Tại sao giới ngoại giao Mỹ bất ngờ hủy loạt chuyến công du trong 8 ngày cuối của chính quyền Tổng thống Trump?
Bộ Ngoại giao Mỹ gây bất ngờ khi thông báo hủy bỏ mọi chuyến công du trong thời gian còn lại chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tờ SCMP đăng tải, hôm thứ Ba (12/1), Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hủy bỏ tất cả các chuyến công du dự kiến diễn ra trong 8 ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Danh sách bao gồm cả chuyến thăm tới Đài Loan của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft. Giải thích cho sự thay đổi bất ngờ này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đây là động thái cần thiết nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển giao quyền lực với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng bày tỏ thái độ phản đối trước chuyến đi của bà Kelly Craft tới Đài Bắc. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng đang đối mặt với nhiều lời lên án từ Washington và châu Âu về vai trò của đương kim Tổng thống và các đồng minh trong cuộc bạo loạn tuần trước tại tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, sẽ có cuộc gặp gỡ với các đồng cấp tại Luxembourg và EU. Tuy nhiên, Reuters đưa tin, các nhà ngoại giao châu Âu dường như không quá chào đón ông Pompeo sau vụ tấn công tại Washington D.C. Chuyến công du của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ bị hủy bỏ chỉ chưa đầy một ngày sau khi công bố.
"Chúng tôi cam kết hoàn tất một tiến trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và trật tự trong vòng 8 ngày tới", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói trong một thông cáo. "Chúng tôi sẽ hủy bỏ mọi chuyến công du đã lên kế hoạch trong tuần này, bao gồm cả chuyến công du của Ngoại trưởng tới châu Âu".
Chuyến thăm của Đại sứ Craft tới Đài Loan ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 13-15/1. Một ngày sau khi chuyến thăm được công bố (7/1), Bộ ngoại giao Mỹ cho hay, ông Pompeo đã gặp mặt người được đề cử làm tân Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, để "chuẩn bị cho một quá trình chuyển giao trật tự".
Bộ phận Trung Quốc thuộc phát thanh Tiếng nói Hoa Kỳ cũng cập nhật trên Twitter rằng, người đứng đầu Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington là Bi-khim Hsiao đã xác nhận, chuyến công du của bà Craft bị hủy bỏ.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần trong lãnh thổ của mình và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để khẳng định điều đó. Đề cập tới chuyến thăm của bà Craft, Bắc Kinh so sánh đó là một hành động "đùa với lửa".
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa có bình luận về việc liệu quyết định hoãn chuyến công du của bà Craft có phải do những đe dọa từ Bắc Kinh hay không.
Trong khi mối quan hệ Mỹ-Trung không ngừng xói mòn, chính quyền Trump đã có những động thái đẩy mạnh quan hệ với Đài Bắc như ký kết nhiều hợp đồng bán vũ khí và gửi quan chức cấp nội các – Bộ trưởng Y tế và các Dịch vụ Con người Alex Azar tới hòn đảo. Ông Azar cũng là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan kể từ khi Washington ngừng quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc vào năm 1979.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố, chính phủ Mỹ sẽ gỡ bỏ các hạn chế nội bộ liên quan tới tương tác giữa quan chức Mỹ với các đồng cấp Đài Loan.
Theo bà Bi-khim Hsiao, sự thay đổi trên là "một cột mốc lớn trong quan hệ song phương". Hôm thứ Hai (11/1), Đại sứ Mỹ tại Hà Lan Pete Hoekstra thông báo đã tiếp đại diện của Đài Loan ở ngay tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Lan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, khi mà thời gian tại vị của chính quyền Trump chỉ còn hơn một tuần nữa và đặc biệt sau vụ bạo loạn của những người ủng hộ ông Trump, chính quyền đương nhiệm sẽ gặp nhiều khó khăn trong các nỗ lực gây ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới.
"Tôi đoán ông Pompeo tức giận vì bị nhiều nhà lãnh đạo châu Âu từ chối gặp mặt, do đó ông ấy hủy bỏ tất cả các chuyến công du của Bộ Ngoại giao trong những ngày cuối của chính quyền", giám đốc Dự án Quyền lực Trung Hoa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Bonnie Glaser đánh giá.
"Tôi không nghĩ quyết định này đặc biệt là vì chuyến đi của bà Kraft tới Đài Loan", ông Galser, cũng là tác giả của báo cáo "Hướng tới một mối quan hệ Mỹ - Đài vững mạnh hơn" bổ sung.
Còn học giả của Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford là Oriana Skylar Mastro chỉ ra, các vấn đề nội bộ có liên quan tới việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới, đặc biệt sau vụ tấn công tuần trước vào Tòa nhà Quốc hội.
"Ấn tượng chung của tôi là mọi người không muốn để tương lai của mình dính dáng với chính quyền hiện tại", bà Mastro nói. Cũng theo bà, có thể sẽ rất khỏ để tiến hành các chuyến công du trong tình trạng "thiếu nhân viên và các quan chức cấp cao lại liên tục từ chức".
"Tôi ước gì họ nhận ra điều này từ bốn năm trước, nhưng giờ chúng ta đã không còn thay đổi được gì", nữ học giả về quan hệ quốc tế chia sẻ.