Tại sao Hamas chịu nhượng bộ Fatah?
'Hôm nay là bước đi đầu tiên, tức chuyển giao quyền kiểm soát tài chính hoặc các khoản thu tài chính cho chính phủ. Những gì diễn ra hôm nay là sự chuẩn bị cho việc chuyển giao chính thức các cửa khẩu cho chính phủ đoàn kết Palestine vào ngày 1-11', ông Hisham Odwan, người phát ngôn cơ quan quản lý các cửa khẩu và biên giới của Hamas tại Dải Gaza cho biết.
Việc này diễn ra sau khi Hamas và Fatah ký thỏa thuận hòa giải do Ai Cập làm trung gian ở thủ đô Cairo, theo đó chính phủ của Thủ tướng Rami Hamdallah sẽ tiếp quản quyền kiểm soát tại Dải Gaza. Hamas sẽ chuyển giao hoàn toàn quyền lực trước ngày 1-12.
Tín hiệu tích cực sau khi Hamas và Fatah đạt thỏa thuận hòa giải mới là bước khởi đầu trên con đường dài được dự báo còn khá gian nan. Bởi Fatah và Hamas từng ký một loạt thỏa thuận hòa giải bao gồm thỏa thuận Mekka 2007, Sanaa 2008, Cairo 2011, Doha 2012 và Al-Shatyi 2014, nhưng đều không thể thực hiện do không bên nào muốn từ bỏ quyền quản lý ở những vùng lãnh thổ mình đang kiểm soát. Đại sứ Palestine tại Algeria Louay Aissa khẳng định, thỏa thuận giữa Fatah và Hamas sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của Palestine trên trường quốc tế và cho rằng, sự chia rẽ của người Palestine trong 11 năm qua là điều phi lý, ảnh hưởng mạnh mẽ đến “vấn đề Palestine”.
Sau cuộc xung đột bùng phát năm 2007, Hamas kiểm soát Gaza còn Fatah đứng đầu chính quyền ở Bờ Tây. Vì bất ổn nên nguồn viện trợ nước ngoài ngày một giảm (hơn 60% trong 10 năm) khi tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ. Xung đột đã đẩy cuộc sống của 1,8 triệu người dân ở Dải Gaza bị phong tỏa tới mức khủng hoảng nhân đạo, khi nghèo đói lan rộng, tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 50% và tình trạng thiếu điện sinh hoạt triền miên.
Việc Hamas nhất trí chuyển giao quyền kiểm soát hành chính Dải Gaza (bao gồm cả cửa khẩu Rafah) cho Chính quyền Palestine, là bước nhượng bộ đáng kể của phong trào này để tạo điều kiện cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết với Fatah. Giới phân tích coi thỏa thuận hòa giải chính trị vừa đạt được giữa Fatah và Hamas là một bước tiến lịch sử, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài một thập kỷ qua.
Tổng thống Mahmoud Abbas hoan nghênh thỏa thuận hòa giải đạt được giữa Fatah với Hamas và coi đây là "thỏa thuận cuối cùng" nhằm chấm dứt sự chia rẽ kéo dài một thập kỷ giữa hai phong trào này. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại coi thỏa thuận giữa Hamas và Fatah sẽ khiến tiến trình hòa bình với nước này "trở nên khó khăn hơn rất nhiều". Bởi Israel luôn coi Hamas là khủng bố và khước từ mọi kế hoạch đàm phán có sự tham gia của phong trào này.
Trong cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập Khaled Fawzy tại Cairo, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh khẳng định, trở ngại chính đối với tiến trình hòa giải giữa các phe phái Palestine sẽ được dỡ bỏ. Các cuộc đàm phán tại Cairo (từ ngày 10-10) được tổ chức dưới dạng họp kín và kéo dài trong nhiều ngày với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Azzam Al-Ahmed, Giám đốc Cơ quan Tình báo Majid Faraj, “Phó tướng” Hamas Saleh al-Arouri, lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza Yahya al-Senwar. Nhưng hơn 10 ngày trước (19-10), lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza Yahya al-Senwar tuyên bố, không ai có thể ép phong trào này giải giáp vũ khí hoặc công nhận sự chiếm đóng của Israel.
Và Hamas sẽ không thảo luận về việc thừa nhận Israel mà về cách thức “xóa bỏ” sự tồn tại của nhà nước này. Đồng thời kêu gọi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sớm tới thăm khu vực này và gặp Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Gaza. Theo thống kê, Hamas có từ 15.000-20.000 chiến binh, được trang bị tên lửa, súng máy và súng cối, và chưa bao giờ từ bỏ chủ trương đấu tranh bạo lực chống Israel.
Nửa năm trước (6-5), hãng AFP cho biết, ông Ismail Haniyeh được bầu thay thế người tiền nhiệm Khaled Meshaal, làm thủ lĩnh Hamas. Ông Ismail Haniyeh từng bị mưu sát nhiều lần. Ngày 17-2-2008, Hamas công bố đoạn băng về âm mưu ám sát ông Ismail Haniyeh hồi cuối năm 2006. Khi đó ông Ismail Haniyeh là Thủ tướng và bị binh sỹ Isarel ngăn không cho qua cửa khẩu vì mang theo 35 triệu USD, số tiền quyên góp được sau chuyến công du một loạt quốc gia Hồi giáo. Sau khi để lại số tiền kể trên ở Ai Cập, ông Ismail Haniyeh đã gặp “sự cố”, nhưng thoát hiểm ngoạn mục.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//quoc-te/tai-sao-hamas-chiu-nhuong-bo-fatah-365191.html