Tại sao châu Phi chịu thất thoát doanh thu kim cương?

Châu Phi được thiên nhiên ban phú khoáng sản giàu có và đa dạng. Trong ngành công nghiệp kim cương, 'lục địa đen' dường như chưa làm bật được triển vọng của ngành.

Ở những vùng giàu kim cương của Châu Phi, doanh thu từ khai thác khoáng sản chưa thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người dân nơi đây, tuy nhiên, Botswana là ngoại lệ duy nhất.

Thay vì nâng cao tinh thần phát triển sự giàu có về khoáng sản, nhiều người dân đã bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của việc khai thác và lạm dụng triệt để.

 Viên kim cương hồng 170 cara, được mệnh danh là 'Hoa hồng Lulo' được khai thác ở Lunda Norte, Angola vào năm 2022. Ảnh: DW.

Viên kim cương hồng 170 cara, được mệnh danh là 'Hoa hồng Lulo' được khai thác ở Lunda Norte, Angola vào năm 2022. Ảnh: DW.

“Cây đa cây đề” buôn kim cương được hưởng lợi

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Chủ tịch Hội đồng Kim cương châu Phi M'Zee Fula Ngenge cho biết, chính sách quản lý và người dân chưa được sắp xếp ổn thỏa.

Chính điều trên đã mang lại lợi ích cho những tên tuổi lớn trong ngành buôn bán kim cương, cho phép họ sử dụng lao động để kiếm lợi nhuận.

Kịch bản này ở Congo cũng tương tự ở các quốc gia châu Phi khác có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, ông Ngenge nói, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia trong khu vực là "mục tiêu có chủ ý của ngành công nghiệp kim cương vì sự bất ổn chính trị và xã hội của họ".

Điểm chung của Congo, Angola, Mozambique và nhiều quốc gia giàu khoáng sản khác ở châu Phi là có hai thị trường để khai thác tài nguyên khoáng sản: có một ngành công nghiệp khai thác chính thức và khai thác phi chính thức (bí mật).

Để hiểu cách hoạt động của thị trường bí mật của sản xuất và buôn bán kim cương, DW đã đến thăm thị trấn khai thác kim cương Cafunfo ở tỉnh Lunda Norte của Angola, nằm gần biên giới với Congo.

Caiongo Adelino là một thợ mỏ khai thác kim cương “bí mật” trong suốt 10 năm. Người đàn ông 49 tuổi nói rằng, theo nguyên tắc chung, các nhóm thợ này được các nhà tài trợ trả tiền cho các chuyến đi sâu vào rừng để khai thác kim cương bất hợp pháp và sau đó, sẽ thu mua lại kim cương của họ.

Theo lời kể của ông Adelino: “Lần cuối cùng tôi bán một viên kim cương, có giá khoảng 1.250 USD. "Nhưng đây không phải giá trị thực”

Thị trường mua bán đá quý “bí mật” (đặc biệt là kim cương) phần lớn do người nước ngoài thống trị: người Senegal, người Trung Quốc, người Pháp, người Eritrea, người Guinea và người trung gian Congo,..

Thậm chí, một nhà tài trợ phân phát những mặt hàng thiết yếu cho các thợ khai thác “bí ẩn”, để họ sinh sống trong rừng, sau đó chi phí trên sẽ được khấu trừ khi họ quay lại bán kim cương.

Nở rộ nạn buôn lậu kim cương

Dữ liệu từ Hội đồng Kim cương châu Phi chỉ ra rằng trong trường hợp buôn lậu kim cương thô có nguồn gốc từ "lục địa đen", ước tính có khoảng 28% đến 32% doanh thu trên tổng sản lượng kim cương Châu Phi bị thất thoát.

Phần lớn sự thất thoát này đặc biệt liên quan đến kim cương thô và tự nhiên, không có giấy tờ hoặc không được chứng nhận được buôn lậu đến các trung tâm kim cương chính bên ngoài lục địa.

Trong một số trường hợp, kim cương vận chuyển trái phép bị tịch thu và trở thành tài sản của nhà nước của quốc gia đã tịch thu chúng.

Tráo đổi xuất xứ để “thao túng” ngành

Bên cạnh đó, DW cũng đã trích chia sẻ của một chuyên gia về địa chính trị kim cương, người này cho rằng: "Đôi khi kim cương bị đánh cắp từ các mỏ ở Angola và được vận chuyển đến một số nơi ở Conggo (DRC), sau đó xuất khẩu sang Dubai với các tài liệu nói rằng những viên kim cương này đến từ DRC, trong khi ban đầu chúng đến từ Angola," ông nói.

Bằng cách này, các khoản thuế hải quan và các khoản phí khác sẽ được tối giản, nguồn gốc của đá quý bị che giấu, tiêu chuẩn lao động bị phá vỡ và động lực của toàn bộ ngành được xây dựng trên nguyên tắc cung và cầu bị thao túng.

Mặc dù, vấn nạn này không xảy ra trên diện rộng như đã xảy ra từ năm 2000 đến 2015. Tuy nhiên, nạn buôn lậu xuyên biên giới rất khó kiểm soát.

Theo Hội đồng kim cương châu Phi, cách duy nhất để chống lại động thái trên là tích cực chống đói giảm nghèo ở các cộng đồng bị ảnh hưởng và đảm bảo rằng việc khai thác kim cương chỉ có thể đạt được bằng các biện pháp thông thường.

Rafael Marques de Morais, một nhà báo người Angola, đồng thời là tác giả của cuốn "Những viên kim cương máu", chỉ trích những cải cách trong thương mại kim cương ở quốc gia này và quốc tế.

Theo Marques de Morais, giao thức này chẳng khác gì việc “trang trí” nhằm làm giảm tác động của nạn buôn lậu và chuyển giao tài nguyên khoáng sản từ các nước nghèo, trong khi thực tế nó bảo vệ lợi ích của các quốc gia mua những viên đá quý.

Khánh Vy (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-chau-phi-chiu-that-thoat-doanh-thu-kim-cuong-post236255.html