Tại sao không nên đun nước sôi lại nhiều lần và có cần đun sôi nước đã qua máy lọc?
Nước đun sôi lần đầu có thể loại bỏ vi khuẩn và một số độc tố, nhưng không nên đun lại nhiều lần bởi sẽ làm các chất trong nước bị thay đổi, ảnh hưởng sức...
Đun sôi nước được coi là một trong những phương pháp tốt nhất để loại bỏ các tạp chất và an toàn để sử dụng. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ về nước sôi còn sót lại? Bạn sẽ làm gì với nó, đổ đi hay đun lại để dùng?
Tiến sĩ Arunesh Dutt Upadhyaym, chuyên gia y học 37 năm kinh nghiệm ở Ấn Độ, cùng nhiều chuyên gia khác đang cảnh báo về sự nguy hiểm của nước đun sôi lại. Như với tất cả các chất lỏng khi tiếp tục đun sẽ cô đặc hơn. Do đó, đun sôi lại cùng một lượng nước có thể làm cho nước cô đặc hơn hoặc tăng lượng muối hòa tan trong đó.
Tác hại của việc đun sôi lại nước bao gồm:
- Muối nitrat hòa tan trong nước thường không gây hại nhưng đun sôi quá nhiều hoặc đun lại cùng một lượng nước có thể biến các nitrat hòa tan trong nước thành nitrosamin - nguyên nhân gây ra các bệnh như ung thư, bạch cầu.
- Nước đun sôi lại có thể làm tăng lượng asen hòa tan. Asen với một lượng nhỏ trong nước không có hại, nhưng lượng lớn hơn có thể gây ra ung thư, vô sinh, đau tim và rối loạn tâm thần. Sử dụng nước có hàm lượng asen cao trong thời gian dài có thể gây hại cho hệ tuần hoàn và tổn thương da.
- Đun sôi lại nước cũng làm tăng lượng florua. Việc tăng lượng tiêu thụ florua hòa tan trong nước có thể làm tăng nguy cơ rối loạn xương. Ở trẻ em dưới 8 tuổi, lượng florua dư thừa có thể gây hại cho răng và men răng.
- Nước đun sôi lại làm tăng lượng canxi hòa tan, có thể gây sỏi thận và sỏi mật.
- Đun sôi nước sẽ làm thay đổi tính chất hóa học của nước, khiến thay đổi hương vị, tăng nồng độ các hóa chất và tạp chất không mong muốn trong nước.
Do những tác hại nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng nước đun lại để pha sữa cho trẻ nhỏ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra việc sử dụng nước đun sôi lại để pha một tách trà có thể ảnh hưởng đến hương vị.
Nếu bạn đun sôi lại nước tinh khiết thì hoàn toàn không làm thay đổi thành phần hóa học của nó. Tuy nhiên, đa phần các nguồn nước đều chứa nhiều chất khác nhau. Vì thế chỉ nên đun một lượng đủ dùng mỗi lần để bảo vệ sức khỏe về lâu dài, giúp tiết kiệm điện và bảo tồn nguồn tài nguyên nước.
Có cần đun sôi nước đã qua máy lọc?
Theo tiến sĩ Vũ Thị Tần (giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội), máy lọc nước RO sử dụng công nghệ màng lọc thẩm thấu ngược, màng lọc có kích thước khe hở chỉ tử 0.1-0.5 nanomet. Với kích thước này, chỉ nước tinh khiết đi qua được. Màng lọc sẽ loại bỏ toàn bộ vi khuẩn, cặn bẩn, các hợp tạp chất, kim loại nặng... Nước sau khi lọc là nước tinh khiết.
Như vậy, nước sau khi lọc xong không có vi khuẩn, có thể uống trực tiếp được mà không cần đun sôi. Để đảm bảo sức khỏe, các máy lọc RO thường lắp thêm các lõi bù khoáng để bổ sung khoáng chất. Một số máy RO cao cấp còn có lõi lọc chiếu tia UV để diệt khuẩn, tia hồng ngoại để tạo vị ngọt tự nhiên cho nước.
Tuy nhiên theo truyền thống, nhiều người vẫn đun sôi nước RO nhằm mục đích diệt khuẩn để đảm bảo sức khỏe. Việc này gây ra ý kiến trái chiều.
Bộ phận phản đối cho rằng đun nước lọc qua máy RO sẽ làm làm nước đóng cặn, dễ bị sỏi thận vì đã được bổ sung bù khoáng. Trên thực tế lượng khoáng trong nước sau khi qua lõi bù khoáng là lượng khoáng hòa tan cần thiết cho cơ thể. Nó không quá lớn như nước cứng nên không lo nước bị đóng cặn sau khi đun.
Bộ phận ủng hộ cho rằng mặc dù nước qua hệ thống lọc RO không có vi khuẩn, nhưng có thể có vi khuẩn ở bồn chứa nước sau lọc. Vì vậy để an toàn nhất có thể cứ đun nước sau lọc.
Vì thế theo tiến sĩ Tần, muốn uống trực tiếp hay đun sôi là tùy ý thích của bạn. Lưu ý nước đã đun sôi nên sử dụng trong vòng 24-36 tiếng, vì để lâu có thể nhiễm khuẩn trong không khí.