Tại sao chữ viết gần với sự thật hơn lời nói
Trong thế giới học thuật, những tác phẩm đã xuất bản được đầu tư hơn, uy tín và chân thực hơn lời nói miệng. Còn lời nói đôi khi được thốt ra chỉ là sự ngẫu nhiên và cảm hứng.
Một bộ tộc ở miền tây Châu Phi không có hệ thống chữ viết, tuy nhiên, truyền thống truyền miệng của họ đã giúp hình thành nên các ý tưởng về luật dân sự ở nơi này. Khi xảy ra các tranh chấp, những người khiếu nại đến gặp thủ lĩnh của bộ lạc và bày tỏ sự bất bình. Không có luật thành văn nào làm chỉ dẫn, nhiệm vụ của người đứng đầu là phải rà soát lại kho tàng các câu tục ngữ và câu chuyện mình từng nghe, để tìm ra kiến thức phù hợp với hoàn cảnh và thỏa mãn được những người đang khiếu nại.
Khi điều đó được hoàn thành, tất cả các bên đều đồng ý rằng công lý đã được thực thi, sự thật đã được phơi bày. Bạn sẽ nhận ra rằng, đây chủ yếu là phương pháp được áp dụng ở những nền văn hóa truyền miệng. Nền văn hóa đó sử dụng lời nói, trí nhớ, những cách diễn đạt có tính công thức và các câu chuyện ngụ ngôn như các phương tiện để khám phá và trình bày sự thật.
Như Walter Ong đã chỉ ra, trong các nền văn hóa truyền miệng, những câu tục ngữ, châm ngôn không phải là các công cụ thỉnh thoảng mới được sử dụng, mà "chúng không bao giờ ngừng lại. Chúng hình thành nên bản chất của tư tưởng. Tư tưởng không thể tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào nếu không có chúng, vì tư tưởng tồn tại trong chúng".
Đối với những người như chúng ta, sự phụ thuộc vào các câu ca dao tục ngữ và châm ngôn thường chỉ xuất hiện khi ta giải quyết các khúc mắc liên quan tới trẻ em. "Mười cơ hội kiếm tiền chẳng bằng một đồng tiền nắm chắc trong tay", "trâu chậm uống nước đục", "dục tốc bất đạt"... đều là những cách nói mà chúng ta dùng để dạy dỗ trẻ em, nhưng lại thật kỳ cục nếu được xướng lên trong một phòng xử án chuyên quyết định các vấn đề "nghiêm trọng".
Giả sử, một nhân viên tòa án lên tiếng hỏi bồi thẩm đoàn rằng họ đã có quyết định cuối cùng hay chưa và nhận được câu trả lời thế này: "Đã là người thì ai chẳng phạm sai lầm, đánh kẻ chạy đi chứ sao lại đánh người chạy lại". Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhất, cách nói đó có thể gây ấn tượng, nhưng người ta sẽ không thể chấp nhận được nếu một hình thức ngôn ngữ "nghiêm túc" hơn không được đưa ra ngay lập tức.
Các thẩm phán, luật sư và bị cáo không cho rằng những câu tục ngữ và châm ngôn là cách phản ứng phù hợp để giải quyết các tranh chấp pháp lý. Về điều này, họ khác với người thủ lĩnh bộ lạc. Việc xử án hoạt động dựa trên các văn bản in ấn, nơi những cuốn sách luật, những tập hồ sơ và các tài liệu văn bản khác là công cụ để xác định phương pháp tìm ra sự thật, truyền thống truyền miệng đã mất đi tính cộng hưởng - nhưng không phải mất hoàn toàn. Người ta vẫn phải nói ra miệng lời khai, với giả định rằng lời nói thành tiếng, chứ không phải chữ viết, sẽ phản ánh trung thực tâm trí của nhân chứng.
Một nghịch lý tương tự cũng xảy ra trong các trường đại học. Tại đây, một số người vẫn có quan điểm rằng, lời nói là phương tiện truyền tải chân lý mang tính căn bản. Nhưng phần lớn việc giảng dạy tại trường đại học đang gắn chặt với cấu trúc và logic của văn bản. Để minh chứng cho điểm này, tôi xin đưa ra trải nghiệm của cá nhân mình, khi tôi chứng kiến một việc được tiến hành rộng rãi thời Trung Cổ - bảo vệ luận án tiến sĩ bằng cách hùng biện. Tôi sử dụng từ "Trung Cổ " theo nghĩa đen, vì ở thời Trung Cổ, các học trò luôn được kiểm tra miệng và truyền thống đó vẫn tiếp diễn với giả định rằng, một người muốn có học hành học vị thì phải có khả năng lên tiếng bảo vệ cho tác phẩm của mình một cách thành thục. Nhưng tất nhiên, tác phẩm dưới dạng văn bản vẫn luôn là thứ quan trọng nhất.
Trong trường hợp tôi đang nghĩ đến, một thí sinh đã được đưa vào luận án của mình một ghi chú, nhằm mục đích ghi nguồn tài liệu cho một trích dẫn, với nội dung như sau: "Điều này được nói với người thực hiện nghiên cứu tại khách sạn Roosevelt vào ngày 18/1/1981, trước sự chứng kiến của Arthur Lingeman và Jerrold Gross". Sự dẫn nguồn này thu hút sự chú ý của ít nhất 4 trong số 5 giám khảo, tất cả họ đều nhận xét rằng, một thứ như vậy khó có thể coi là một dạng tài liệu và cần được thay thế bằng trích dẫn từ một cuốn sách hoặc bài báo.
Có lẽ bởi thí sinh biết không có tuyên bố bằng văn bản nào được đưa ra về những gì anh ta đã nghe tại khách sạn Roosevelt, anh ta bào chữa cho bản thân một cách mạnh mẽ với lý do là anh có những nhân chứng đảm bảo, rằng họ sẵn sàng chứng thực tính chính xác của trích dẫn này. Trên đà hùng biện, thí sinh này đã dẫn ra hơn 300 tài liệu tham khảo đến các công trình đã được xuất bản và rất khó có khả năng bất kỳ công trình nào trong số đó lại được các giám khảo kiểm tra độ chính xác. Anh ta đặt ra câu hỏi rằng: "Tại sao các ngài lại mặc định rằng, một trích dẫn được lấy ra từ văn bản là chính xác trong khi một trích dẫn có tham chiếu là lời nói thì không?".
Lời phản hồi của anh ta nhận được đại ý như sau: Bạn đã nhầm lẫn khi tin rằng, hình thức mà một ý tưởng được truyền đạt không liên quan đến tính đúng đắn của nó. Trong thế giới học thuật, những tác phẩm đã xuất bản được đầu tư hơn, uy tín và chân thực hơn lời nói miệng. Những gì mọi người nói thường được thốt ra một cách ngẫu nhiên hơn là những gì họ viết. Những dòng chữ viết ra đã được chính tác giả chiêm nghiệm kỹ càng và trau chuốt, cũng như được các cơ quan chức năng và các biên tập viên xem xét. Văn bản có độ khách quan cao hơn. Đó cũng là lí do trong luận án, bạn tự gọi mình là người thực hiện nghiên cứu chứ không phải tên của bản thân. Bởi vì bản chất của chữ viết là hướng đến thế giới, không phải hướng đến một cá nhân cụ thể. Đó là nguyên nhân vì sao chữ viết gần với sự thật hơn lời nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-chu-viet-gan-voi-su-that-hon-loi-noi-post1416362.html