Tại sao chúng ta bị xóa sạch ký ức về thời điểm còn là trẻ sơ sinh?
Nhiều người trong chúng ta có thể nhớ rõ những kỷ niệm về thời thơ ấu, tuy nhiên hầu hết sẽ không thể nhớ được đoạn ký ức khi vừa lọt lòng mẹ và 2 năm đầu đời làm quen với thế giới bên ngoài.
Hầu hết chúng ta khi trưởng thành sẽ không thể nhớ được những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời mình, từ lúc chào đời cho đến khi 2-3 tuổi. Đây là hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là "chứng mất trí nhớ thời thơ ấu."
Mặc dù bạn có thể nhớ lại và mô tả chi tiết bữa tiệc sinh nhật tuổi lên 2 của mình trong nhiều tháng sau khi nó diễn ra, nhưng chỉ 1 năm sau, những ký ức đó sẽ mờ dần và cuối cùng biến mất hoàn toàn.
Vậy tại sao chúng ta lại có xu hướng quên đi những ký ức rất sớm này? Câu trả lời là không phải vì chúng ta không lưu giữ được thông tin khi còn nhỏ mà do ở độ tuổi đó, bộ não của chúng ta chưa hoạt động theo cách kết hợp thông tin vào các mô hình thần kinh phức tạp được gọi là ký ức.
Trẻ nhỏ có thể nhớ những sự kiện nhất thời, chẳng hạn như cha mẹ chúng là ai, hoặc biết nói cảm ơn khi được cho kẹo. Đây được gọi là "trí nhớ ngữ nghĩa."
Tuy nhiên, trước giai đoạn từ 2-4 tuổi, trẻ chưa có "trí nhớ phân đoạn" - trí nhớ về các chi tiết của một sự kiện cụ thể. Những ký ức như vậy được lưu trữ ở vỏ não.
Ví dụ, trí nhớ về âm thanh được xử lý ở vỏ não thính giác nằm ở hai bên não, trong khi trí nhớ thị giác được xử lý bởi vỏ não thị giác ở phía sau não. Một vùng não được gọi là hồi hải mã sẽ kết nối các loại trí nhớ khác nhau này thành một nguồn thông tin tập trung.
Patricia Bauer, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Emory giải thích: “Hồi hải mã, nằm rất gọn gàng ở giữa não của bạn, có nhiệm vụ liên kết tất cả các loại trí nhớ ngữ nghĩa và trí nhớ phân đoạn lại với nhau và từ đó hình thành nên những ký ức lâu dài.”
Nora Newcombe, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Temple ở Philadelphia cho hay chúng ta không nhớ được những ký ức thủa sơ sinh là bởi cho đến khi 2-4 tuổi, vùng hải mã mới bắt đầu liên kết các mảnh ký ức lại với nhau.
Theo quan điểm của Giáo sự Newcombe, trước 2 tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu làm quen với cách vận hành của thế giới và thu thập kiến thức ngữ nghĩa, lúc này trí nhớ phân đoạn quá phức tạp có thể gây xao lãng nên không cần thiết.
Tuy nhiên, một giả thuyết khác cho rằng chúng ta thực sự lưu giữ được những ký ức ban đầu này khi còn nhỏ nhưng khó nhớ lại chúng khi trưởng thành.
Một nghiên cứu năm 2023, được công bố trên Tạp chí Science Advances, cho thấy rằng những ký ức thời thơ ấu “bị lãng quên” có thể được phục hồi ở chuột trưởng thành bằng cách kích thích các đường dẫn thần kinh bằng ánh sáng.
Các nhà khoa học đã tạo ra những con chuột mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của chuột cái trong thời kỳ mang thai, do trước đây bệnh tự kỷ được cho là có liên quan đến việc hệ thống miễn dịch của người mẹ hoạt động quá mức khi mang thai.
Việc kích hoạt miễn dịch này đã giúp ngăn ngừa sự mất trí nhớ ban đầu ở chuột con bằng cách tác động đến kích thước và độ dẻo của các tế bào trí nhớ chuyên biệt trong não của chúng.
Khi những tế bào này được kích thích về mặt quang học ở chuột trưởng thành không mắc chứng tự kỷ, những ký ức bị lãng quên có thể được phục hồi.
Đồng tác giả nghiên cứu, Phó Giáo sư Tomás Ryan, cho biết mặc dù nghiên cứu này được thực hiện trên chuột và chưa được nghiên cứu ở người, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao khả năng hiểu biết về trí nhớ và sự lãng quên trong quá trình phát triển của trẻ, cũng như tính linh hoạt nhận thức tổng thể trong việc nghiên cứu bệnh tự kỷ”./.