Trang tin quân sự Augen geradeaus của Đức cho biết, quân đội nước này chuẩn bị đưa máy bay không người lái (UAV) RQ-4E và đài điều khiển mặt đất vào bảo tàng lịch sử quân sự ở sân bay Berlin-Gatow, bắt đầu trưng bày từ năm 2022. Quyết định được đưa ra sau khi thỏa thuận bán chiếc RQ-4E cho Canada sụp đổ.
Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận toàn bộ phụ tùng, thiết bị kỹ thuật và kiểm tra mặt đất, cùng nhiều công cụ đặc biệt của chiếc UAV này sẽ được Đức chuyển cho Cơ quan Mua sắm và Hậu cần NATO.
Chúng sẽ được dùng để bảo đảm hoạt động cho phi đội 5 trinh sát cơ RQ-4D, nhưng không rõ giá trị thỏa thuận giữa Đức và NATO.
Chương trình UAV RQ-4E được Berlin khởi động cuối những năm 2000 nhằm thay thế phi đội máy bay trinh sát điện tử Dassault-Breguet Atlantique đã già cỗi của không quân hải quân.
Quân đội Đức đặt mua mẫu UAV được phát triển từ dòng RQ-4B Block 20 và dự kiến trang bị hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT) do Airbus sản xuất. Nó được gọi là Euro Hawk, đặt theo tên Global Hawk của dòng RQ-4, xuất xưởng ngày 8/10/2009 và bay thử chuyến đầu ngày 29/6/2010.
Chiếc RQ-4E trải qua nhiều tháng bay thử tại Mỹ, trước khi đáp xuống căn cứ Manching tại Đức ngày 21/7/2011 để lắp hệ thống SIGINT. Không quân Đức tiến hành bay thử và đào tạo phi công đến hết nửa đầu năm 2012.
Tuy nhiên, toàn bộ dự án RQ-4E bị coi là thảm họa khi liên tục chậm tiến độ, đội chi phí và không đáp ứng các yêu cầu cấp phép bay tại châu Âu.
Hàng loạt vấn đề với hệ thống kiểm soát bay được phát hiện trong giai đoạn thử nghiệm, quá trình cấp phép tại Đức cũng bị đình trệ do nhà sản xuất Northrop Grumman không chia sẻ dữ liệu kỹ thuật với giới chức Đức.
Truyền thông Đức năm 2013 cho biết chiếc Euro Hawk không được cấp giấy phép bay theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vì không có hệ thống cảnh báo va chạm trên không, khiến nó không được hoạt động trên không phận châu Âu hoặc các nước thành viên ICAO.
Chi phí cấp phép có thể khiến Đức mất thêm 780 triệu USD, trong khi quy định pháp lý của ICAO và Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) khiến chiếc RQ-4E không thể cất cánh khỏi căn cứ để huấn luyện hoặc làm nhiệm vụ tác chiến.
Chính phủ Đức thông báo đình chỉ toàn bộ dự án RQ-4E ngày 15/5/2013 với lý do trở ngại trong cấp phép bay sau khi đã đầu tư 793,5 triệu USD. Máy bay RQ-4E bị tháo bỏ toàn bộ hệ thống tác chiến và được niêm cất ở căn cứ Manching, trong khi Đức tìm cách đàm phán bán nó lại cho Canada.
Tuy nhiên, thương vụ tiềm năng với Canada sau đó cũng bị hủy bỏ, dường như do chiếc RQ-4E thiếu những hệ thống quan trọng, khiến nó không thể trở lại hoạt động.
Với thất bại của dự án Euro Hawk và yêu cầu liên tục thay đổi về nền tảng SIGINT, quân đội Đức đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp thay thế.
RQ-4 Global Hawk là máy bay do thám không người lái hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Chúng có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao.
Ngoài ra nó cũng có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất.
RQ-4 Global Hawk là sản phẩm của hãng Northrop Grumman, ra đời vào giữa thập niên 1990.
So với máy bay U-2, máy bay do thám RQ-4 Global Hawk không cần người điều khiển trực tiếp, nó có thể lửng lơ trên bầu trời của đối phương hàng ngày liền trước khi phải trở về căn cứ để tiếp nhiên liệu.
Với trần bay trên 18km, có lúc trên 20km nên việc đánh chặn loại máy bay này hết sức khó khăn.
RQ-4 ứng dụng nhiều công nghệ kỹ thuật tiên tiến, nên cho đến nay vẫn là máy bay do thám hàng đầu thế giới.
Máy bay có chiều dài 14,5m, sải cánh 39,9 và chiều cao 4,4m. Máy bay có khối lượng rỗng 6.781kg, khối lượng cất cánh tối đa lên tới 14.628kg.
Máy bay được trang bị một động cơ phản lực F-137-RR100 cho khả năng hoạt động liên tục 28h trên không. Máy bay có thể bay với vận tốc tối đa 650km/h, vận tốc hành trình 557km/h.
RQ-4 được trang bị hệ thống điện tử hiện đại có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao.
Từ nền tảng của RQ-4 Mỹ đã phát triển thành các phiên bản RQ-4A, RQ-4B, RQ-4E, MQ-4C, EQ-4B với những nâng cấp khác nhau.
Việt Hùng