Tại sao con một nông dân được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản?
Xuất thân là con nhà nông dân và trở thành Thủ tướng ở tuổi 71, Suga Yoshihide đã làm được điều mà nhiều người coi là phi thường ở một nền chính trị coi trọng dòng tộc của Nhật Bản.
Suga Yoshihide có quan hệ rất thân thiết với "sếp" của mình, cựu Thủ tướng Abe Shinzo, nhưng hai người lại có gốc gác và phong cách hoàn toàn khác nhau.
Cựu Thủ tướng Abe sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống chính trị, có cha từng là ngoại trưởng (Shintaro Abe). Nhiều thành viên trong đại gia đình ông là chính trị gia lão luyện giữ các chức vụ cao trong chính phủ. Với nền tảng này, sự nghiệp của Abe phát triển rất nhanh và thuận lợi.
Tân Thủ tướng Suga Yoshihide là con trai cả trong một gia đình trồng dâu ở làng Akinomiya, nay thuộc thành phố Yuzawa, tỉnh Akita - vùng đất của núi và tuyết trắng. Bắt đầu từ con số 0 và không có được sự hậu thuẫn chính trị từ gia đình, ông đã vươn lên đỉnh cao sự nghiệp nhờ ý chí và nghị lực kiên cường.
Khát khao đổi đời, làm nhiều công việc vất vả khi còn trẻ để trang trải cuộc sống và theo học luật tại Đại học Hosei ở Tokyo, ông sớm nhận ra chính trị là thứ định hình và tác động đến toàn thế giới. Do vậy, sau thời gian làm công việc văn phòng và tăng ca để có thêm thu nhập, ông quyết định chọn con đường chính trị bằng cách ứng cử vào hội đồng thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa.
Vì thiếu kinh nghiệm chính trị và uy tín cá nhân, Suga nỗ lực bù đắp bằng tinh thần dũng cảm và làm việc hăng say. Các thành viên của đảng LDP cầm quyền thường kể cho nhau câu chuyện chàng trai trẻ Suga đã đến từng nhà, bao gồm 300 nhà mỗi ngày, vận động tổng cộng 30.000 người bỏ phiếu cho mình. Trong quá trình đó, ông đã đi rách 6 đôi giày. Và nỗ lực phi thường ấy được đền đáp: Suga thắng cử và phục vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Sau đó, Suga tiếp tục vươn lên và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong chính phủ. Những trải nghiệm thời tuổi trẻ nghèo khó đã giúp ông trở thành một nhà thương thảo lão luyện và thực tiễn ở hậu trường.
Tháng 12/2012, khi Abe Shinzo trở thành Thủ tướng lần 2, Suga được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nội các. Trong nhiệm kỳ này, ông Abe tiến hành cải cách Nội các 3 lần nhưng Suga vẫn ở nguyên vị trí, trở thành Chánh văn phòng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Đảng LDP (gần 8 năm, đến tháng 9/2020).
Suga là người phát ngôn hàng đầu và là cánh tay phải của Thủ tướng Abe, cố vấn về các chính sách quan trọng, góp phần hiện thực hóa nhiều chủ trương và thay đổi bộ máy hành chính có phần cứng nhắc của Nhật Bản.
Đặc biệt, mỗi khi chính quyền đứng trước những giờ phút khó khăn thì Suga luôn bình tĩnh đối diện với công luận.
Theo báo Japan Times, trong thời gian làm Chánh văn phòng Nội các, Suga đã tiến hành hàng nghìn cuộc họp báo bày tỏ những quan điểm, lập trường và quyết sách của chính phủ.
Tháng 5/2019, Suga có chuyến công du Mỹ, gặp gỡ và hội đàm với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của nước chủ nhà, trong đó có Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm được nhiều chuyên gia đánh giá là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Bước đột phá lớn của Suga đến vào năm 2019 khi ông công bố thời khắc đổi tên Niên hiệu của Nhật Bản từ Bình Thành (Heisei) sang Lệnh Hòa (Reiwa). Hiện nay, nhiều người dân Nhật Bản vẫn thường gọi ông với cái tên trìu mến là "Bác Lệnh Hòa".
Trong quá trình phụng sự đất nước, Suga Yoshihide là một chính khách không vướng tham nhũng, cũng không dính dáng những vụ việc tranh cãi hoặc gây mất uy tín. Ông đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Ở quê nhà Yuzawa, Yoshihide Suga được xem là niềm tự hào. Hình ảnh và tên của ông được in trên nhiều sản phẩm, chẳng hạn như áo phông, được bày bán tại nhiều khu chợ.
"Con đường sự nghiệp và xuất thân của Suga là niềm cảm hứng cho nhiều người. Ông ấy là một người tự lập", Brad Glosserman, chuyên gia về kinh tế chính trị tại Nhật Bản, nhận xét.
Daniel M. Smith, phó giáo sư tại Đại học Harvard, đánh giá về tân Thủ tướng Nhật: "Ông ấy đại diện cho sự tiếp tục duy trì ổn định trong quản lý của chính quyền Abe, đồng thời thể hiện sự trái ngược hoàn toàn so với Abe, ở chỗ ông ấy không xuất thân từ dòng dõi "quý tộc" - đặc quyền điển hình của rất nhiều chính trị gia LDP".