Tại sao doanh nghiệp bỏ hơn 11 tỷ USD mỗi tháng mua hàng từ Trung Quốc?
Nửa đầu năm 2024, mỗi tháng, doanh nghiệp nhập khẩu hơn 11 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc, trong đó chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Vượt qua những khó khăn bủa vây trong suốt thời gian dịch bệnh, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã khởi sắc trở lại khi chính thức vượt con số 95 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, gần tiến sát đến mốc 100 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc tiếp tục khẳng định là thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Đáng chú ý, nửa đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD, tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường tỷ dân đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng dành nguồn ngoại tệ lớn để mua hàng từ thị trường này. Kim ngạch nhập khẩu nửa đầu năm từ Trung Quốc ước đạt 67 tỷ USD, tăng 34,7%. Như vậy mỗi tháng, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến hơn 11,6 tỷ USD. Nửa đầu năm, nước ta nhập siêu từ Trung Quốc đạt 39,2 tỷ USD, tăng 67,9%, tương ứng tăng 14,7 tỷ USD.
Con số nhập khẩu tăng cao khiến mức nhập siêu của nửa đầu năm nay gần bằng mức nhập siêu của cả năm ngoái (nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2023 đạt 49,4 tỷ USD, giảm 18,4% so với năm 2022).
Tuy nhiên, xét về cơ cấu ngành hàng, những nhóm hàng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong thời gian qua đều là hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Đơn cử, năm 2023, sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,4 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 22,5 tỷ USD, vải đạt 8,3 tỷ USD, điện thoại và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD, sắt thép 5,7 tỷ USD, sản phẩm từ chất dẻo 4 tỷ USD, sản phẩm từ sắt thép đạt 3,4 tỷ USD, sản phẩm hóa chất 3,4 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 3,1 tỷ USD, hóa chất 2,9 tỷ USD, dây điện và dây cáp điện (đạt 1,5 tỷ USD, tăng 1,7%); xơ, sợi dệt (đạt 1,3 tỷ USD, giảm 11,9%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,4%).
Nửa đầu năm nay, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là các nhóm hàng tương tự. Như vậy có thể thấy, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Nửa đầu năm nay, theo Bộ Công Thương, đơn hàng xuất khẩu của nước ta với nhiều ngành hàng đang phục hồi mạnh mẽ. Điển hình như xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ, nhập khẩu điện thoại và linh kiện khoảng 5,9 tỷ USD, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện ước 2,8 tỷ USD, hàng rau quả hơn 2,3 tỷ USD, tăng 33%... Kết quả này có một phần lớn từ nguồn nguyên phụ liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đang có với nhau nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này khiến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có giá cạnh tranh với các nguồn hàng từ các thị trường khác. Cộng với lợi thế từ vị trí địa lý thuận lợi, đây là cơ hội để hàng hóa từ Trung Quốc có cơ hội nhập khẩu vào thị trường Việt Nam với kim ngạch ngày càng cao.
Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Đây là cơ hội tốt để hàng hóa Việt thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường tiềm năng bậc nhất thế giới này. Cũng là cơ hội để gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường tỷ dân để có thể hưởng lợi từ cơ chế nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong nội khối CPTPP.
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, hoạt động thương mại hàng hóa của nước ta với thị trường tỷ dân tiếp tục cải thiện, nhờ nhu cầu hàng hóa cuối năm gia tăng. Tốc độ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào sẽ duy trì đà tăng mạnh hơn so với xuất khẩu để phục vụ đơn hàng xuất khẩu đi nhiều thị trường đã ký.