Tại sao các vụ bê bối trong giao dịch hàng hóa ngày càng tăng lên
Thị trường giao dịch hàng hóa ngày càng có xu hướng bất ổn nhưng có biên lợi nhuận ngày càng hấp dẫn.
Vào ngày 23/4, các phương tiện truyền thông đăng tải rằng ngân hàng ING của Hà Lan đang kiện ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc là ICBC vì những tổn thất liên quan đến các hợp đồng. Trong đó, ING cáo buộc ICBC phát hành chứng từ xuất khẩu cho Maike Metals International, một công ty kinh doanh đồng lớn nhất Trung Quốc mà không thu tiền thanh toán trước cho ING. Ngay sau đó, Maike Metals International cạn kiệt tiền mặt và ING đang đòi bồi thường thiệt hại 170 triệu USD từ ICBC.
Những tranh chấp như vậy đang trở nên phổ biến trong ngành chịu trách nhiệm vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu và kim loại trên khắp thế giới. Năm ngoái, các công ty kinh doanh hàng hóa đã ngừng lấy hàng cho một công ty kim loại Trung Quốc sau khi số đồng trị giá 500 triệu USD bị mất. Vào tháng 2/2023, tập đoàn kinh doanh hàng hóa khổng lồ Trafigura đã ghi nhận khoản lỗ 600 triệu USD sau khi phát hiện ra rằng những chuyến hàng niken mà họ đã mua thực tế là những viên đá vô giá trị. Tháng trước, Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tìm thấy những túi đá thay vì niken tại một trong những nhà kho của họ.
Hơn 40 ngân hàng tài trợ cho phần lớn nguyên liệu thô trị giá 5.500 tỷ USD đi khắp thế giới hàng năm thường thua lỗ trong những vụ bê bối như vậy. Ngân hàng Natixis của Pháp và UniCredit của Ý nằm trong số những ngân hàng bị lừa vào năm 2020 khi công ty kinh doanh hàng hóa Gulf Petrochem (hiện đã không còn tồn tại) giao nhầm dầu trước khi bỏ trốn. JPMorgan Chase là chủ sở hữu xui xẻo của 54 tấn niken giả được tìm thấy bởi LME.
Giao dịch hàng hóa từ lâu đã dễ bị chơi xấu. Không giống như hàng hóa sản xuất như ô tô hoặc điện thoại thông minh, các nguyên liệu thô phổ biến được định giá theo tiêu chuẩn công khai. Những hàng hóa này có thể di chuyển xa và nhanh, và việc sử dụng rộng rãi các công cụ tài chính để phòng ngừa hoặc đầu cơ vào các biến động giá có thể làm tăng tổn thất. Giao dịch hàng hóa đầy rẫy những người trung gian vô danh, được che chắn ở các quốc gia có chính sách lỏng lẻo và ít có danh tiếng.
Đã có rất nhiều thay đổi diễn ra trong những năm gần đây. Vào tháng 4/2020, khi các lệnh phong tỏa làm giảm nhu cầu năng lượng, sự sụp đổ của công ty kinh doanh dầu mỏ Hin Leong có trụ sở tại Singapore bị cáo buộc gian lận, khiến 23 ngân hàng lâm vào cảnh thua lỗ 3,9 tỷ USD. Năm ngoái, Maike Metals International đã sử dụng đồng để huy động vốn và sau đó đặt cược tiền huy động được vào bất động sản Trung Quốc — ngay trước khi các chính sách Zero Covid và các quy định thắt chặt bóp nghẹt lĩnh vực này. Giá nhiên liệu và kim loại tăng dường như đã làm cho mánh khóe trở nên hấp dẫn hơn.
Các vụ bê bối xảy ra thường xuyên hơn và các quy định chặt chẽ hơn về cho vay rủi ro ở các nước giàu đã khiến một số ngân hàng phải rút lui khỏi thị trường này. Ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan đã ngừng hoạt động tài trợ cho thương mại hàng hóa vào năm 2020. Ngân hàng BNP Paribas và Rabobank đã cắt giảm đầu tư vào hạng mục này.
Tuy nhiên, thay vì rút lui, hầu hết các ngân hàng lớn đã tập trung vào các công ty kinh doanh hàng hóa lớn hơn. Trafigura đã tăng hạn mức tín dụng thêm 7 tỷ USD lên 73 tỷ USD vào năm ngoái. Công ty tư vấn Jean-Francois Lambert lưu ý rằng các công ty kinh doanh hàng hóa nhỏ hơn ở các quốc gia mà giao dịch hàng hóa là cơ bản, chẳng hạn như Thụy Sĩ, vẫn có thể tìm đủ vốn lưu động để tiếp tục vận hành. Ba ngân hàng chính của Singapore cũng vẫn là những ngân hàng tích cực trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, tài trợ thương mại hàng hóa sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn. Ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng và ngày càng đói vốn. Biên lợi nhuận gộp tổng hợp của lĩnh vực này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009 lên mức kỷ lục 115 tỷ USD vào năm 2022. Công ty tư vấn McKinsey ước tính rằng giá cả hàng hóa biến động, lãi suất tăng và thời gian vận chuyển lâu hơn sẽ thúc đẩy các công ty kinh doanh hàng hóa tìm kiếm thêm 300 - 500 tỷ USD vốn lưu động từ năm 2021 đến năm 2024.
Đối với nhiều chính phủ, lo lắng về nguồn cung cấp nguyên liệu thô, giao dịch hàng hóa đã trở thành chiến lược. Đầu năm nay, Đức và Ý cho biết họ sẽ bảo đảm các khoản vay cho Trafigura nhằm giảm thiểu rủi ro cho các chủ nợ. Vào tháng 1, Standard Chartered đã bổ nhiệm giám đốc mảng thương mại hàng hóa đầu tiên. Năm ngoái, Mitsubishi đã mua nhánh tài trợ hàng hóa tại Mỹ của BNP. Sau nhiều năm biến động đã báo trước điềm lành cho các công ty kinh doanh hàng hóa lớn và rất ít ngân hàng sẵn sàng bỏ lỡ cơ hội này.