Tại sao Khu công nghiệp Tuy Phong chưa thu hút nhà đầu tư?
Dự án Khu công nghiệp (KCN) Tuy Phong được Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 31/12/2013 với diện tích sử dụng đất 150 ha. Đến nay, chủ đầu tư KCN Tuy Phong đã hoàn thành cơ bản các thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, so với tiến độ đăng ký đầu tư, kết quả đầu tư xây dựng KCN Tuy Phong còn chậm.
Do đâu?
Việc chậm hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật KCN Tuy Phong có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính. Hạ tầng đối ngoại của tỉnh Bình Thuận thời gian qua chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhất là đường cao tốc, sân bay, cảng nước sâu (chỉ đến năm 2019, cảng Quốc tế Vĩnh Tân mới được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng). Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong các năm qua, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác giao đất, cho thuê đất trả tiền một lần; công trình trong và ngoài hàng rào phục vụ KCN (cấp nước, cấp điện) triển khai đấu nối chậm. Ngoài ra, chủ đầu tư hạ tầng có tâm lý trông chờ khi có nhà đầu tư thứ cấp mới đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nên chưa thực sự quyết tâm tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng... Mặt khác, các nhà đầu tư tuy đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN Tuy Phong khá nhiều, nhưng do điều kiện hạ tầng của tỉnh còn nhiều hạn chế, nên dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2013, song đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp nào đến triển khai thực hiện dự án.
Trong nửa cuối năm 2021 và năm 2022, khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào KCN Tuy Phong như Khu chế xuất Linh Trung của TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu để chuyển một số doanh nghiệp từ Khu chế xuất Linh Trung ra KCN Tuy Phong và nhiều nhà đầu tư thứ cấp ký ghi nhớ đăng ký đầu tư vào KCN này, cụ thể như: Dự án sản xuất gạch không nung từ tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (10 ha); dự án sản xuất cánh quạt điện gió (30 ha) và một số nhà đầu tư khác đang nghiên cứu đầu tư...
Sẽ chấn chỉnh việc chậm tiến độ
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng các đề án, nghị quyết phát triển công nghiệp và chỉ đạo triển khai quy hoạch, lựa chọn thực hiện các khu công nghiệp trên vùng đất bạc màu, đất cằn cỗi, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp, trong đó có KCN Tuy Phong. Qua quá trình triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển công nghiệp của tỉnh, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định phát triển các KCN là một động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khi các KCN hình thành và đi vào hoạt động sẽ tác động tích cực đến chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh thông qua các khoản thuế và phí. Từ đó sẽ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư. Bên cạnh đó, thay đổi cơ cấu kinh tế của các hộ gia đình khu vực dự án KCN, thu nhập của người dân cao hơn so với sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống kinh tế cho người dân...
Việc hình thành một KCN nói chung và KCN Tuy Phong nói riêng không phải một sớm một chiều, phải trải qua nhiều giai đoạn, đặc biệt là mất rất nhiều thời gian cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy KCN. Vì vậy, việc đánh giá tính hiệu quả kinh tế của KCN Tuy Phong trong giai đoạn hiện nay là chưa có cơ sở.
Thời gian đến, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý các KCN, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tuy Phong rà soát, đánh giá cụ thể tình hình triển khai thực hiện dự án KCN Tuy Phong. Một mặt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án; mặt khác, phải chấn chỉnh việc chậm tiến độ đầu tư, trường hợp không có lý do chính đáng sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương thu hồi dự án theo quy định của pháp luật.