Tại sao giới phân tích kỳ vọng VN-Index năm 2025 vượt 1.400 điểm?

Hầu hết các công ty chứng khoán đều kỳ vọng cao cho VN-Inex năm tới, dù đánh giá những yếu tố bên ngoài vẫn còn nhiều biến động khó lường. Trong đó, điểm tựa lớn nhất là mức định giá thấp của thị trường hiện tại, động lực tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và đặc biệt là những câu chuyện mới như nâng hạng thị trường, hệ thống giao dịch mới.

Thị trường có thể vượt đỉnh cũ 1.500, thậm chí tiến tới 1.600 điểm. Ảnh tư liệu

Thị trường có thể vượt đỉnh cũ 1.500, thậm chí tiến tới 1.600 điểm. Ảnh tư liệu

1.400 điểm - điểm chung dự báo thị trường

Trong tuần đầu của năm mới, hầu hết các công ty chứng khoán đã đưa ra những dự báo về diễn biến thị trường. Trong đó, mức nền chung VN-Index dự báo cho năm tới ở quanh vùng 1.400 điểm, một số kịch bản tích cực còn cho rằng, thị trường có thể vượt đỉnh cũ 1.500, thậm chí tiến tới 1.600 điểm.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) là một trong những đơn vị đưa ra góc nhìn tích cực nhất. Nhóm phân tích VCBS cho rằng, nếu định giá tương đương mặt bằng bình quân khu vực, VN-Index có thể đạt 1.555 điểm với P/E đạt 14,6x và EPS thị trường tăng 12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Với Công ty Chứng khoán Shinhan, các chuyên gia từ công ty này tin rằng, thị trường chứng khoán sẽ được thúc đẩy bởi sức mạnh nội tại của nền kinh tế, với ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết đạt 20% trong năm 2025.

"Điều này giúp VN-Index đứng vững ở ngưỡng 1.200 – 1.285 điểm trong kịch bản tiêu cực nhất và tiến đến vùng đỉnh cũ 1.500 điểm trong kịch bản cơ sở" - báo cáo chiến lược năm 2025 cho biết.

Cũng với luận điểm từ nền tảng vĩ mô, Chứng khoán Tiên Phong (ORS) dự báo VN-Index có thể dao động quanh mục tiêu 1.470 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15.x (tương đương với mức P/E trung bình của 10 năm gần nhất). Trong kịch bản tích cực, nhóm phân tích ORS cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2025 có thể vượt đỉnh lịch sử, đạt khoảng 1.537 điểm.

Một số công ty chứng khoán khác, như VPBankS, ABS cũng đặt mức nền trên 1.400 điểm là dự báo cho thị trường năm tới.

Luận điểm nào cho dự báo tích cực ?

Liệu dự báo các công ty chứng khoán cho năm 2025 có đang tích cực quá hay không? Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, Top 10 công ty chứng khoán đều nhìn nhận dưới góc nhìn rất tích cực. Nếu tính bình quân, VN-Index được kỳ vọng đạt từ 1.420 đến 1.450 điểm vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, trong dự báo của một số công ty cũng có mức dao động rất lớn.

Theo chuyên gia từ VPBankS, sang năm 2025, nhiễu động sẽ tiếp tục kéo dài từ năm 2024. Thời điểm tích cực sẽ kéo dài về nửa cuối năm, không phải giai đoạn hiện tại.

Trong đó, yếu tố cần chú ý là việc ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý I và quý II. Tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Fed hạ lãi suất ít hơn so với kỳ vọng (hai lần).

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư nước ngoài có thể không bán mạnh như năm 2024, nhưng lực bán vẫn là một trong những yếu tố kìm hãm đà tăng của VN-Index trong năm nay. Trong nửa đầu 2025, biến động của VN-Index mà VPBankS dự báo sẽ xoay quanh khoảng 1.200 - 1.300 điểm.

Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, thị trường có thể tạo ra vùng trũng. Tháng 5 cũng thường là giai đoạn nhà đầu tư trong nước và quốc tế "Sell in May" do trũng thông tin sau mùa báo cáo tài chính quý I. Thị trường có thể tích cực dần trong tháng 8 - 9, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng.

Trong năm 2025, yếu tố kinh tế vĩ mô cũng sẽ diễn ra trong nửa đầu năm do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump.

Tương tự chuyên gia từ VPBankS, Chứng khoán Shinhan cũng cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức và bất ổn. Tuy nhiên, câu chuyện vĩ mô trong nước sẽ là một điểm tựa.

"Chính phủ Việt Nam xác định năm 2025 là năm tăng tốc và đột phá, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, với yêu cầu không chỉ làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) mà còn thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, bao gồm chuyển đổi số, kinh tế xanh và công nghệ cao" - báo cáo chiến lược của Chứng khoán Shinhan viết.

Với vấn đề nâng hạng thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích - Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, sẽ kích hoạt dòng tiền lớn trở lại thị trường Việt Nam. Thông thường, nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào các thị trường có thể được nâng hạng trước 3 tháng khi chính thức công bố. Trong trường hợp thị trường Việt Nam được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, dòng vốn ngoại có thể tích cực ngay từ giữa năm để đón đầu xu hướng này.

Yếu tố Margin là chìa khóa cho giai đoạn tăng tốc

Sau khi dư nợ margin tạo đáy vào quý IV/2022, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ margin qua từng quý luôn đạt ngưỡng dương. Điều này cũng cho thấy nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường nhiều hơn, sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn trong khi các công ty chứng khoán với số vốn chủ sở hữu tăng lên cũng phần nào giảm rủi ro khi bán tháo xảy ra.

Minh Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tai-sao-gioi-phan-tich-ky-vong-vn-index-nam-2025-vuot-1400-diem-168180-168180.html