Tại sao châu Phi là ứng viên sáng giá cho vị trí tân Tổng giám đốc WTO?
Các ứng cử viên thay thế ông Roberto de Azevedo là Tổng giám đốc tiếp theo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang bước vào cuộc đua thứ hai. Trong số 8 ứng cử viên, có 3 người đến từ châu Phi. Họ là cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala; cựu Ngoại trưởng Kenya Amina Mohamed, người trước đây cũng từng là Chủ tịch của Đại hội đồng WTO; và Abdel-Hamid Mamdouhm, một luật sư người Ai Cập cũng là một quan chức WTO trước đây.
WTO không hoạt động trên cơ sở nguyên tắc luân phiên khu vực. Nhưng có sự thừa nhận rằng tổ chức này chưa bao giờ được lãnh đạo bởi một người châu Phi kể từ khi được thành lập vào năm 1995. Châu Phi đại diện cho một khối quan trọng trong WTO, chiếm gần 27% thành viên và 35% thành viên từ các nước đang phát triển. Các Tổng giám đốc trước đây của WTO đã đến từ châu Âu, châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ.
Những thách thức mà WTO đang phải đối mặt là rất nhiều và phức tạp. Kể từ khi cuộc đàm phán thương mại Doha sụp đổ, hệ thống thương mại đa phương đã bị đình trệ và cần phải được hồi sinh. Bắt đầu vào năm 2001, Vòng đàm phán Doha đã không đáp ứng với lợi ích phát triển của các nước nghèo, hầu hết là các nước châu Phi. Tổ chức này cũng đã đối mặt với những chỉ trích từ chính quyền Tổng thống Trump với cáo buộc không bảo vệ lợi ích của Mỹ. Điều này đã trở nên trầm trọng hơn bởi các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Và hệ thống giải quyết tranh chấp WTO đã bị tê liệt do Mỹ từ chối phê chuẩn các thẩm phán mới cho cơ quan phúc thẩm.
Những lo ngại cũng đã được Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng về các quy định của WTO. Có một sự vận động hành lang mạnh mẽ để các quy tắc WTO được hiện đại hóa, có tính đến tác động của sự gia tăng các nước đang phát triển và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc. Đặc biệt, EU đã phản đối việc lạm dụng các quy tắc đối xử đặc biệt và khác biệt được thiết kế để dành cho các quốc gia nghèo các điều khoản thương mại thuận lợi hơn.
Hơn nữa, Washington, Brussels và Tokyo đã cùng nhau đưa ra các đề xuất nhằm giảm bớt sự hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Ngoài ra, WTO đang phải vật lộn với những biến động trong thương mại quốc tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo quan điểm của các nhà phân tích, trong số ba ứng cử viên châu Phi, ứng viên Okonjo-Iweala đang được đánh giá là phù hợp cho vị trí lãnh đạo WTO trong giai đoạn tiếp theo sau lịch sử 25 năm thành lập của tổ chức này, đây là giai đoạn khó khăn và thách thức nhất. WTO đóng vai trò xây dựng niềm tin quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và lợi ích của các nước nghèo sẽ được phục vụ tốt nhất trong một hệ thống thương mại đa phương mạnh mẽ hơn, đáp ứng các mối quan tâm phát triển của họ.
Bản chất của thể chế đòi hỏi một nhà lãnh đạo có sức mạnh chính trị quan trọng và là người có sự tôn trọng của tất cả các quốc gia thành viên, cả nước giàu và nước nghèo. Tổng giám đốc WTO và ban thư ký nắm quyền điều hành rất hạn chế. Họ có thể thông báo, quản lý và giám sát. Nhưng họ không thể quyết định. Việc ra quyết định trong WTO là dựa trên sự đồng thuận và bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể giành được thỏa thuận thương mại. Điều này không giống như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, nơi việc ra quyết định dựa trên tỷ lệ, vốn bị chi phối bởi các quốc gia công nghiệp hóa.
Ứng viên Okonjo-Iweala đang được các nhà phân tích đánh giá là có đủ điều kiện phù hợp để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo của tổ chức. Bà được đào tạo tại Harvard với kỹ năng và kinh nghiệm để xây dựng sự đồng thuận, mang lại sự tự tin của các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức đa phương. Từng là Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà đã dẫn đầu thành công cuộc đàm phán xóa nợ 18 tỷ USD cho nước này với các quốc gia chủ nợ. Sự nhạy bén chính trị và kỹ năng đàm phán sâu rộng của bà có thể góp phần khôi phục chương trình nghị sự thương mại đa phương. Điều này đã sụp đổ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump không mặn mà với chủ nghĩa đa phương. Có nguồn gốc từ một quốc gia đang phát triển trung lập, bà có thể là ứng cử viên phù hợp mà WTO cần thiết để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng chiến giữa Mỹ và Trung Quốc và chấm dứt xung đột thương mại.
Bà Okonjo-Iweala cũng là người có kinh nghiệm đáng tin cậy về cải cách kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Sau một thời gian dài làm giám đốc điều hành cấp cao tại Ngân hàng Thế giới, bà đã hai lần giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nigeria, từ năm 2003 - 2015. Okonjo-Iweala không có kinh nghiệm về WTO, nhưng biết và hiểu hoạt động của các tổ chức đa phương, được mài giũa qua nhiều năm với tư cách là một quan chức quốc tế. Bà là một chuyên gia tài chính, nhà kinh tế và nhà phát triển toàn cầu dày dạn kinh nghiệm với nhiều thập kỷ kinh nghiệm quốc tế. Chuyên môn tài chính toàn cầu của bà sẽ phục vụ tốt cho WTO trong mối quan hệ giữa thương mại và tài chính trong nền kinh tế thế giới, được nhấn mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Điều đó có thể mang lại một viễn cảnh tươi mới rất cần thiết cho tổ chức này.
WTO đang ở một ngã ba đường. Kể từ khi ra mắt chương trình nghị sự phát triển Doha, WTO đã bị khủng hoảng bởi một cuộc khủng hoảng khác. Điều này xảy ra vào thời điểm các động lực của thương mại thế giới đang trải qua các biến đổi địa chấn, xuất phát từ sự đi lên của các nước mới, đặc biệt là Trung Quốc, sự ra đời của các công nghệ và phương thức sản xuất mới, và thay đổi nhân khẩu học toàn cầu. Tổng hợp các yếu tố này là sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, điều đã khiến WTO bị đình trệ. Trong trường hợp không có kiến trúc đa phương để điều hành thương mại, đã có sự gia tăng các chính sách kinh tế trả đũa lẫn nhau, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dòng chảy đầu tư và thương mại bị kìm hãm. Đây là những thời điểm nguy hiểm cho WTO và cần một nhà lãnh đạo đáng tin cậy và hiệu quả, có đủ điều kiện để lãnh đạo tổ chức tại thời điểm quan trọng lịch sử này, và ứng cử viên của châu Phi đang nổi lên là ứng viên sáng giá cho vai trò đó.