Tại sao Chủ tịch Fed liên tục cảnh báo quỹ đạo tài khóa Mỹ 'không bền vững'?

Trong suốt gần bảy năm giữ cương vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell luôn nhất quán trong một thông điệp: Chính sách tài khóa của nước Mỹ đang đi theo một quỹ đạo 'không bền vững'.

Chủ tịch Fed liên tục cảnh báo về quỹ đạo tài khóa của Mỹ

Chủ tịch Fed liên tục cảnh báo về quỹ đạo tài khóa của Mỹ

Mặc dù Fed không có vai trò hoạch định chính sách tài khóa, nhưng ông Powell đã nhiều lần lên tiếng về mức độ rủi ro từ thâm hụt ngân sách liên bang, cảnh báo rằng tình trạng này sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp báo của Fed vào tháng 9/2018, chỉ tám tháng sau khi nhậm chức, ông Powell nhấn mạnh: “Chúng tôi không chịu trách nhiệm về chính sách tài khóa. Tuy nhiên, về dài hạn, chính sách tài khóa sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế”.

“Chúng ta đã ở trong một quỹ đạo tài khóa không bền vững suốt thời gian dài, và không thể né tránh điều đó. Cuối cùng, chúng ta sẽ phải đối mặt với nó, không sớm thì muộn”, ông thẳng thắn chỉ ra.

Gần bảy năm sau, thông điệp của ông vẫn không thay đổi. Ngày 16/4 vừa qua, Powell nói: “Chúng ta đang vận hành nền kinh tế với mức thâm hụt rất lớn trong bối cảnh đạt toàn dụng việc làm. Đây là vấn đề mà chúng ta thực sự cần phải giải quyết”.

Chỉ một tuần sau, ngày 7/5, ông nhấn mạnh rằng nợ công của Mỹ đang “trên một lộ trình không bền vững”, và rằng “Quốc hội cần tìm ra cách đưa chúng ta quay lại quỹ đạo tài khóa lành mạnh”. Tuy vậy, ông cũng nói thêm: “Không phải nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra lời khuyên cho họ”.

Mối lo ngại về quỹ đạo tài khóa của Mỹ càng trở nên cấp bách sau khi Moody’s trở thành cơ quan xếp hạng tín nhiệm mới nhất hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ.

Trong báo cáo ngày thứ Sáu, Moody’s cảnh báo rằng nếu Quốc hội gia hạn các chính sách cắt giảm thuế năm 2017 của Tổng thống Trump, như mong muốn của Đảng Cộng hòa, thì điều này có thể khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm khoảng 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới. Theo đó, tỷ lệ nợ công trên GDP có thể tăng lên mức 134% vào năm 2035.

Moody’s viết: “Dù chúng tôi thừa nhận Mỹ có các thế mạnh kinh tế và tài chính đáng kể, nhưng tình trạng tài khóa hiện tại khiến các lợi thế đó không còn đủ để bù đắp cho sự suy giảm của các chỉ số tài khóa”.

Nhà Trắng và các đồng minh trong Quốc hội tỏ ra không quá lo ngại trước diễn biến này. Tối Chủ nhật, các nhà lập pháp thậm chí còn đạt được bước tiến trong dự luật tài khóa mà Moody’s đã đề cập trong báo cáo.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt, hôm thứ Hai khẳng định Tổng thống Trump không đồng tình với nhận định của Moody’s, cho rằng niềm tin của thế giới vào nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh mẽ. Bà nhấn mạnh chuyến công du Trung Đông gần đây của Tổng thống đã giúp thu hút hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư, và đây là xu hướng tiếp diễn kể từ khi ông nhậm chức.

Bà Leavitt cũng cho biết chỉ số giá sản xuất - một thước đo lạm phát ở khâu đầu - đã giảm trong tuần qua.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gọi quyết định của Moody’s là một “chỉ báo trễ”, cho rằng khối nợ hiện tại không phải được tích lũy trong 100 ngày vừa qua.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, ông Stephen Miran, hôm thứ Hai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thâm hụt ngân sách. “Tôi muốn khẳng định rằng thâm hụt ngân sách là mối quan tâm lớn đối với chính quyền này, và chúng tôi quyết tâm đưa nó xuống mức hợp lý, khắc phục những tổn hại đối với sức khỏe tài khóa của nước Mỹ”, ông nói.

Theo ông Miran, nếu dự luật thuế được thông qua, nó có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức 4,2 - 5,2% trong 4 năm tới, 2,9 - 3,5% về dài hạn, tạo ra khoảng 7 triệu việc làm mới và giúp tiền lương thực tế tăng thêm từ 6.000 đến 11.000 USD mỗi lao động. Ông dự báo rằng tăng trưởng kinh tế và việc làm sẽ góp phần tăng thu ngân sách, giúp giảm thâm hụt hơn 1 điểm phần trăm.

“Nếu chúng ta thành công trong việc nâng tốc độ tăng trưởng GDP lên 3%, điều này có thể giúp ngân sách liên bang thu về thêm khoảng 4.000 tỷ USD trong một chu kỳ ngân sách 10 năm, tương đương mức giảm hơn 1 điểm phần trăm thâm hụt”, ông Miran cho biết.

Ông Powell không đưa ra bình luận gì vào thứ Hai liên quan đến quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của Moody’s.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, cho biết: “Chúng tôi cần theo dõi diễn biến tiếp theo. Tôi cố gắng không nhắm tới một mức xếp hạng cụ thể nào cho chính phủ Mỹ, nhưng các yếu tố này chắc chắn sẽ có tác động đến giá cả trong tương lai, điều mà chúng tôi cần chú ý”.

Bên cạnh vấn đề tài khóa, ông Powell và Tổng thống Trump cũng có quan điểm trái chiều về một vấn đề thuộc quyền kiểm soát của Fed đó là lãi suất.

Giống như trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump tiếp tục công khai chỉ trích Powell và kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất, động thái ông vẫn thúc đẩy ngay cả trong cuối tuần qua, sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,25 - 4,50% trong cuộc họp đầu tháng này.

Giới đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 với hai đợt trong năm nay.

Nhiệm kỳ của ông Powell trên cương vị Chủ tịch Fed sẽ kết thúc vào tháng 5 năm sau, trong khi ông vẫn giữ ghế trong Hội đồng Thống đốc Fed đến tháng 1/2028.

Mặc dù nhiều lần khẳng định việc giảm nợ công không thuộc trách nhiệm của Fed, Chủ tịch Powell đã gợi ý rằng các nhà lập pháp nên tập trung vào cải cách các chương trình chi tiêu bắt buộc như Medicare, Medicaid, An sinh xã hội và đặc biệt là chi phí trả lãi nợ, thay vì chỉ cắt giảm chi tiêu tùy ý để giảm áp lực tài khóa.

“Khi mọi người tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu trong nước, họ thực sự chưa chạm tới vấn đề cốt lõi”, ông nói hôm 16/4.

Ngay từ bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Fed tại hội thảo Jackson Hole năm 2018, ông Powell đã cảnh báo rằng dân số già hóa đang thu hẹp cơ sở thu thuế và gia tăng gánh nặng cho các chương trình an sinh, điều khiến vấn đề nợ công càng trở nên cấp bách.

Khi được hỏi lại về phát biểu này vào tháng 9/2018, ông Powell thẳng thắn cho biết: “Đây không phải là bí mật gì cả. Trong một thời gian dài, với hệ thống y tế đắt đỏ và dân số già hóa, chúng ta đã ở trên một quỹ đạo tài khóa không bền vững, và không có cách nào né tránh điều đó”.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tai-sao-chu-tich-fed-lien-tuc-canh-bao-quy-dao-tai-khoa-my-khong-ben-vung-164484.html