Tại sao cuộc khủng hoảng của Ấn Độ là một vấn đề nghiêm trọng với thế giới?
Thảm họa đang xảy ra ở Ấn Độ dường như là trường hợp tồi tệ nhất mà nhiều người lo ngại về đại dịch Covid-19: không thể tìm đủ giường bệnh, thiếu bộ kit xét nghiệm, thuốc men hoặc oxy, và đất nước gần 1,4 tỷ dân đang chìm trong hàng loạt dịch bệnh.
Ấn Độ đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19 - Ảnh: GI
Bài liên quan
Biến thể COVID-19 từ Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?
Dịch COVID-19 tàn phá ở Ấn Độ, gia tăng nhanh tại Thái Lan, Campuchia, Lào
EU và Anh gửi viện trợ gấp thuốc và thiết bị y tế cho Ấn Độ
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ tăng 89% trong tuần qua
Hiện đang có hai lập trường khác biệt về vấn đề vắc xin. Các quốc gia giàu có đang muốn tích trữ vắc xin cho riêng mình, trong khi WHO thì mong muốn việc phân phối bình đẳng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, cả hai lập trường này đều đang bị chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ. Hiện nước này cần gấp 1.4 tỷ vắc xin để chống chọi với đại dịch đang bùng phát, khiến các nước nhận ra rằng đôi khi phải ưu tiên tập trung chữa trị cho một khu vực nếu không muốn cuộc khủng hoảng lan ra toàn cầu.
Với nguồn cung vắc xin toàn cầu khó có thể tăng cho đến cuối năm nay, việc triển khai Covax - một sáng kiến toàn cầu nhằm phân bổ công bằng vắc xin COVID - đôi khi sẽ phải tạm dừng một thời gian để "chữa cháy" tập trung hơn, nơi cần đưa ra các quyết định khó khăn và đôi khi không được ưa chuộng.
Điều đó sẽ đòi hỏi các quốc gia phải vượt ra khỏi phạm vi cuộc khủng hoảng trong nước để thấy rằng đại dịch vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu không có sự can thiệp quốc tế. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rằng việc tái mở cửa trở lại một cách không kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các chủng biến thể mới nguy hiểm và kéo dài đại dịch.
Quá khứ đã chỉ ra những gì có thể được thực hiện, bao gồm sáng kiến của cựu Tổng thống Mỹ George W Bush để chống đại dịch AIDS ở châu Phi theo kế hoạch Khẩn cấp cứu trợ AIDS, hay như việc ứng phó toàn cầu năm 2014 đối với đại dịch Ebola ở Tây Phi, vốn được coi là ưu tiên quốc tế.
Sai lầm chí mạng của chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, là việc tuyên bố đại dịch đã "bước vào giai đoạn cuối cùng" trong tháng 3, ngay khi đất nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Sai lầm này không khác nhiều so với sai lầm của các nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người nghĩ rằng virus Corona sẽ biến mất một cách đơn giản, hay sự chủ quan của thủ tướng Anh, Boris Johnson.
Điều khác biệt với các quốc gia phương Tây nằm ở chỗ Ấn Độ là một quốc gia có hệ thống y tế khá yếu và nghèo nàn, kèm theo đó là một công tác giám sát gần như không có, và khả năng gây hại của đại dịch trong và ngoài nước ở mức cao chưa từng có tiền lệ kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019 tới nay.
Nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh của Ấn Độ, vốn phải cung cấp vắc xin theo chương trình Covax cho các quốc gia nghèo hơn, chủ yếu ở châu Phi. Tuy nhiên, những lô vắc xin này hiện đã được chuyển hướng cho nhu cầu của Ấn Độ, quốc gia này đã phải vật lộn để có được nguyên liệu sản xuất vắc xin từ Mỹ.
Do hậu quả của cuộc khủng hoảng, trong tháng này, Ấn Độ chỉ xuất xưởng 1,2 triệu liều ra nước ngoài so với 64 triệu trong ba tháng trước đó.
Một bãi hỏa táng tập thể ở Ấn Độ. Ảnh: CNN
Trung Quốc, nước đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình ngoại giao vắc xin của riêng mình, đã nhanh chóng thế vào khoảng trống đó. Ông Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng: “Trung Quốc sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết” cho Ấn Độ, mặc dù ông không nêu chi tiết thông tin cụ thể.
Chính phủ Anh sẽ vận chuyển 495 máy tạo oxy, có thể lấy oxy từ không khí khi hệ thống bệnh viện hoạt động hết công suất, 120 máy thở không xâm lấn và 20 máy thở thủ công tới New Delhi, đồng thời Đức cũng có thể gửi một máy tạo oxy và các viện trợ khác.
Nhưng những gì Ấn Độ cần ngay lập tức là nguồn cung cấp cho các nhà máy sản xuất vắc xin của họ, hiện đang bị Mỹ hạn chế xuất khẩu, và các công cụ khoa học như giải trình tự gen, để xác định và kiểm soát các biến thể hiện có và mới nổi.
Một dấu hiệu đáng hy vọng là Mỹ đã hứa sẽ “triển khai nhanh chóng” viện trợ cho các nhân viên y tế ở Ấn Độ, nơi đã 4 ngày liên tiếp phá kỷ lục về số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn thế giới.
Mỹ cho biết họ đang trong các cuộc đàm phán cấp cao để triển khai trợ giúp thêm cho các nhân viên y tế Ấn Độ và họ rất quan tâm đến tình hình ở đó.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết vào Chủ nhật (25/4) rằng một số biện pháp đang được xem xét, bao gồm gửi nguồn cung cấp oxy, xét nghiệm, điều trị bằng thuốc và thiết bị bảo vệ cá nhân.
“Tóm lại, đó là một tình huống tồi tệ đang diễn ra ở Ấn Độ và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp khác, và chúng tôi có thể làm được nhiều hơn thế", ông nói.