Tại sao khí đốt Nga vẫn chảy qua Ukraine để đến châu Âu?
Ngay cả sau 2 năm rưỡi xung đột và nhiều vòng trừng phạt liên tiếp, khí đốt tự nhiên của Nga vẫn tiếp tục chảy qua mạng lưới đường ống của Ukraine tới các khách hàng ở châu Âu.
Và việc quân đội Ukraine được cho rằng vừa nắm quyền kiểm soát một trạm đo khí đốt gần thị trấn Sudzha ở khu vực biên giới Kursk của Nga đã gợi ra nhiều câu hỏi về vấn đề này.
Ai nhận được khí đốt tự nhiên của Nga thông qua đường ống của Ukraine?
Khí đốt tự nhiên chảy từ các mỏ khí đốt Tây Siberia qua các đường ống đi qua thị trấn Sudzha và băng qua biên giới vào hệ thống của Ukraine. Đường ống đi vào Liên minh châu Âu tại biên giới Ukraine - Slovakia, sau đó rẽ nhánh và chuyển khí đốt đến Áo, Slovakia và Hungary.
Năm ngoái, khoảng 3% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu chảy qua Sudzha. Tổng cộng, khoảng 15% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu vẫn đến từ Nga. Khí đốt tự nhiên được sử dụng để tạo ra điện, cung cấp năng lượng cho các quy trình công nghiệp hoặc để sưởi ấm nhà ở.
Tình hình tại trạm đo Sudzha thế nào?
Khí đốt vẫn chảy như trước mặc dù Ukraine có thể cắt đứt dòng chảy qua hệ thống đường ống bất cứ lúc nào, kể cả trước khi họ không kiểm soát được trạm khí đốt ở Sudzha. Lý do kiểm soát trạm này rất khó xác minh do bí mật quân sự và những nhà báo hoặc người quan sát không có quyền tiếp cận khu vực.
Theo đơn vị vận hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine, ngày 13/8, có 42,4 triệu mét khối khí đốt đã được lên kế hoạch đi qua trạm Sudzha. Con số này gần bằng mức trung bình trong 30 ngày trước đó.
Tại sao khí đốt vẫn được vận chuyển từ Nga sang châu Âu?
Trước xung đột, Ukraine và Nga đã nhất trí về một thỏa thuận kéo dài 5 năm. Theo đó, Nga đồng ý gửi một lượng khí đốt nhất định qua hệ thống đường ống của Ukraine đến châu Âu. Công ty khí đốt Nga Gazprom thu tiền bán khí đốt, trong khi Ukraine thu phí quá cảnh.
Thỏa thuận đó có hiệu lực đến hết năm nay. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, ông German Galushchenko, cho biết Ukraine không có ý định kéo dài hoặc thay thế thỏa thuận này.
Trước xung đột, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tự nhiên của châu Âu thông qua 4 hệ thống đường ống: một dưới Biển Baltic, một qua Belarus và Ba Lan, một qua Ukraine, cuối cùng là Dòng chảy Turk dưới Biển Đen qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria.
Sau khi xung đột bắt đầu, Nga đã cắt hầu hết nguồn cung qua đường ống Baltic và Belarus - Ba Lan vì các tranh chấp về yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Đường ống Baltic thực tế cũng đã nổ tung do phá hoại.
Việc Nga cắt giảm khí đốt đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Đức đã phải chi hàng tỷ euro để thiết lập các nhà ga nổi nhằm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng tàu, không phải bằng đường ống. Na Uy và Mỹ sau đó trở thành hai nhà cung cấp lớn nhất.
Tuy nhiên, khí đốt của Nga chưa bao giờ bị cấm, mặc dù số tiền kiếm được từ khí đốt có thể hỗ trợ ngân sách nhà nước Nga và giúp nâng đỡ đồng rúp. Đây là minh chứng cho thấy châu Âu đã phụ thuộc vào năng lượng của Nga như thế nào.
Tương lai của dòng khí đốt Nga chảy vào châu Âu sẽ thế nào?
Liên minh châu Âu đã đưa ra kế hoạch chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Nhưng tiến độ gần đây không đồng đều.
Áo đã tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga từ 80% lên 98% trong hai năm qua. Trong khi Ý đã cắt giảm nhập khẩu trực tiếp, họ vẫn nhận được khí đốt có nguồn gốc từ Nga thông qua Áo.
Các thành viên EU là Romania và Hungary đã ký kết các thỏa thuận khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, nước nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nghiên cứu viên cao cấp Armida van Rijd tại Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia ở London, cho biết: "Khí đốt của Nga đang được rửa thông qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng nhu cầu liên tục cao của châu Âu".
Bà nhấn mạnh thực tế rằng "các nước châu Âu rất khó đa dạng hóa hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng của mình, khi nhiều nước đang phải vật lộn với lạm phát cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt".