Tại sao cao răng gây hôi miệng và cách phòng tránh mảng bám cao răng

Cao răng là những mảng bám ố vàng ở các kẽ chân răng hình thành từ những cặn thức ăn đọng lại, lâu ngày cao răng tích tụ quá nhiều sẽ hình thành nên vi khuẩn và bị vôi hóa, cứng lại bám chắc ở mép lợi hoặc bề mặt của răng.

Sự hình thành cao răng

Sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng. Nếu màng này không được làm sạch, các vi khuẩn sẽ kéo đến và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám hay là cao răng.

Có một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn, tức trong 1mg mảng bám (bằng kích thước đầu tăm) chứa tới một tỉ vi khuẩn.

Khi mảng bám còn mềm, có thể làm sạch khỏi bề mặt răng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Nhưng khi tồn tại lâu, mảng bám vôi hóa bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm sẽ trở nên cứng, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi, gọi là cao răng (vôi răng). Đến lúc này chỉ có bác sĩ mới có thể làm sạch bằng các dụng cụ chuyên dụng.

Cao răng là nơi trú ngụ lý tưởng của các loại vi khuẩn gây nên bệnh răng miệng.

Cao răng là nơi trú ngụ lý tưởng của các loại vi khuẩn gây nên bệnh răng miệng.

Cao răng gây hệ lụy gì?

Khi cao răng hình thành khiến răng xỉn màu, răng ố vàng, gây mùi khó chịu. Chính vì vậy, cao răng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng do các loại vi khuẩn kết hợp với các loại axit trong nước bọt tạo nên những phản ứng có hại cho sức khỏe răng miệng, gây ra mùi hôi khó chịu, nhất là lúc chúng ta vừa ăn xong.

Ngoài ra, các vi khuẩn này lên men đường trong thức ăn tạo acid và các hợp chất có tính acid làm hỏng men răng, dẫn đến sâu răng. Các loại vi khuẩn trong các mảng cao răng, ở kẽ răng có thể gây ra viêm nhiễm. Nếu để lâu, cao răng có thể phát triển dần về kích thước, lan dần xuống phía dưới chân răng, đẩy lợi tụt xuống, dần dần gây bệnh quanh chân răng và có thể làm rụng răng.

Vi khuẩn ở cao răng gây kích ứng nướu răng, tình trạng viêm nướu ở mức độ nhẹ có thể xảy ra với các triệu chứng như nướu sưng, đỏ, chảy máu nướu… Nếu không được theo dõi loại bỏ và vệ sinh đúng cách sẽ tiến triển thành bệnh lý răng miệng khác như: viêm nha chu, mô nha bị suy yếu, đẩy tụt lợi xuống, không thể giữ được răng, dẫn đến răng lung lay và hậu quả cuối cùng là rụng mất răng.

Cao răng còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ của những chiếc răng. Vì cao răng xốp nên nó sẽ dễ dàng bắt màu. Do đó nếu uống trà hoặc cà phê hay hút thuốc sẽ tạo điều kiện tốt và thuận lợi cho cao răng hình thành nhanh hơn.

Phòng tránh cao răng, giảm hôi miệng

Để phòng tránh cao răng, giảm hôi miệng cách tốt nhất là vệ sinh răng miệng đúng cách để giữ răng miệng luôn sạch sẽ, ngăn ngừa các mảng bám và giúp loại bỏ được các vi khuẩn răng miệng. Khi thực hiện vệ sinh răng miệng cần nhớ những điều sau:

Chải răng đúng cách 2 lần mỗi ngày.

Chọn kem đánh răng tốt, nên có chứa Flour để kiểm soát sự hình thành vôi răng.

Dùng bàn chải thích hợp, lông mềm, phù hợp với lứa tuổi để vệ sinh răng miệng.

Nên dùng các loại nước muối, nước súc miệng để làm sạch và tiêu diệt vi khuẩn.

Thường xuyên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại trong kẽ răng, tránh để việc tích tụ mảng bám và vi khuẩn xảy ra.

Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh, tránh ăn các loại thức ăn có chứa nhiều đường và bột, nên uống nhiều nước.

Không sử dụng thuốc lá, vì đây là nguyên nhân cao dễ gây nên tình trạng nặng hơn của các mảng bám chân răng.

Tóm lại: Cao răng có thể dẫn đến các bệnh như viêm lợi với các biểu hiện đánh răng chảy máu, miệng hôi. Cao răng cũng có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt răng khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng. Ngoài ra, cao răng còn gây ra viêm tủy ngược dòng.

Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch. Do vậy, ngoài việc chăm sóc răng miệng đúng cách cần phải khám răng định kỳ, thực hiện lấy cao răng định kỳ 4-6 tháng/ 1 lần để tránh hình thành cao răng quá lâu, gây khó khăn cho việc làm sạch răng.

BS. Phan Đình Tùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-cao-rang-gay-hoi-mieng-tac-hai-cua-cao-rang-169250514103055287.htm