Tại sao chúng ta luôn bận rộn?
Văn hóa bận rộn và siêu năng suất đã phát triển đến việc có vẻ ngớ ngẩn khi đặt ra câu hỏi rằng liệu tốc độ có phải là cơ sở lý luận tối hậu của sự đổi mới hay không, nhưng đó lại là điều chúng ta cần tự hỏi mình, thay vì hoàn toàn đổ lỗi thụ động cho công nghệ.
Cảm giác nhanh hơn chi phối xã hội
Vì lý do gia đình và cũng để tránh dịch COVID-19, trong một năm qua tôi đã chuyển hẳn cuộc sống từ thành thị về một xã giáp biên giới ở miền Tây, và cảm thấy một sự thay đổi lớn về ý niệm thời gian.
Ví dụ như chuyện làm nước mắm cá cơm. Nói chung là không quá phức tạp, nhưng nó sẽ kéo dài trong suốt một năm. Người dân ở đây bắt cá cơm vào mùa nước nổi, sau đó trộn với muối hột theo tỉ lệ 2:1 (ví dụ 10 ký cá sẽ tốn khoảng 5 lít muối hột), đậy nắp lu ủ 5-6 tháng rồi mở nắp lu ra phơi nắng 1-2 ngày rồi đậy lại ủ tiếp nửa năm nữa. Ủ càng lâu thì mắm sẽ càng ngon.
Vào ngày nấu mắm, họ nấu nguyên một, có khi hai ngày. Cứ một chốc lại vớt xác cá ra, để còn nước mắm. Thành phẩm đạt được là rất ngon, nhưng thú thực là nếu không nhìn thấy quá trình phức tạp đó, vị giác của tôi cũng không dám chắc liệu có phân biệt được đâu là nước mắm ủ thủ công phức tạp, và đâu là nước mắm công nghiệp có thể ra chợ mua đem về chấm.
Nhưng quan trọng nhất, như đã nói, quá trình thủ công chậm rãi này làm tôi thay đổi về ý niệm về thời gian. Nấu nước mắm, cũng như nhiều công việc khác ở nơi thôn dã này, đều diễn ra với "khẩu quyết" là chẳng có gì phải vội vàng. Cuộc sống đô thị dạy tôi điều khác hẳn: luôn luôn phải vội vàng, tiết kiệm thời gian và cố gắng tăng năng suất bất kỳ lúc nào có thể.
Đấy là một suy nghĩ đã là lối sống thời thượng. Chúng ta luôn nói rằng cuộc sống trong thế kỷ 21 đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Thời gian thì khan hiếm, nhịp sống tăng cao, và mọi người đều phàn nàn về sự bận rộn. Những giao dịch tốc độ cao có thể lên đến hàng triệu trong một mili giây, và các cuộc hẹn hò chớp nhoáng với thời gian trung bình kéo dài khoảng 5 phút.
Chúng ta cũng được nghe rằng đổi mới công nghệ là năng động, đột phá, và sẽ thay đổi mọi thứ. Các sản phẩm kỹ thuật số tuyên bố rằng chúng sẽ tiết kiệm thời gian hơn bao giờ hết và giải phóng chúng ta khỏi những công việc thiết yếu của cuộc sống. Các ứng dụng quản lý thời gian sinh sôi. Vòng đeo tay tự ghi lại nhật ký cơ thể, từ nhịp tim, giấc ngủ đến biến động tâm trạng, cho phép chúng ta tự theo dõi mình tốt hơn. Một số chuyên gia công nghệ thông tin ở California thậm chí còn dùng thức ăn ở dạng lỏng, để tiết kiệm thời gian nấu nướng lẫn thưởng thức món ăn lâu la.
Thế giới đang vận hành với ý niệm rằng thời gian cần phải được dựng thành trì bảo vệ. Nó phải luôn được tiết kiệm. Các trợ lý ảo như Siri hay Cortana trên điện thoại sẽ gửi tin nhắn, lên lịch các cuộc họp và gọi điện cho bạn khi đang lái xe hoặc thậm chí là tập thể dục.
Nhưng nếu công nghệ kỹ thuật số tiết kiệm thời gian thật, thì nghịch lý là tại sao nhiều người trong chúng ta vẫn luôn cảm thấy vội vã và phiền não vì bận rộn? Những người mơ mộng nghĩ về xã hội hậu công nghiệp như một thế giới nhàn hạ. Nhưng mọi sự đang diễn ra hoàn toàn ngược lại: chúng ta giống như các nhân vật trong truyện “Alice ở xứ sở thần tiên” càng chạy nhanh hơn thì càng đứng yên. Công nghệ, trong một số trường hợp, bị lên án mạnh mẽ như thủ phạm làm chúng ta rối loạn. Khi xã hội thông tin càng bùng nổ thì sức chú ý lại trở thành một tài nguyên khan hiếm.
Một giải pháp là cai nghiện kỹ thuật số. Tiểu thuyết gia Jonathan Franzen tin rằng không thể viết văn nghiêm túc nếu máy tính còn kết nối internet, đã lấy keo dính phun đầy cổng modem wifi để có thể tập trung viết. Evgeny Morozov, một nhà văn có ảnh hưởng tới giới công nghệ, tiết lộ rằng ông thậm chí phải ném điện thoại vào trong két sắt và khóa lại để suy nghĩ, đọc và làm việc.
Nhưng giải độc kỹ thuật số kiểu này chỉ là một giải pháp tạm thời cho một vấn đề có thể lớn hơn nhiều. Các yêu cầu thiết kế của những thiết bị kỹ thuật số xuất phát từ chính cuộc sống của chúng ta. Chúng thường sắp xếp lại các chi tiết, nhưng hiếm khi thay đổi cách chúng ta sống.
Vì thế, liệu chúng ta có đúng khi đổ lỗi cho cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thúc đẩy nhịp sống và làm thời gian trôi nhanh hơn? Không. Mọi người vẫn có 24 giờ trong một ngày, bảy ngày trong một tuần và 12 tháng một năm. Công nghệ có thể là trung gian trong mối quan hệ của chúng ta với thời gian, nhưng kinh nghiệm sống không bị xáo tung lên chỉ vì một cái smartphone. Khi tôi ngồi với người cha đã già của mình và cùng lúc sử dụng điện thoại thông minh, tôi đồng thời có cảm giác thời gian trôi chậm (khi tương tác với người thân) và nhanh (khi nhìn vào điện thoại để giải quyết công việc).
Công nghệ kỹ thuật số đặc biệt hữu dụng khi pha trộn 2 loại cảm giác này, bởi nó cho phép mọi người trải nghiệm rất đa dạng với thời gian, khác nhau không chỉ từ thời điểm này sang thời điểm tiếp theo, mà thậm chí trong cùng một thời điểm. Tức là nó chỉ cung cấp thêm lựa chọn, không phải tác nhân chính khiến chúng ta rối trí và stress. Chúng ta vẫn là chủ thể chứ chưa bị công nghệ biến thành khách thể.
Vì sao? Thông thường, việc sử dụng công nghệ là không thể đoán trước, không có kế hoạch. Các nhà đổi mới công nghệ, dù có tầm nhìn xa đến đâu, thường kém sáng tạo trong việc tưởng tượng ra cách người dùng sẽ tích hợp công nghệ vào cuộc sống hàng ngày như thế nào. Ví dụ, các nhà thiết kế điện thoại di động đã không thể hình dung nổi rằng nhắn tin là ứng dụng chính của smartphone. Chính những thanh thiếu niên Nhật Bản đầu tiên thích nhắn tin hơn là gọi điện đã mở đầu sự thay đổi đáng kể trong cách thức mọi người sử dụng điện thoại di động.
Và thời gian của chúng ta không hoàn toàn bị nhấn nhịp điên cuồng bởi công nghệ, thậm chí là ngược lại. Ví dụ như một trong những thay đổi lớn nhất trong cách mọi người dành dụm thời gian là cho gia đình, đặc biệt là thời gian cho con cái: trong hầu hết lịch sử, trẻ con không hẳn là một đối tượng được đối xử đặc biệt về tình cảm hay nuông chiều. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, "thời gian chất lượng" dành cho con cái đã trở nên điều các bậc cha mẹ rất quan tâm. Theo tất cả các số liệu thống kê, thời gian của bố mẹ dành cho con cái ngày càng tăng chứ không hề giảm như chúng ta vẫn huyễn tưởng về ảnh hưởng của công nghệ.
Một nghiên cứu của nhà xã hội học Oriel Sullivan tại Đại học Oxford cho thấy rằng vào năm 1975, các ông bố người Anh chỉ dành trung bình 3-8 phút mỗi ngày để chăm sóc con cái, mẹ là 8-12 phút. Đến năm 2000, con số này lên đến 32-36 phút ứng với các ông bố và 51-86 phút với các bà mẹ. Công nghệ đã trợ giúp đáng kể cho các bậc cha mẹ sắp xếp và điều phối một khoảng thời gian chậm rãi và chất lượng cho con cái của họ.
Điện thoại thông minh vừa tăng tốc cảm thức với thời gian, nhưng đồng thời cũng làm chúng chậm lại. Với hoạt động phổ biến là nhắn tin, chụp ảnh và truy cập các dịch vụ trực tuyến, nó hầu như không được sử dụng như điện thoại. Smartphone vốn bắt đầu như một công cụ dành cho giới doanh nhân, đã trở thành một thứ thiết yếu giúp đồng bộ hóa các hoạt động gia đình và xã hội trong một xã hội đang rất thiếu đồng bộ.
Một xã hội không đồng bộ là một xã hội mà mọi người tiếp tục làm nhiều việc giống nhau, chẳng hạn như làm việc và đọc tin tức, nhưng không làm chúng cùng lúc với những người khác. Trong quá khứ, khi tivi là lựa chọn duy nhất, chúng ta luôn xem tin tức chủ yếu vào 7 giờ tối, qua chương trình thời sự. Giờ thì con đường thời gian lẫn không gian của các cá nhân đã thay đổi, đa dạng và lan tỏa hơn.
Xã hội cần phải đi trước
Nhưng thực tế thì chúng ta cảm thấy việc bị thúc bách phải trả lời email nhanh chóng không đến từ tốc độ truyền dữ liệu, mà do các định mức của xã hội công nghiệp đã xây dựng quãng thời gian phản hồi thích hợp. Đó là lý do tại sao các công ty Đức như Volkswagen, Daimler AG và Deutsche Telekom nghiêm cấm gửi email vào cuối tuần và thậm chí tự động xóa các email gửi trong ngày lễ, kèm theo một trả lời tự động rằng hãy liên lạc lại khi nhân viên trở lại văn phòng.
Những chính sách kiểu đó chứng tỏ rằng chúng ta không chỉ là nạn nhân thụ động của một logic cố hữu. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các lựa chọn về cách thức tương tác với máy móc, vốn chỉ là các công cụ.
Văn hóa bận rộn và siêu năng suất đã phát triển đến việc có vẻ ngớ ngẩn khi đặt ra câu hỏi rằng liệu tốc độ có phải là cơ sở lý luận tối hậu của sự đổi mới hay không, nhưng đó lại là điều chúng ta cần tự hỏi mình, thay vì hoàn toàn đổ lỗi thụ động cho công nghệ. Nếu công nghệ sẽ đóng góp vào một tương lai tốt đẹp hơn, mọi người phải nghĩ về thế giới mà họ muốn sống. Nói đơn giản, chúng ta cần nghĩ đến những vấn đề xã hội trước rồi mới tính đến các giải pháp công nghệ, thay vì phát minh ra công nghệ và cố gắng tìm những vấn đề chúng có thể giải quyết.
Nếu ngày nay chúng ta cảm thấy bị thúc ép về thời gian, thì đó không hẳn là do công nghệ, mà do các ưu tiên và thông số chúng ta tự đặt ra. Thời đại kỹ thuật số rốt cục cũng cần được hiểu là sản phẩm của phương thức con người sử dụng, tương tác và thực sự tham gia vào xây dựng công nghệ.
Trên hết, chúng ta phải đặt những câu hỏi lớn hơn về loại xã hội mà chúng ta muốn. Không, tôi không hề hoài niệm về một quá khứ ít số hóa hơn khi nói về trải nghiệm ở nơi thôn dã. Tôi thích thú với việc nấu nước mắm chậm rãi hơn, dù vẫn làm việc qua máy tính, đọc tin trên điện thoại và giải quyết công việc hầu hết nhờ công nghệ. Nhưng thông qua việc cảm nhận thời gian ở một nơi không cho rằng văn hóa bận rộn là đương nhiên và không cần phải thay đổi, tôi và bạn đều có thể tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình, về cách mà chúng ta thực sự muốn sống.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tai-sao-chung-ta-luon-ban-ron-628961/