Tại sao Chiang Mai - 'bông hồng phương Bắc' của Thái Lan không còn tỏa hương?
Thành phố phát triển vượt tầm kiểm soát, ô nhiễm không khí ở mức báo động là lý do khiến 'bông hồng phương Bắc' của Thái Lan - Chiang Mai không còn là điểm đến được du khách ''săn lùng'' như trước đây.
Chiang Mai - thành phố 700 năm tuổi nép mình trong một thung lũng xanh ở miền Bắc Thái Lan từng là điểm thu hút du khách hàng đầu của Thái Lan. (Nguồn: TripSavvy)
Từ lâu, "bông hồng phương Bắc" Chiang Mai là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương. Chỉ tính riêng năm 2018, Chiang Mai đón hơn 10.000 khách du lịch nước ngoài, trong đó có 60.000 người về hưu từ nhiều quốc gia khác nhau.
Thành phố 700 năm tuổi ấy thu hút du khách bởi những tu viện Phật giáo linh thiêng, những ngôi nhà gỗ xinh đẹp, sự tinh tế của người dân địa phương và không gian yên tĩnh phù hợp cho một chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Song, thời gian gần đây, sự hấp dẫn vốn có của Chiang Mai dường như không còn như trước đối với khách du lịch…
Phát triển không được kiểm soát đúng mức
Tại Chiang Mai, vào giờ cao điểm, khách du lịch và người dân địa phương phải chịu cảnh giao thông ùn tắc. Trong khu vực đô thị đang phát triển, có tới 12 triệu người nhưng không hề có phương tiện giao thông công cộng. Lượng xe thuộc sở hữu tư nhân chiếm hơn 90%. Một nghiên cứu của Đại học Chiang Mai dự báo, đến năm 2026, lượng xe đó sẽ cao gấp đôi một thập kỷ trước, khoảng 2,6 triệu xe.
Khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông trong thành phố, sự phát triển phá vỡ những nét cổ kính của Chiang Mai, lai tạp không được quy kiểm soát giữa kiến trúc cũ và nét hiện đại được người dân địa phương tu sửa đã khiến du khách ‘‘ngán ngẩm’’.
Thị trưởng Chiang Mai Tassanai Buranupakorn cho rằng, chính quyền địa phương đã không giải quyết được vấn đề giao thông một cách kịp thời. Bên cạnh đó, họ cũng để mặc thành phố 700 năm tuổi phát triển một cách không kiểm soát.
"Trong quá khứ, Chiang Mai không quan tâm nhiều đến việc bảo tồn di tích lịch sử. Vì vậy, người dân mặc sức xây dựng, những ngôi nhà gỗ xinh đẹp, cổ kính đã xen lẫn cùng những khu đô thị trong khung cảnh của Chiang Mai’’, Thị trưởng Tassanai Buranupakorn nói.
Sự phát triển của Chiang Mai bắt đầu bùng nổ vào năm 1980, khi các nhà đầu tư ở Bangkok đổ xô đến đây để xây dựng chung cư, nhà cao tầng và khách sạn. Theo nhà khoa học chính trị Thái Lan Tanet Charoenmuang, Chiang Mai cũng giống như Bangkok, đang mắc phải ‘‘căn bệnh’’ phát triển nhanh và không thể kiểm soát.
Việc phát triển không kiểm soát dường như đã kéo theo sự ‘‘hủy diệt’’ văn hóa rõ rệt của Chiang Mai. Điển hình như ngọn núi Doi Suthep - biểu tượng thiêng liêng của người dân địa phương đã bị ‘‘lạm dụng’’ quá nhiều. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm hoạt động vì môi trường địa phương, vụ ‘‘tấn công’’ mới nhất đã san phẳng 23,5 ha từ chân núi Doi Suthep để xây dựng nhà gỗ, chung cư, công viên, nhà nghỉ cho thẩm phán và quan chức tòa án.
James Stent, một cựu nhân viên ngân hàng cho biết, việc cắt ngọn núi Doi Suthep để xây dựng những dự án giống như việc mất đi một viên ngọc của văn hóa Thái Lan, mất đi một kho lưu trữ độc đáo của lối sống Phật giáo Đông Nam Á.
Cảnh báo đỏ về ô nhiễm không khí
Vào một số ngày giữa tháng 2/2019 và đầu tháng 5/2019, Chiang Mai được xếp hạng thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Những ngày này, chỉ số chất lượng không khí của Chiang Mai ở mức dưới các điểm nóng ô nhiễm nhất trên thế giới như New Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Dhaka (Bangladesh).
Khách du lịch đeo khẩu trang vì ô nhiễm không khí ở Chiang Mai. (Nguồn: MNews World)
Thời điểm ô nhiễm kể trên ở Chiang Mai, du khách chỉ có thể nhìn thấy những đường viền mờ nhạt của ngọn núi phía sau thành phố, người dân địa phương và khách du lịch phải đeo khẩu trang, ‘‘xa lánh’’ hoàn toàn với quán cà phê ngoài trời...
Nguyên nhân chính của nỗi kinh hoàng về ô nhiễm không khí là tình trạng đốt rừng và đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Bất chấp lời cảnh báo và hình phạt nghiêm khắc, nông dân trên khắp miền Bắc Thái Lan vẫn đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để chuẩn bị cho vụ mùa mới và đốt rừng làm nương rẫy. Những đám khói mù dày đặc ở Chiang Mai nghiêm trọng hơn vào năm nay do tình trạng hạn hán và đốt đồng phi pháp diễn ra thường xuyên hơn.
Ô nhiễm không khí đã khiến lượng khách du lịch đến thành phố này giảm mạnh trong năm 2019. Các khách sạn báo cáo, tỷ lệ đặt phòng giảm tới 20% so với năm 2018. Một số công ty du lịch cũng phàn nàn về việc thiếu khách hàng.
Thậm chí, điểm đến đặc biệt phổ biến với khách du lịch như cổng thành cổ Thapae gần như không có khách du lịch tới thăm vào một số ngày. Một số người dân Thái Lan và du khách thập phương thay vì chọn Chiang Mai thì họ hướng đến các bãi biển hoặc điểm đến nước ngoài để tránh ô nhiễm không khí.
Chính quyền địa phương lo lắng rằng, việc công khai cuộc khủng hoảng ô nhiễm của Chiang Mai trong năm nay sẽ làm giảm lượng khách du lịch. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo một ước tính từ chủ nhà nghỉ Annette Brady, lượng khách đã giảm 30% cho lễ hội năm mới - mùa cao điểm du lịch hằng năm của Chiang Mai.