Tại sao ECOWAS ngần ngại can thiệp quân sự vào Niger?
Hạn chót can thiệp quân sự vào Niger của các khối Tây Phi đã hết vào Chủ nhật, song khối ECOWAS vẫn chưa hành động. Bên cạnh khả năng tổn thất nghiêm trọng về tính mạng, còn có những lý do liên quan đến chính trị, chiến lược và pháp lý liên quan đến việc can thiệp.
Sau khi được nhất trí bầu làm chủ tịch Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vào tháng 7, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu tuyên bố tổ chức này phải thúc đẩy dân chủ tại khu vực được ví như "vành đai đảo chính" này. “Chúng ta không được là những con chó bulgie không răng”, ông Tinubu tuyên bố.
Chưa có sự thống nhất
Trong vòng chưa đầy một tháng sau, ông Tinubu đã đối mặt với bài "test" lớn đầu tiên của mình. Sau cuộc đảo chính ở Niger vào ngày 26 tháng 7, ECOWAS đã đưa ra tối hậu thư cho chính quyền cầm quyền phải trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum và thiết lập lại trật tự nếu không sẽ phải đối mặt với sự can thiệp quân sự toàn diện.
Và khi thời hạn đến và đi vào tối Chủ nhật, chính quyền quân sự đã đóng cửa không phận của Niger, cho thấy rằng họ đang coi trọng các mối đe dọa của các nước láng giềng.
Bờ Biển Nga và Senegal đã tán thành kế hoạch can thiệp vào Niger do Nigeria dẫn đầu, nhưng sự ủng hộ chính trị giữa các thành viên ECOWAS không đồng nhất. Benin chẳng hạn, đã nói rằng họ sẽ không gửi quân đội.
Theo Ezenwa Olumba, một chuyên gia về Tây Phi tại Đại học Hoàng gia Holloway của Vương quốc Anh, vấn đề còn phức tạp hơn khi các chính quyền quân sự ở Burkina Faso, Mali và Guinea còn đang tích cực phản đối kế hoạch của ECOWAS. Những nước này còn tuyên bố rằng bất kỳ sự can thiệp nào của ECOWAS là một "lời tuyên chiến" và báo hiệu rằng họ sẽ ủng hộ Niger.
“Tính toán sai lầm của ông Tinubu”
Chuyên gia Olumba nói rằng đây có thể là một tính toán sai lầm lớn của ông Tinubu. “Tinubu đã vội vã đưa ra tối hậu thư cho các nhà lãnh đạo quân sự ở Niger mà không nói chuyện với Mali, Guinea và Burkina Faso… ông ấy không biết họ sẽ ủng hộ Niger. Về cơ bản, Nigeria khi đó sẽ có chiến tranh với Mali, Burkina Faso, Niger và Guinea”, Olumba nhận định.
Một số nước trong khu vực nhưng không thuộc ECOWAS là Algeria và Chad cũng lên án mạnh mẽ ý tưởng của Nigeria, cho rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune nói với truyền hình nhà nước rằng đó sẽ là "mối đe dọa trực tiếp" đối với đất nước của ông, vốn có chung đường biên giới dài 1.000 km với Niger.
Ngay cả ở Nigeria, cường quốc quân sự của ECOWAS và là động lực đằng sau khả năng can thiệp vào Niger, cũng có những tiếng nói bất đồng. Vào tối thứ Sáu, liên minh đối lập lớn nhất đã lên tiếng phản đối và nói một hành động quân sự là "không chỉ vô nghĩa mà còn vô trách nhiệm".
Các chính trị gia Nigeria cũng nhắc nhở về cuộc xung đột đang diễn ra ở chính nước này, giữa quân đội với các nhóm phiến quân và khủng bố, qua đó đặt ra nghi ngờ về việc liệu nước này có đủ khả năng để giải quyết bất ổn ở Niger về mặt quân sự hay không.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đối với các đồng minh của Niger là Mali và Burkina Faso. Dominique Trinquand, cựu trưởng phái đoàn quân sự của Pháp tại LHQ cho biết: "Mali và Burkina Faso có nhiều việc phải làm với các phần tử thánh chiến ở quốc gia của họ, họ sẽ không có đủ lực lượng để hy sinh cho một cuộc xung đột ở Niger...”.
Những rảo cản pháp lý
Trong trường hợp Tổng thống Tinubu cố gắng tập hợp ý chí chính trị cần thiết để can thiệp vào Niger, thì họ cũng khó có thể nhận được sự chấp thuận từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vốn đang chia rẽ bởi cuộc chiến ở Ukraine, cũng như nhiều tranh chấp địa chính trị và kinh tế khác. Điều đó có nghĩa, khối Tây Phi có rất ít hy vọng đạt được sự ủy quyền hợp pháp để đưa quân vào Niger.
ECOWAS đã công bố vào thứ Hai rằng họ sẽ triệu tập lại vào thứ Năm để vạch ra các bước tiếp theo. Có nghĩa rằng cho đến lúc này, bản thân Nigeria dường như vẫn đang đắn do cho một giải pháp phi quân sự.
Tiến sĩ Vines, Giám đốc Chương trình châu Phi Chatham House cho biết: “Mục tiêu chính là hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác giúp khôi phục quy tắc hiến pháp ở Niger và do đó không cần can thiệp quân sự. Tôi nghĩ chúng ta không nên mong đợi một hành động can thiệp quân sự ngay lập tức” .
Hoàng Anh (theo AFP, France24, AP)