng tỷ USD để xây dựng các nhà máy này và có khả năng chống lại việc đóng cửa các nhà máy điện than trong tương lai gần.

Hiện tại, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này cũng có trữ lượng than khổng lồ để khai thác nhằm cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cho tiêu dùng và công nghiệp. Trong khi hầu hết sản lượng than do các công ty nhà nước nắm giữ, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu đấu giá các mỏ than mới cho khối doanh nghiệp tư nhân. Chính sách này nhằm giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu than bằng cách tăng sản lượng trong nước. Việc tham gia một thỏa thuận loại bỏ than sẽ đồng nghĩa với việc Ấn Độ phải loại bỏ chính sách đấu giá các mỏ than. Điều này sẽ gây ra hậu quả chính trị trong nước mà giới cầm quyền tại Ấn Độ chưa sẵn sàng thực hiện.

Ngoài các yêu cầu về năng lượng, than còn là một nguồn tạo việc làm và doanh thu trong khu vực. Có ít nhất 6 bang tại Ấn Độ phụ thuộc vào than để có nguồn thu ngân sách. Gần 40% các bang của Ấn Độ phụ thuộc vào ngành than để tạo việc làm, đảm bảo các phúc lợi xã hội. Ngành công nghiệp này cung cấp việc làm trực tiếp cho 4 triệu người Ấn Độ. Điều này khiến những sáng kiến loại bỏ than gặp phải rào cản lớn.

Úc

Úc là quốc gia duy nhất trong số các nước phát triển trên thế giới phụ thuộc vào xuất khẩu than đá. Nước này hiện là nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 thị phần than đá toàn cầu. Kết quả là môi trường kinh tế chính trị của Úc bị chi phối bởi quỹ đạo của than trong nguồn cung năng lượng toàn cầu. Cuộc tranh luận chính trị về biến đổi khí hậu đã bị sa lầy trong công cuộc phát triển kinh tế Thủ tướng Úc thuộc phe bảo thủ hiện nay là Scott Morrison công khai bảo vệ ngành công nghiệp than tại đây. Trong khi đó, những người ủng hộ khí hậu tại Úc đã phản đối mạnh mẽ lập trường ủng hộ than đá của ông Morrison. Cuộc tranh luận về tương lai của ngành than tại Úc có ý nghĩa quan trọng trong các cuộc bầu cử, đặc biệt là tại các địa phương phụ thuộc lớn và sản xuất than.

Trong khi Chính phủ Úc mới đây công bố kế hoạch đạt không phát thải ròng carbon vào năm 2050, một số câu hỏi về năng lượng và tương lai kinh tế Úc vẫn chưa được giải đáp. Mặc dù là một trong những quốc gia có ngành sản xuất điện tái tạo đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, than vẫn chiếm 54% tổng nguồn cung điện của đất nước và chiếm phần lớn sản lượng điện tại hơn 2/3 số bang đông dân như Queensland, Victoria và New South Wales. Nhiều khu vực của Úc đã phải chịu cảnh giá điện tăng đột biến trong những năm gần đây do nguồn cung khí đốt trong nước không đủ. Điều này gây ra áp lực chính trị nhằm duy trì giá điện ổn định và giữ cho ngành công nghiệp than tiếp tục tồn tại.

Hiện chưa rõ tương lai của nền kinh tế Úc sẽ như thế nào trong một thế giới carbon thấp. Úc là nước xuất khẩu hàng hóa và giới cầm quyền đang thiếu sáng tạo trong việc thay đổi. Nhu cầu than quặng sắt và than đá của Úc tăng đột biến tại Trung Quốc đã tạo cơ sở cho thời kỳ tăng trưởng mạnh ngành khai thác than, quặng sắt tại Úc. Nhiều khi các nhà lãnh đạo của Úc không nhận thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đe dọa ngành xuất khẩu hàng hóa của nước này. Trong quá khứ, Úc đã từng nỗ lực chuyển đổi từ chu kỳ hàng hóa này sang chu kỳ hàng hóa tiếp theo, nhưng hiện còn rất ít dư địa chuyển đổi ở phía trước. Với những yêu cầu về chính trị, năng lượng và kinh tế, Úc rất khó để có thể trở thành thành viên của bất kỳ thỏa thuận loại bỏ than đá nào tại COP 26.

Kết luận

Trung Quốc, Ấn Độ và Úc khác nhau về mọi khía cạnh từ kinh tế, chính trị nhưng có một điểm chung là phụ thuộc lớn và nhiên liệu than. Thỏa thuận Paris 2015 có nội dung rằng, nền chính trị trong nước vượt trội hơn tất cả những nỗ lực của các nước khác trong các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu. Đối với các quốc gia sản xuất hay nhập khẩu than, việc đốt than vẫn không thể thiếu trong hệ thống năng lượng và kinh tế xã hội. Việc loại bỏ than vẫn là một dấu hỏi là có hay không, và khi nào?

Cuối cùng, sự kết hợp giữa kinh tế thị trường, niềm tin của nhà đầu tư và các sản phẩm công nghệ thay thế sẽ thúc đẩy sự suy giảm vai trò của than. Tuy nhiên, thế giới không nên kỳ vọng những quốc gia, nơi than chiếm vị trí kinh tế - chính trị quan trọng, sẽ thay đổi chính sách về sử dụng than của mình.

Tiến Thắng

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tai-sao-cac-quoc-gia-phu-thuoc-lon-vao-than-khong-dong-y-loai-bo-loai-nhien-lieu-ban-nay-632753.html