Tại sao giải pháp hai nhà nước chưa thành hiện thực?
Xung đột Israel-Palestine từ lâu đã trở thành tâm điểm trong quan hệ quốc tế, với giải pháp hai nhà nước được nhiều người coi là chìa khóa để đạt được hòa bình lâu dài. Cuộc chiến tranh Gaza gần đây một lần nữa thu hút sự chú ý đến đề xuất này, bất chấp nhiều năm trì trệ trong quá trình đàm phán.
Vào những năm 1990, Hiệp định Oslo đã tạo ra hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận nhằm trao lại lãnh thổ riêng cho người Israel và người Palestine. Nhưng giờ đây các chính trị gia Israel đã công khai bác bỏ nó, cho thấy giải pháp hai nhà nước càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Nguồn gốc của giải pháp hai nhà nước
Theo Reuters, nguồn gốc của giải pháp hai nhà nước có thể bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Palestine do Anh cai trị vào giữa thế kỷ XX. Lúc đó, căng thẳng nảy sinh giữa người Do Thái di cư và người Ảrập đang sinh sống trên mảnh đất này. Vào ngày 29.11.1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết thực hiện kế hoạch phân chia vùng đất Palestine thành một nhà nước của người Ảrập và một nhà nước của người Do Thái, trong khi thành phố thánh Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế. Trong khi các nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận kế hoạch với việc họ được trao 56% đất đai thì Liên đoàn Ảrập đã bác bỏ.
Một ngày sau khi nhà nước Israel được thành lập vào ngày 14.5.1948, xung đột khu vực đã bùng nổ khi 8 quốc gia Ảrập liên thủ tấn công Israel. Chiến tranh kết thúc với việc Israel kiểm soát 77% lãnh thổ. Nhiều người Palestine đã phải trốn chạy đến Jordan, Lebanon và Syria, cũng như ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Đến cuộc chiến năm 1967, Israel tiếp tục chiếm được Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem từ Jordan và Gaza từ Ai Cập, bảo đảm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ từ Địa Trung Hải đến thung lũng Jordan. Người Palestine vẫn không có quốc tịch, hầu hết sống dưới sự chiếm đóng của Israel hoặc tị nạn ở các nước láng giềng. Một số - hầu hết là hậu duệ của người Palestine vẫn ở lại Israel sau khi thành lập nước này - có quốc tịch Israel.
Nỗ lực và trở ngại
Giải pháp hai nhà nước trở nên nổi bật với Hiệp định Oslo năm 1993, do nhà lãnh đạo Yasser Arafat của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là ông Yitzhak Rabin ký kết. Các thỏa thuận này đặt nền móng cho việc thành lập Chính quyền Palestine (PA) và vạch ra con đường hướng tới nhà nước Palestine. Tuy nhiên, bạo lực và sự từ chối của cả hai bên, bao gồm cả vụ ám sát Thủ tướng Rabin và phong trào Intifada lần thứ hai, đã cản trở tiến trình.
Những nỗ lực tiếp theo, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh ở Trại David năm 2000, đã thất bại do bất đồng về các vấn đề then chốt, bao gồm tình trạng của Jerusalem, biên giới và số phận của người tị nạn Palestine. Lúc đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mời nhà lãnh đạo Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak đến Trại David với kỳ vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận. Số phận của Jerusalem, vốn được Israel coi là thủ đô "vĩnh cửu và không thể chia cắt", là trở ngại chính. Việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây càng làm phức tạp thêm triển vọng về một nhà nước Palestine có thể tồn tại.
Những thách thức hiện tại
Những trở ngại đối với giải pháp hai nhà nước ngày càng tăng theo thời gian. Các khu định cư của người Do Thái, hiện lên tới gần 700.000 người ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, tiếp tục mở rộng, làm xói mòn sự toàn vẹn lãnh thổ của một nhà nước Palestine trong tương lai. Việc Israel xây dựng hàng rào trong phong trào Intifada lần thứ hai bị người Palestine coi là hành vi chiếm đất.
Sự phức tạp về chính trị cũng đóng vai trò nào đó, trong đó Chính phủ Israel hiện tại, do Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo, là chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử và bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo. Sự phân mảnh trong giới lãnh đạo Palestine giữa Fatah và Hamas cũng làm tăng thêm một tầng phức tạp nữa, khi Hamas từ chối công nhận Israel.
Cuộc chiến tranh Gaza gần đây đã tăng cường sự tập trung vào tương lai trước mắt của khu vực. Israel đặt mục tiêu phi quân sự hóa Hamas và bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào khiến nhóm này nắm quyền. Trong khi đó, Hamas khẳng định sự tồn tại của mình và kêu gọi đàm phán đoàn kết với Fatah. Vai trò của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, trong việc kết nối lại việc quản lý giữa Gaza và Bờ Tây dưới sự quản lý của PA vẫn là một điểm gây tranh cãi.
Liệu có giải pháp thay thế?
Khi giải pháp hai nhà nước phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng, cuộc thảo luận về giải pháp một nhà nước đã thu hút được sự chú ý của một số người Palestine. Giải pháp thay thế này hình dung ra quyền bình đẳng trong một quốc gia duy nhất bao gồm Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào năm 1967. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều này là không thực tế, do thiếu sự ủng hộ từ các phe phái lớn của Palestine và khả năng bị Israel phản đối vì chắc chắn họ sẽ không chấp nhận một ý tưởng có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại của mình với tư cách là một nhà nước Do Thái.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, bất chấp những khó khăn, giải pháp hai nhà nước vẫn là lựa chọn khả thi duy nhất để giải quyết nguyện vọng của cả người Israel và người Palestine. Ông chỉ trích việc Chính phủ Israel liên tục bác bỏ giải pháp này, nhấn mạnh khả năng xảy ra xung đột kéo dài và mối đe dọa của nó đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.
Nói chung, xung đột Israel-Palestine tiếp tục là vấn đề phức tạp và có cội rễ sâu xa, trong đó giải pháp hai nhà nước phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Và đến nay cộng đồng quốc tế, bao gồm cả LHQ, vẫn tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước như con đường thiết thực nhất hướng tới đạt được hòa bình lâu dài và công bằng trong khu vực. Tương lai vẫn chưa chắc chắn và những nỗ lực nhằm khôi phục các cuộc đàm phán có ý nghĩa sẽ đòi hỏi phải xem xét cẩn thận những bất đồng trong lịch sử, sự phức tạp về chính trị và nguyện vọng của cả hai bên.