Tại sao chiến tranh ở Trung Đông không tạo cú sốc năng lượng nghiêm trọng như trước đây?
Một cuộc chiến khó lường ở Trung Đông từ lâu đã được xem là rủi ro địa chính trị lớn nhất đối với giá dầu.
Một loạt tên lửa được nhóm Hamas ở Palestine bắn từ thành phố Gaza về phía Israel, vào ngày 8/10/2023 (Ảnh: CNBC)
Các cuộc khủng hoảng trước đây ở Trung Đông đã thiết lập lại thị trường năng lượng, buộc các bên phải đưa ra những thay đổi sâu sắc về cơ chế, hoặc những thay đổi nhỏ hơn như giảm giới hạn tốc độ trên các đường cao tốc ở Mỹ. Các cuộc tấn công mới nhất của Hamas nhằm vào Israel đã gây ra cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong nhiều thập kỷ tại khu vực đó, nhưng tác động đến giá dầu cho đến nay vẫn tương đối nhẹ nhàng.
Giá dầu thô Brent đã tăng 4% trong hôm đầu tuần này, lên 88 USD/thùng, mức tăng đáng kể nhưng không giống như mức tăng đột biến trong quá khứ. Người Mỹ thậm chí có thể không thấy nhiều tác động khi đi đến trạm xăng.
Patrick De Haan, người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu tại GasBuddy cho biết, mặc dù giá xăng tương lai tăng 2,7% trong hôm đầu tuần, giá xăng bán lẻ ở Mỹ sẽ tiếp tục theo quỹ đạo giảm gần đây. Giá xăng trung bình ở mức 3,70 USD/gallon, giảm 11 xu trong tuần qua.
“Hiện tại, dầu trong ngắn hạn có thể duy trì ở mức xung quanh 80 USD, nhưng cho đến khi mức trung bình quốc gia giảm xuống 3,30 USD, chúng ta có rất ít rủi ro về bất kỳ động thái tăng giá xăng nào”, De Haan nhận định.
Tình hình trên thị trường năng lượng hiện tại khác biệt hoàn toàn so với 50 năm trước. Năm 1973, Chiến tranh Yom Kippur đã giúp khởi động lệnh cấm vận dầu mỏ của một số quốc gia Arab nhằm phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với cách phản ứng của Israel. Giá dầu tăng gần gấp 4 lần trong 3 tháng tiếp theo và duy trì ở mức cao ngay cả sau khi xung đột được giải quyết.
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Richard Nixon, đã đẩy mạnh những thay đổi về cách Mỹ sử dụng dầu, từ việc áp đặt giới hạn tốc độ đến việc xây dựng các kho dự trữ chiến lược cho nhiên liệu. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai vào năm 1979, do Iran bắt giữ nhiều người Mỹ làm con tin, đã gây ra một đợt tăng giá đột biến khác. Thời kỳ đó đã làm thay đổi thế giới. Trên cơ sở điều chỉnh lạm phát, giá dầu hiện tại vẫn ở mức tương tự như sau cuộc khủng hoảng thứ hai.
Giá dầu Brent, WTI đã tăng sau đòn tấn công của Hamas (Ảnh: CNBC)
Tác động khiêm tốn
Cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Palestine cũng gây sốc như các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và có thể sẽ dẫn đến tình trạng bạo lực leo thang. Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas nhằm vào các mục tiêu dân sự của Israel cuối tuần qua đã đẩy Israel vào một cuộc chiến mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo là có thể “thay đổi Trung Đông”.
Tuy nhiên, mức độ tác động lên giá dầu có lẽ sẽ khiêm tốn. Nếu xung đột chỉ giới hạn trong lãnh thổ Israel, những thay đổi về giá có thể không xuất hiện. Nhà phân tích Warren Patterson của ING viết: “Israel là một nước sản xuất dầu rất yếu, và vì vậy những diễn biến gần đây sẽ có ít tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu”.
Các nhà giao dịch dầu mỏ đã tỏ ra cảnh giác khi đặt cược vào việc giá tăng hoặc giảm do yếu tố địa chính trị trong 18 tháng qua, sau khi chiến sự ở Ukraine bùng phát, bởi những thay đổi thực tế về cung và cầu dầu nhỏ hơn so với một số nhà phân tích dự đoán. Nhà đầu tư “không nên kỳ vọng giá dầu tăng đột biến trong những ngày tới”, nhà quản lý quỹ phòng hộ Pierre Andurant nhận định.
Lịch sử cho thấy tầm ảnh hưởng có thể không sâu rộng.
“Xung đột liên quan đến Israel và các nước láng giềng Arab không có tác động lâu dài đến giá dầu trong thế kỷ này”, Marko Papic, chiến lược gia trưởng của Clocktower Group, viết. “Một lý do chính là các quốc gia Arab không còn thống nhất trong cách nhìn nhận về Israel. Người Palestine có rất ít đồng minh thực sự trong khu vực.
Arab Saudi tập trung vào phát triển kinh tế trong nước và tối đa hóa lợi ích lâu dài của mình. Ai Cập không ủng hộ Hamas. Syria bị tàn phá bởi nội chiến. Iran tiếp tục chống Israel hơn bao giờ hết, nhưng khó có thể mạo hiểm bị Israel và Mỹ trả đũa chỉ vì lợi ích của người Palestine”.
Thế giới đã thay đổi theo những cách khác kể từ sau những cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đó. Mỹ hiện là nhà sản xuất thống trị thế giới và về cơ bản có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu trong nước. Mỹ cũng có trữ lượng xăng dầu chiến lược, mặc dù thấp hơn đáng kể so với trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, nhưng vẫn đủ để ngăn chặn sự tăng giá đột biến nếu cần thiết.
“Kho dự trữ chiến lược vẫn cao hơn nhiều so với mức tối thiểu theo luật định và mức nhập khẩu ròng trong 90 ngày do IEA khuyến nghị”, Benjamin Hoff, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Socíeté Générale, nhận định.
Tầm ảnh hưởng tới thị trường năng lượng còn tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo của cuộc chiến (Ảnh: Telegraph)
Tầm ảnh hưởng tùy thuộc vào quy mô của cuộc xung đột
Những tính toán cho thị trường năng lượng vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào vai trò của Iran trong cuộc tấn công của Hamas. Theo Mỹ, Iran đã hỗ trợ cho cả Hamas và Hezbollah, mặc dù mức độ hỗ trợ trong cuộc tấn công mới nhất vẫn chưa rõ ràng.
Tờ Wall Street Journal đưa tin các quan chức Hamas và Hezbollah khẳng định Iran trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch cho vụ tấn công, một tuyên bố mà Iran đã phủ nhận. Các quan chức Bộ Ngoại giao Israel và Mỹ cho biết họ không có bằng chứng về sự liên quan trực tiếp của Iran. Nếu có thêm bằng chứng được công bố và khiến Israel trả đũa trực tiếp Iran, cuộc chiến có thể mở rộng và gây ra tác động lớn hơn - và khó định lượng hơn - đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Xuất khẩu dầu của Iran có thể bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định, bất kể nước này có tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến hay không. Iran hiện sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 3% thị trường toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, sản lượng và xuất khẩu dầu của Iran đã tăng trong năm nay, có thể do Mỹ dường như không thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với nước này một cách cứng rắn như trước.
Sản lượng của Iran đã tăng khoảng 600.000 thùng/ngày kể từ tháng 1 năm nay. Nhưng ngay cả khi Mỹ bắt đầu thực thi các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn và tất cả 600.000 thùng đó bị loại ra khỏi thị trường, điều đó cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung toàn cầu. Chỉ riêng Arab Saudi đã có công suất hơn 2 triệu thùng mỗi ngày chưa sử dụng mà nước này có thể đưa trở lại thị trường.
Vì lý do chính đáng, các nhà kinh doanh năng lượng đang theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Israel. Tuy nhiên, tác động tới thị trường dầu mỏ có thể không lớn.
“Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng một chương khác của cuộc xung đột Israel-Palestine phần lớn không có liên quan về mặt vĩ mô, như nó vẫn luôn như vậy”, ông Papic viết. “Nó có thể kết hợp với bối cảnh giá dầu vốn đã tăng, nhưng không đáng kể”./.