Tại sao huyện Yên Định không trả hết nợ rồi hãy nghĩ đến chuyện xây tượng đài?
Chuyên gia cho rằng huyện Yên Định muốn xây tượng đài trong lúc còn đang 'nợ như chúa chổm' là điều bất hợp lý, 'sao không trả hết nợ rồi hãy nghĩ chuyện xây tượng'.
Chưa trả hết nợ đã xây tượng đài chục tỷ
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) còn đang nợ 50 tỷ đồng “chi tiêu vặt” nhưng vẫn đề xuất tỉnh xây dựng tượng đài Bà Triệu khoảng 20 tỷ đồng.
Mặc cho dư luận ái ngại thì ông Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định vẫn khẳng định, không có gì nhạy cảm khi xin xây dựng tượng đài thời điểm này, bởi kế hoạch đề ra trong năm nay, còn việc xây dựng cơ bản là của nhiệm kỳ sau.
Nhìn nhận về đề xuất này của huyện Yên Định, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tượng đài có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, giáo dục nhưng xây vào thời điểm nào và xây thế nào mới là quan trọng.
Xây tượng đài trong lúc nợ hàng chục tỷ đồng là điều bất hợp lý, tại sao không trả nợ tiền hết đi rồi hãy nghĩ đến chuyện xây tượng đài?
Ông Lê Như Tiến
“Với một huyện nghèo như Yên Định, tôi thấy nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, xin ý kiến của người dân và cơ quan quản lý nhà nước tạo nên sự đồng thuận.
Nếu sau khi xây tượng đài xong có những ý kiến phản hồi lại, lúc đó chẳng lẽ lại đập tượng đài đi hoặc bỏ đi đâu?”, ông Lê Như Tiến băn khoăn.
Theo ông Tiến, huyện Yên Định còn đang nợ tiền nhà nước thì chỉ nên xây ở mức độ phạm vi hẹp và để trong khuôn viên của bảo tàng của huyện hoặc tỉnh thay vì xây tượng đài hoành tráng đến 20 tỷ đồng.
“Xây tượng đài trong lúc nợ hàng chục tỷ đồng là điều bất hợp lý, tại sao không trả nợ tiền hết đi rồi hãy nghĩ đến chuyện xây tượng đài?”, ông Tiến đặt câu hỏi.
Tượng đài làm tăng cơ hội lợi ích nhóm
Thực tế, thời gian qua, không chỉ Yên Định đề xuất xây dựng tượng đài có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây nhất, TAND Tối cao đề nghị đúc tượng vua thời Lý Thái Tông làm biểu tượng cho cán cân công lý để đặt ở tất cả các tòa án của các tỉnh thành, bộ, ngành. Trước đó, một huyện nghèo của Quảng Nam cũng đề xuất xây tượng đài chiến thắng Khâm Đức 14 tỷ đồng.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, đây chính là một “hội chứng xây tượng đài”, thậm chí là con gà tức nhau tiếng gáy, nơi này có tượng đài thì nơi kia cũng có tượng đài, hoặc cũng có thể là dấu hiệu của “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Tức là cuối nhiệm kỳ muốn để lại một ấn tượng gì đó, hay là dự án công trình càng to, càng hoành tráng thì tỉ lệ hồi lại cho cá nhân và cho nhóm lợi ích càng nhiều.
Lý giải thêm về "lợi ích nhóm”, ông Lê Như Tiến dẫn chứng: “Có một người làm trong công tác xây dựng có nói với tôi rằng “bao giờ bọn em cũng cắt 10% cho chủ đầu tư và cho nơi các bác đặt công trình, dự án với em”. Thế thì rõ ràng 10% xây tượng đài 20 tỷ thì bản thân 1, 2 người hoặc nhóm lợi ích nào đó đã được 2 tỷ rồi.
Nếu xây như một số nơi định xây tượng đài, sân vận động, nhà văn hóa… đến hàng trăm tỷ thì chắc chắn phải bỏ túi cá nhân 10 tỷ, thì đó chính là lợi ích nhóm, cũng được coi là một thứ “hoàng hôn nhiệm kỳ”, chuẩn bị hết nhiệm kỳ đến nơi rồi thì phải nghĩ ra được một cái gì đó để mà có những thứ thụ hưởng gấp gáp.
Nên tôi nói vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” nhiều quan chức làm “chuyến tàu vét”. Đấy cũng có thể là dấu hiệu của “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi hạ cánh”, ông Tiến phân tích.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) xác nhận, UBND huyện đang làm tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để xin chủ trương đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định.
Lý do huyện muốn xây tượng đài Bà Triệu hàng chục tỷ đồng là bởi Bà Triệu là Anh hùng dân tộc và cũng là người con của huyện Yên Định.
"Tổng mức đầu tư xây dựng công trình tượng đài dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, từ ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác.
Do chúng tôi chỉ mới làm tờ trình nên chưa đưa ra số tiền cụ thể ngân sách huyện bỏ ra bao nhiêu, vốn huy động từ nguồn hợp pháp khác là bao nhiêu", ông Bình cho biết thêm.
Thông tin huyện Yên Định muốn xin xây dựng tượng đài 20 tỷ lập tức gây xôn xao dư luận, bởi đến nay huyện này vẫn còn chưa trả được món nợ 50 tỷ đồng vay mượn suốt nhiều năm.
Đây là khoản nợ chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Cả hai vị này hiện đã nghỉ hưu.
Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra... đều lâm vào cảnh bị UBND huyện, Huyện ủy nợ tiền.
Theo thống kê sơ bộ, UBND huyện Yên Định bị tố đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng.
Những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…
Video: Trụ sở hoàng tráng của UBND huyện "nợ như chúa chổm"